Nhường đường trên cao tốc: Nhanh chóng, an toàn và chuẩn luật
Nhiều tài xế tranh luận về việc nhường đường khi đi tốc độ tối đa trên cao tốc. Một số cho rằng họ không cần nhường vì tuân thủ luật. Tuy nhiên, luật giao thông quy định xe đi chậm phải nhường đường trên cao tốc cho xe xin vượt khi an toàn. Việc cố tình bám làn trái, không nhường đường trên cao tốc có thể gây nguy hiểm và bị phạt tiền từ 400.000 đến 600.000 đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 đến 03 tháng.
Để đảm bảo an toàn, tài xế nên nhường đường khi an toàn và nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông như thế nào để không bị xử phạt?
Xung quanh nội dung này, PV VOV Giao thông đã có cuộc đối thoại TS. Trần Hữu Minh – Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia.
PV: Thời gian gần đây mạng xã hội có cuộc tranh luận sôi nổi về quy tắc nhường đường trên cao tốc. Một số ý kiến cho rằng họ đã đi với tốc độ tối đa trên làn trái, sát dải phân cách thì không có lý do gì phải nhường xe xin vượt. Xin ông cho biết quy tắc vượt xe trên cao tốc quy định thế nào?
TS. Trần Hữu Minh: Gần đây trên một số diễn đàn vào báo chí đã thực hiện một số cuộc khảo sát về hành vi ứng xử trên cao tốc. Kết quả rất đáng để chúng ta xem xét và suy nghĩ thêm. Cụ thể ở đây có khá nhiều người cho rằng khi mình đã đi vào làn vượt với tốc độ tối đa và họ cứ bám làn đó, như vậy họ đã đúng luật, không phải nhường đường cho ai cả.
Tôi muốn khẳng định cả 2 suy nghĩ đều chưa đúng. Bởi vì theo quy định hiện nay, người lái xe có nghĩa vụ phải nhường đường, vì Luật Giao thông đường bộ 2008, trong phần quy tắc giao thông có quy định rất rõ: Khi có xe xin vượt và nếu người lái thấy đủ điều kiện an toàn thì người điều khiển phương tiện ở phía trước phải giảm tốc độ, đi sát vào phần đường bên phải xe chạy cho đến khi xe sau vượt qua và không được gây trở ngại đối với xe xin vượt.
Như vậy, nếu như đáp ứng được các điều kiện của Luật thì dù người lái đang lái ở tốc độ tối đa ở làn vượt thì bạn vẫn phải nhường đường. Chúng ta cũng đừng lo những người xin vượt sẽ vi phạm tốc độ, bởi vì nếu người xin vượt vi phạm tốc độ thì đã có lực lượng chức năng xử lý.
PV: Thực tế cũng không ít trường hợp xe chỉ chạy tốc độ 70-80km/h, nhưng vẫn nhất quyết bám làn trái, thậm chí không nhường đường trên cao tốc cho xe xin vượt. Ông có ý kiến như thế nào về trường hợp này?
TS. Trần Hữu Minh: Nếu người lái, trong điều kiện binh thường đi cứ liên tục bám vào làn vượt, sát dải phân cách cứng thì đây lại là một cái sai nữa. Bởi vì làn đó không dành cho giao thông trong điều kiện bình thường, làn đó là làn dành cho vượt xe và trong điều kiện bình thường người lái phải đi sang làn bên phải.
Chính vì vậy rất nhiều quốc gia họ đã quy định rất rõ những quy tắc giao thông trên cao tốc, tức là trong điều kiện giao thông bình thường, với cao tốc 6 làn xe, mỗi bên 3 làn xe thì trong điều kiện giao thông bình thường, người lái phải đi vào làn giữa, họ chỉ đi vào làn trái khi muốn vượt xe, khi vượt xong phải quay trở lại làn giữa hoặc làn bên phải ngoài cùng, chứ không được bám làn vượt để đi tiếp, trừ khi tiếp tục vượt.
Còn nếu đi chậm hơn thì phải đi vào làn phải, sát với làn dừng khẩn cấp. Đặc biệt ở đây là xe khách, xe tải, trong điều kiện bình thường chỉ được đi ở làn phải, ở tốc đọ thấp hơn xe con khá nhiều.
Còn đương nhiên với cao tốc 4 làn, tức là mỗi chiều 2 làn và 1 làn khẩn cấp thì trong điều kiện bình thường phải đi vào làn sát làn khẩn cấp, còn làn trái chỉ dành cho vượt xe và tương tự khi vượt xe xong phải quay trở lại làn bên phải.
PV: Trong thực tế vẫn không ít trường hợp người lái xe cho rằng, người xin vượt có thể vượt ở làn phải. Theo ông, thời gian tới chúng ta cần làm gì để khắc phục?
TS. Trần Hữu Minh: Xảy ra tình trạng trên tất nhiên có nhiều nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân là phần về quy tắc giao thông trên cao tốc của chúng ta chưa thật sự rõ ràng. Đây cũng là điểm mà chúng ta phải làm thật rõ trong thời gian tới. Ngoài ra vẫn cứ phải kiên trì tuyên truyền để làm sao chúng ta có nhiều người lái xe có nhận thức đúng, có hành vi ứng xử tốt trên cao tốc.
Ở đây thông điệp với người tham gia giao thông trên cao tốc, chúng ta cần nhận thức rõ một điều là ở tốc độ cao thì những người trên xe trở nên dễ bị tổn thương nhất, kể cả bạn đang đi trên những phương tiện hiện đại, có thể coi là hiện đại và an toàn nhất. Bởi vậy, việc chọn một tốc độ hợp lý là một điều hết sức quan trọng.
Trên cao tốc thường có tốc độ tối đa và tối thiểu, tốc độ tối đa không có nghĩa là khuyến khích người lái hướng tới giới hạn tốc độ đó. Đây là mức giới hạn tốc độ tối đa mà bạn được phép chạy xe.
Bởi vậy mà tất cả các chương trình lái xe tiên tiến, an toàn đều khuyến cáo người lái xe nên có xu hướng giảm tốc độ, kể cả khi họ có thể đi nhanh hơn, bạn hoàn toàn có thể chọn cho mình tốc độ hợp lý, thấp hơn tốc độ giới hạn cao nhất.
PV: Xin cảm ơn ông!