Nhân lực – yếu tố quan trọng phát triển giao thông thông minh, đô thị thông minh

Thêm đánh giá

Thời gian qua nhiều địa phương, thành phố lớn của nước ta đã và đang có những thành tựu quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển các đô thị thông minh hay hệ thống giao thông thông minh. Bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ thì vấn đề nguồn nhân lực cũng là một nội dung hết sức quan trọng.

Liên quan vấn đề này, PV Giao thông đã có cuộc trao đổi với các ông Võ Quang Huệ – Nguyên Phó Tổng giám đốc Vingroup, ông Phan Thanh Sơn – Phó Chủ tịch điều hành, Giám đốc phát triển kinh doanh công ty FPT IS và Tiến sĩ Bùi Văn Viên – Phó hiệu trưởng trường Đại học Việt Đức.

Võ Quang Huệ - Nguyên Phó Tổng giám đốc Vingroup
Võ Quang Huệ – Nguyên Phó Tổng giám đốc Vingroup

PV: Thưa ông Võ Quang Huệ, ông nhận định ra sao về vai trò của nguồn nhân lực cho phát triển giao thông thông minh, đô thị thông minh ở nước ta?

Ông Võ Quang Huệ: Giao thông thông minh và phát triển thành phố thông minh là xu hướng tất yếu mà Việt Nam và các thành phố lớn của nước ta cần đặc biệt chú ý tới.

Tôi nghĩ nguồn nhân lực cần xây dựng trong lĩnh vực này là rất quan trọng và việc liên kết giữa các đại học cùng các doanh nghiệp để tạo ra được nền tảng cũng như một lực lượng kỹ sư mới là rất cần thiết.

Nguồn nhân lực của Việt Nam chúng ta hoàn toàn đủ khả năng, nếu có đủ điều kiện thì có thể tạo ra nhiều thành quả cho nền kinh tế tri thứ của Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng.

ông Phan Thanh Sơn – Phó Chủ tịch điều hành
ông Phan Thanh Sơn – Phó Chủ tịch điều hành

PV: Thưa ông Phan Thanh Sơn, ông có thể chỉ ra được sự khác biệt giữa nguồn nhân lực truyền thống và nguồn nhân lực mới trong giao thông thông minh, đô thị thông minh?

Ông Phan Thanh Sơn: Trong giao thông nói chung sử dụng rất nhiều nhân lực. Công trình giao thông là hạ tầng đô thị, nó sẽ đi qua một số chu kỳ như thiết kế, xây dựng, vận hành, bảo trì, sửa chữa…mỗi chu kỳ cần số lượng và chất lượng nhân sự chuyên môn khác nhau.

Còn giờ đây chúng ta đang nói về giao thông thông minh, vì vậy nguồn nhân lực này sẽ có nhiều thách thức hơn vì yếu tố thông minh liên quan đến công nghệ cao, phần mềm, công nghệ thông tin, số hoá, thậm chí 1 số công nghệ giao thông phát triển cao hơn.

Cần phải bổ sung nguồn nhân lực này bên cạnh nguồn nhân lực truyền thống, thậm chí phải đào tạo lại nguồn nhân lực truyền thống trước đây. Việc này không phải làm tăng thêm đáng kể số lượng nhân lực nhưng sẽ làm biến đổi ngành giao thông không chỉ là lĩnh vực truyền thống mà trở thành thị trường cho ngành phần mềm và công nghệ thông tin tham gia vào.

Đây là cơ hội để đào tạo ra các kỹ sư giao thông nhưng có kiến thức công nghệ theo chiều rộng khi có thể biết cả AI, dữ liệu, IOT, biết cả công nghệ ô tô, cả bức tranh vận hành đô thị thông minh…đấy chính là hướng đào tạo theo chiều rộng.

PV: Thưa tiến sĩ Bùi Văn Viên, trường đại học Việt Đức mong muốn gì khi tiên phong hướng đến đào tạo nguồn nhân lực cho giao thông thông minh, đô thị thông minh?

Ông Bùi Văn Viên: Nhân lực trong tất cả các hoạt động kinh tế xã hội vừa là động lực vừa là yếu tố góp phần trực tiếp vào quá trình phát triển. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy quốc gia nào có nền giáo dục, đặc biệt là giáo dục ở bậc cao từ đại học trở lên phát triển sẽ tạo được nguồn nhân lực tốt, chính nguồn nhân lực tốt này sẽ mở đường cho phát triển.

Chúng ta cần một thế hệ kỹ sư mới đủ năng lực để giải quyết các vấn đề của thời đại trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, nhất là trong lĩnh vực giao thông. Khi chúng tôi nhận diện được xu hướng phát triển giao thông thông minh – đây là lĩnh vực cần phải quan tâm để đào tạo nguồn nhân lực sớm để chủ động phát triển trong tương lai.

Kỹ thuật giao thông thông minh dựa trên 3 trụ cột cơ bản là kỹ thuật giao thông vận tải, kỹ thuật ô tô, cuối cùng là kỹ thuật phần mềm và khoa học dữ liệu.

Giao thông thông minh

Chúng tôi đã hợp tác với các trường đại học hàng đầu của Đức, đặc biệt là các đại học có thế mạnh về nghiên cứu và đào tạo giao thông thông minh làm sao để đáp ứng nhu cầu về kiến thức của những kỹ sư trong tương lai để có thể làm việc, nghiên cứu, vận hành hệ thống giao thông, đô thị thông minh trong tương lai.

Đó chính là mong muốn, mục tiêu mà đại học Việt Đức hướng đến để đào tạo nhân lực đủ năng lực, kỹ năng để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong lĩnh vực này.

Xem thêm:

Chạy thử nghiệm toàn tuyến Metro số 1 do người Việt vận hành

Vách ngăn với đường ray khi chờ tàu điện, quản lý vận hành nói gì?

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x