Hướng dẫn ôn tập chi tiết: Nội dung sát hạch lái xe mới nhất
Nội dung sát hạch lái xe gồm những nội dung gì? Thi sát hạch lái xe lý thuyết trên máy tính hay trên giấy?
1. Nội dung sát hạch lái xe gồm những gì?
* Nội dung sát hạch lý thuyết:
Sát hạch lý thuyết: gồm các câu hỏi liên quan đến quy định của pháp luật giao thông đường bộ, kỹ thuật lái xe, ngoài ra còn có nội dung liên quan đến cấu tạo và sửa chữa thông thường, nghiệp vụ vận tải (đối với giấy phép lái xe hạng A3, A4); cấu tạo và sửa chữa thông thường, đạo đức người lái xe (đối với giấy phép lái xe ô tô hạng B1); cấu tạo và sửa chữa thông thường, nghiệp vụ vận tải, đạo đức người lái xe (đối với giấy phép lái xe ô tô từ hạng B2 trở lên).
Người dự sát hạch lái xe hạng A1 có giấy phép lái xe ô tô do ngành Giao thông vận tải cấp được miễn sát hạch lý thuyết.
* Nội dung sát hạch thực hành:
– Sát hạch thực hành lái xe trong hình đối với các hạng A1, A2:
Người dự sát hạch phải điều khiển xe mô tô qua 04 bài sát hạch: đi theo hình số 8, qua vạch đường thẳng, qua đường có vạch cản, qua đường gồ ghề.
– Sát hạch thực hành lái xe trong hình đối với các hạng A3, A4:
Người dự sát hạch phải điều khiển xe tiến qua hình chữ chi và lùi theo hướng ngược lại.
– Sát hạch thực hành lái xe trong hình đối với các hạng B1, B2, C, D và E:
Người dự sát hạch phải thực hiện đúng trình tự và điều khiển xe qua các bài sát hạch đã bố trí tại trung tâm sát hạch như: xuất phát, dừng xe nhường đường cho người đi bộ, dừng và khởi hành xe trên dốc, qua vệt bánh xe và đường vòng vuông góc, qua ngã tư có đèn tín hiệu điều khiển giao thông, qua đường vòng quanh co, ghép xe vào nơi đỗ (hạng B1, B2 và C thực hiện ghép xe dọc; hạng B1, B2 và D, E thực hiện ghép xe ngang), tạm dừng ở chỗ có đường sắt chạy qua, thao tác khi gặp tình huống nguy hiểm, thay đổi số trên đường bằng, kết thúc.
– Sát hạch thực hành lái xe trong hình đối với các hạng FB2, FD và FE Người dự sát hạch điều khiển xe qua bài sát hạch: tiến qua hình có 05 cọc chuẩn và vòng trở lại.
– Sát hạch thực hành lái xe trong hình đối với hạng FC:
Người dự sát hạch điều khiển xe qua 02 bài sát hạch: tiến qua hình có 05 cọc chuẩn và vòng trở lại; ghép xe dọc vào nơi đỗ.
– Sát hạch thực hành lái xe trên đường: người dự sát hạch điều khiển xe ô tô sát hạch, xử lý các tình huống trên đường giao thông và thực hiện hiệu lệnh của sát hạch viên.
– Sát hạch lái xe ô tô bằng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông: Người dự sát hạch xử lý các tình huống mô phỏng xuất hiện trên máy tính;
– Sát hạch thực hành lái xe trong hình để cấp giấy phép lái xe hạng A1 cho người khuyết tật điều khiển xe mô tô ba bánh dùng cho người khuyết tật.
Người dự sát hạch phải điều khiển xe tiến qua hình chữ chi.
(Khoản 3 Điều 21 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, được sửa đổi bởi Thông tư 38/2019/TT-BGTVT)
2. Tổ chức sát hạch lái xe
Việc tổ chức sát hạch lái xe được thực hiện như sau:
– Sát hạch lý thuyết đối với hạng A1 ở các đô thị từ loại 2 trở lên thực hiện trên máy vi tính; các địa bàn khác thực hiện trắc nghiệm trên giấy hoặc trên máy vi tính; phòng sát hạch lý thuyết có camera giám sát quá trình sát hạch;
– Sát hạch lý thuyết đối với các hạng A2, A3, A4, B1, B2, C, D, E và các hạng F thực hiện trên máy vi tính; phòng sát hạch lý thuyết có camera giám sát và công khai quá trình sát hạch;
– Sát hạch thực hành lái xe trong hình đối với các hạng A1, A2 ở các đô thị từ loại 3 trở lên phải sử dụng thiết bị chấm điểm tự động; các địa bàn khác có khoảng cách đến trung tâm đô thị từ loại 3 trở lên dưới 100 km phải sử dụng thiết bị chấm điểm tự động từ ngày 01 tháng 7 năm 2018;
– Sát hạch thực hành lái xe trong hình đối với các hạng F thực hiện tại trung tâm sát hạch lái xe hoặc sân sát hạch có đủ điều kiện thuộc trung tâm sát hạch lái xe;
– Sát hạch thực hành lái xe trong hình đối với các hạng B1, B2, C, D, E thực hiện tại trung tâm sát hạch có thiết bị chấm điểm tự động, không có sát hạch viên ngồi trên xe sát hạch;
– Sát hạch thực hành lái xe trên đường giao thông áp dụng đối với các hạng B1, B2, C, D, E và F;
– Sát hạch thực hành lái xe trên đường đối với các hạng B1, B2, C, D và E phải sử dụng thiết bị chấm điểm tự động và có một sát hạch viên trên xe.
– Sát hạch lái xe ô tô bằng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông thực hiện tại trung tâm sát hạch.
(Khoản 4 Điều 21 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, được sửa đổi bởi Thông tư 38/2019/TT-BGTVT)
Xem thêm: Điều chỉnh phần mềm thi GPLX, liệu tỉ lệ trượt có giảm? |