Vách ngăn với đường ray khi chờ tàu điện, quản lý vận hành nói gì?

Thêm đánh giá

Hiện nay cả 2 dự án tàu điện ở Hà Nội, khu vực khách chờ tàu và nơi tiếp cận đường ray chỉ ngăn bằng một vạch kẻ, khiến một số hành khách cảm thấy thiếu yên tâm, dù chưa xảy ra sự cố nào.
Trong khi tàu điện ở một số nước cũng có lắp vách ngăn này. Đơn vị quản lý vận hành và các chuyên gia nói sao, có liên quan đến tiêu chuẩn thiết kế và nghiệm thu không, có thể lắp thêm được không?

Theo ghi nhận của PV Giao thông, 8h sáng 20/8, tại khu chờ tàu ga Cầu Giấy, khá đông hành khách đến trải nghiệm đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội khi vẫn đang miễn phí. Sinh viên có, người đi làm có, người cao tuổi cũng có.

Người thư thả trải nghiệm, người vội vã, tất bật cho kịp giờ học, giờ làm. 3 nhân viên thuộc Hà Nội Metro thường xuyên túc trực tại các cửa lên xuống để nhắc nhở mỗi khi hành khách đến gần đường ray khi tàu tới gần.

Dù đã 3-4 lần đi tàu đường sắt Nhổn- Ga Hà Nội, song bà Nguyễn Thị Thường, ở Quan Hoa, Cầu Giấy vẫn vội vã chạy vào khoang khi tàu chuẩn bị chuyển bánh. Nhân viên gác chắn giật mình, vội vã vừa chạy đến, vừa cảnh báo bà Thường không lên tàu khi tàu bắt đầu đóng cửa.

Vừa bị nhỡ tàu, vừa không hài lòng khi nhân viên không nhắc nhở, hướng dẫn hành khách, nên bà Thường khá bực bội: “Quá nguy hiểm luôn. Nhân viên phải hướng dẫn, phải để tâm vào, chứ xem điện thoại là chết đấy. Đây như cháu này vừa nãy là khuyết điểm, vì bà nhanh tí nữa là bà chạy vào đấy. Nên lúc tàu gần đến là nhân viên phải quan tâm đến khách, nếu không là chết người như chơi. Vì người già người ta không để ý đâu”.

ga chờ lên tầu điện
ga chờ lên tầu điện

Một số hành khách, kể cả sinh viên hoặc người đi làm cũng băn khoăn khi khe hở khu chờ tàu khá rộng, có nguy cơ mất an toàn nếu hành khách lơ đãng:

“Những người già với trẻ con thì hơi sợ, còn tôi thì vẫn cảm thấy bình thường. Đường sắt Cát Linh – Hà Đông thì cái khoảng cách này nó an toàn hơn ở đây. Nếu có hàng rào kính thì càng tốt”.

“Lần này là lần đầu tiên em được trải nghiệm. Em nghĩ nên có hàng rào kính bảo vệ hoặc tấm chắn bảo vệ tự động để đảm bảo an toàn cho người dân”.

“Em đi nhiều, ngày nào cũng đi mà. Em thấy mọi người cũng ok, không vấn đề gì. Cái đó chỉ cần cho trẻ con, chứ người lớn cũng không cần lắm. Như bên Nhật em thấy có đâu, người ta vẫn đẩy vào, thậm chí vẫn phải có nhân viên bảo vệ. Kể cả có tự động đến đâu cũng vẫn phải có người”.

Trao đổi với VOVGT, ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Hà Nội Metro cho hay, 2 dự án đường sắt đô thị hiện nay đang khai thác là Cát Linh- Hà Đông và Nhổn – Ga Hà Nội đều không có hạng mục cửa chắn ke ga. Để đảm bảo an toàn, Hà Nội Metro đã làm vạch kẻ cảnh báo, chăng dây mềm, đồng thời bố trí nhân viên an toàn để hướng dẫn và cảnh báo để đảm bảo an toàn cho hành khách:

“Về lâu dài, chúng tôi sẽ đề xuất với Thành phố có những đầu tư để cập nhật những cái mới. Nó là tự động, tích hợp với việc đóng mở cửa tàu, nó tự động hóa thì sẽ giảm được số người đứng ở khe ga. Nhưng có cũng chỉ thực hiện được việc đó thôi, còn việc hướng dẫn, giải đáp những cái mới cho hành khách thì nó không thực hiện được. Bởi vì mục tiêu an toàn cho hành khách vẫn là trên hết”.

đường sắt cát linh hà đông

Rào chắn ke ga hay còn gọi là cửa chắn an toàn không phải là một hạng mục bắt buộc đối với các tuyến đường sắt đô thị. Các tuyến đường sắt đô thị lâu đời tại bang New York, Washington, Mỹ, Úc không lắp rào chắn. Trong khi tuyến đường sắt đô thị Singapore, Hồng Kông, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên tại Indonesia đều được trang bị cửa này.

Theo TS Phan Lê Bình, Phó đại diện Văn phòng tư vấn OCG Nhật Bản, từ hàng trăm năm, các tuyến đường sắt đô thị Tokyo, Nhật Bản không lắp đặt rào chắn ke ga. Chỉ có 10-15 năm trở lại đây, tại một số tuyến đường sắt đô thi của Nhật Bản xuất hiện hiện tượng tự tử tại các nhà ga nên Nhật Bản mới thiết kế cửa chắn theo vị trí ke ga giữa hành khách đối với những đoàn tàu, nhằm hạn chế tình trạng tự tử.

Cũng theo ông Bình, khoảng cách khe hở giữa đoàn tàu và ke ga, có thể từ 10-17cm tùy theo điều kiện, vị trí thiết kế nhà ga. Khoảng cách ke ga càng hẹp thì càng sẽ đảm bảo an toàn hơn cho người dân. Việc lắp đặt thêm rào chắn thành phố cần cân nhắc dựa trên điều kiện thực tế:

“Việc lắp chi phí rào chắn đó đội lên chi phí khá nhiều cho các tuyến đường sắt đô thị. Trong điều kiện cho phép, việc lắp thêm các cửa chắn đó đảm bảo an toàn gần như tuyệt đối cho hành khách. Tuy nhiên, trong điều kiện chi phí phải cắt giảm nhiều, chúng ta lo lắng về đội vốn, vay vốn nước ngoài thì việc chưa lắp được rào chắn đó cũng là điều dễ hiểu. Hành khách khi đi tàu phải thật sự chú ý, tuân theo hướng dẫn của nhân viên nhà ga để đảm bảo an toàn cho bản thân và an toàn cho đoàn tàu”.

Nhiều chuyên gia giao thông nhấn mạnh, để đảm bảo an toàn cho hành khách sử dụng đường sắt đô thị, cùng với việc đơn vị vận hành tăng cường phát loa thông báo, bố trí nhân lực hướng dẫn hành khách, thì bản thân mỗi hành khách cũng cần dành thời gian tìm hiểu và chấp hành các quy định, hướng dẫn sử dụng tàu điện.

Xem thêm:

Rào chắn gầm cầu vượt Nguyễn Chí Thanh để thi công ga ngầm đường sắt Nhổn – Ga Hà Nội

Hà Nội tiến tới 30 quận, huyện đều cấp đổi GPLX

Trừ điểm bằng lái: Cách thức phục hồi điểm liệu có đánh đố?

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x