Đẩy lùi lãng phí trong giao thông, bắt đầu từ đâu? (Bài 2): Ùn tắc liên miên nhưng cầu đường vẫn “ế”

Thêm đánh giá

Tình trạng ùn tắc giao thông đang lấy đi khoảng 3% tổng thu nhập của các đô thị hàng đầu nước ta, gây thiệt hại hàng tỉ USD mỗi năm, gây tổn thất và lãng phí xã hội khổng lồ.
Nhưng, nghịch lý ở chỗ, trong khi ùn tắc giao thông vẫn đang là vấn nạn tại đô thị, thì không ít công trình cầu, đường được đầu tư xây dựng với số vốn nhiều tỉ đồng, lại rơi vào cảnh “ ế ẩm”, vắng như…. chùa Bà Đanh.

Lãng phí từ sự kém hiệu quả trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đang diễn ra như thế nào?

7h30 sáng, tại nút giao Phạm Hùng – Xuân Thủy (quận Cầu Giấy, Hà Nội), một phụ nữ trung niên vội vàng chạy băng qua đường, bất chấp dòng phương tiện đông đúc:

Chị có biết ở đây có hầm đường bộ không?

– Đây đây. Chính là đây

Tại sao mình không sử dụng hầm đường bộ?

– Ở đấy nhiều lúc bẩn thỉu, sợ lắm. Khoảng cách là được. Nhưng buổi tối không có người, bọn lang thang vật vờ vào đấy sinh hoạt bừa bãi, kinh lắm. Muộn một tý nữa sẽ có người dọn, sớm thì chưa có ai dọn

Tình trạng người đi bộ băng cắt qua đường, dù cầu bộ hành, hầm bộ hành ở ngay cạnh, xảy ra khá phổ biến
Tình trạng người đi bộ băng cắt qua đường, dù cầu bộ hành, hầm bộ hành ở ngay cạnh, xảy ra khá phổ biến

Tình trạng người đi bộ băng cắt qua đường, dù cầu bộ hành, hầm bộ hành ở ngay cạnh, xảy ra khá phổ biến trên đường Cầu Giấy, đường Nguyễn Trãi, đường Khuất Duy Tiến, với rất nhiều lý do, như không thuận tiện, chân cầu bị lấn chiếm, không đảm bảo vệ sinh, độ dốc cao khiến người già, người ốm khó tiếp cận. Quan trọng là, đi bộ dưới lòng đường cũng…chẳng sao!

Ghi nhận thực trạng này trên trục đường Trần Phú –Nguyễn Trãi, Trung tá Phạm Anh Tuấn, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 7 cho biêt:

“Việc xử lý những người đi bộ vi phạm rất là khó. Người đi bộ đa phần áp dụng biện pháp tuyên truyền”.

Theo thống kê, Hà Nội hiện có hơn 13 cầu vượt nhẹ kết cấu thép bắc qua các nút giao trọng điểm ở nội đô; 23 hầm đi bộ tập trung ở vành đai 3 (17 hầm), nút giao đường 32 với đường 70 (4 hầm), 2 hầm khác ở Ngã Tư Sở và ngã tư Giải Phóng – Đại Cồ Việt.

Mức đầu tư mỗi công trình này từ hàng chục đến hàng trăm tỉ đồng, mục đích đảm bảo an toàn cho người đi bộ, giảm xung đột và ùn tắc giao thông. Nhưng không ít cầu và hầm đi bộ bị người dân “phớt lờ”, vì không phù hợp nhu cầu sử dụng. Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy, đó là một sự lãng phí lớn:

“Nhiều công trình nó không hiệu quả. Ví dụ như là nhiều cầu đường bộ làm rồi nhưng không nhiều người đi, như cầu đường bộ ở Linh Đàm có giá hàng trăm tỷ nhưng người dân không đi chứng tỏ là người thiết kế và người xây dựng không nắm được quy luật đi lại của người dân. Nhiều người dân đi thì mới làm cầu làm đường, người dân người ta không đi thì làm làm gì, cho nên lãng phí rất nhiều tiền”.

Cũng theo ông Thủy, hiện nay Hà Nội có trên 400-500 dự án dở dang, có dự án hàng chục nghìn tỷ. Có những dự án bị chậm tiến độ khiến đội giá hơn chục nghìn tỷ, như dự án đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông, Nhổn- ga Hà Nội và tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên. Những dự án chậm hàng 5 năm đến 10 năm, thất thoát ngân sách Nhà nước và thiệt hại tiền thuế của người dân không thể tính hết.

Thời gian qua, không ít các doanh nghiệp trúng thầu, trúng đấu giá xây dựng đường cao tốc, đường quốc lộ nhưng vốn liếng ít ỏi, nên giao cho những nhà thầu phụ xây dựng, với năng lực yếu, dẫn đến dự án bị chậm tiến độ.

Mặt khác, nhiều ý kiến đặt vấn đề về sự câu kết giữa chủ đầu tư với nhà thầu thi công, bớt xén vật tư, làm đội giá và chậm trễ trong thi công.

Những dự án chậm hàng 5 năm đến 10 năm, thất thoát ngân sách Nhà nước và thiệt hại tiền thuế của người dân không thể tính hết
Những dự án chậm hàng 5 năm đến 10 năm, thất thoát ngân sách Nhà nước và thiệt hại tiền thuế của người dân không thể tính hết

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, tình trạng chậm giải phóng mặt bằng hoặc không tính toán kỹ về nguồn nguyên vật liệu, đặc biệt là nguồn vật liệu san lấp, làm chậm trễ tiến độ dự án, là nguyên nhân gây lãng phí:

“Lãng phí trong xây dựng, lãng phí trong đầu tư là lỗ. Tôi nghĩ rằng Quốc hội, Chính phủ cũng đã thấy cái đó và có sự điều chỉnh, chấn chỉnh để làm sao sẽ làm tốt hơn. Đầu tư trọng tâm trọng điểm đầu tư có hiệu quả”.

Theo các chuyên gia, lãng phí trong đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng giao thông còn đến từ việc, khi làm các công trình không quan tâm đến thói quen giao thông, không tính toán đến sự tương tác công trình giao thông với công trình đô thị, không tính đến sự kết nối giữa các dự án với nhau.

Đường sắt đô thị là một ví dụ. Sử dụng tiền ngân sách để đầu tư công, nhưng lại chỉ tập trung vào những công trình dễ làm, dễ thiết kế, dễ giải ngân. Khâu thiết kế, lựa chọn vật liệu rẻ, thi công cẩu thả để có chi phí thấp nhất, nhưng giá trị quyết toán lại không hề rẻ. KTS Trần Huy Ánh, Hội viên Hội Kiến trúc sư Hà Nội dẫn chứng:

“Tình trạng lát đá vỉa hè là một việc rất tốn kém, tổn hại đến môi trường. Có những đường phố rất bình thường, chỉ cần lối đi an toàn, nhẵn nhụi, sạch sẽ lại cậy nó lên, lại lát một loại đá, sau đó khi vừa lát xong, lại cho ô tô đè lên, đá nát vụn ra, rồi chúng ta lại tiếp tục hành động đó, vẫn mua đá và quay lại vòng lặp lãng phí đó. Đấy chưa nói đến các công trình giao thông khác đã làm và đang làm, sẽ làm, nhìn thấy lãng phí của nó ngay trong định hướng”.

Nguy hiểm ở chỗ, sự lãng phí vô cùng lớn nhưng lại rất khó xác định trách nhiệm, vì quá trình lãng phí đã bắt đầu ngay từ khi lên ý tưởng, lập quy hoạch.

Hai dự án đường sắt Cát Linh và Nhổn – Ga Hà Nội, khoảng cách hai tuyến này chỉ tính bằng bước chân ở vị trí ga Cát Linh, nhưng trong quy hoạch ban đầu không hề có phương án nối thông
Hai dự án đường sắt Cát Linh và Nhổn – Ga Hà Nội, khoảng cách hai tuyến này chỉ tính bằng bước chân ở vị trí ga Cát Linh, nhưng trong quy hoạch ban đầu không hề có phương án nối thông

Thủ tướng giao cho Hà Nội và TPHCM chuẩn bị 4 yếu tố xây dựng những quy chuẩn, cơ chế giám sát, quy hoạch, hợp chuẩn, tiêu chuẩn về đường sắt đô thị. Nhiều chuyên gia về đô thị cho rằng, trong điều kiện chưa hề có quy chuẩn, tiêu chuẩn, thì các quy hoạch mạng lưới đường sắt lại đang được “vẽ” một cách khá tùy tiện, thiếu tính toán.

Đơn cử, khu vực phía Bắc sông Hồng chiếm tới 60% dân số nhưng đường sắt đô thị phân bổ về phía đó chỉ có 35%, toàn bộ hệ thống đường sắt rời rạc, không kết nối.

Hay 2 dự án đường sắt Cát Linh và Nhổn – Ga Hà Nội, khoảng cách hai tuyến này chỉ tính bằng bước chân ở vị trí ga Cát Linh, nhưng trong quy hoạch ban đầu không hề có phương án nối thông. Cho đến mới đây, Hà Nội mới đề xuất đào thông hai ga ngầm, chi phí ước tính cũng lên tới nhiều chục tỷ.

Đối với các “đại dự án” này, nếu chọn một công nghệ sai, một hướng tuyến sai, thì sự lãng phí không phải chỉ là vài viên gạch đá, mà là hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ đô la sẽ “ném” xuống sông xuống biển, vì đó là món nợ lâu dài.

Những dự án, công trình giao thông trọng điểm đa phần sử dụng các nguồn vốn vay hoặc nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Bất kỳ sự tùy tiện nào trong lập quy hoạch, trong lựa chọn đầu tư, bất kỳ sự chậm trễ nào trong triển khai xây dựng, hay chất lượng không đảm bảo, “ế ẩm” khi vận hành đều có thể làm gia tăng gánh nặng nợ nần cho đất nước và cho các địa phương. Rốt cuộc, món nợ này lại “đổ” lên đầu người dân. Hậu quả cuối cùng của sự lãng phí, vẫn là người dân gánh chịu.

Song, đó vẫn chưa phải là tất cả sự lãng phí trong giao thông!

Xem thêm:

Xin đừng lạm dụng phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm

Đẩy lùi lãng phí trong giao thông, bắt đầu từ đâu? (Bài 1): Làm 10 đồng, “nướng” 3 đồng vào ùn tắc

Cần thiết cấp chứng chỉ lái xe cho trẻ 16 – 18 tuổi

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x