Cần thiết cấp chứng chỉ lái xe cho trẻ 16 – 18 tuổi
Mới đây đại diện Ủy ban ATGT QG đề xuất trẻ từ 16-18 tuổi cần được cấp chứng chỉ lái xe để nâng cao ý thức, kỹ năng lái xe máy; do Luật Trật tự ATGTĐB có hiệu lực từ 1/1/2025 yêu cầu nhóm thanh thiếu niên cần phải hiểu biết quy tắc giao thông đường bộ, có kỹ năng điều khiển phương tiện.
Nhưng nội dung này vẫn đang bỏ ngỏ. PV Giao thông có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Phan Lê Bình, Trưởng đại diện văn phòng tư vấn OCG, Nhật Bản về nội dung này.
PV: Thưa ông, hiện thanh thiếu niên 16-18 tuổi được điều khiển xe máy dung tích dưới 50cc, và nhóm này chiếm đến 80% nhóm trẻ em dưới 18 tuổi bị thương và thiệt mạng do tai nạn giao thông. Phải chăng chúng ta đang thiếu một chứng chỉ kiến thức và kỹ năng lái xe cho nhóm này?
Ông Phan Lê Bình: Tôi cho rằng, không chỉ trẻ em, mà cả người lớn ở nước ta, đa số đều thiếu kiến thức lái xe an toàn. Theo tôi, đến nay, việc đào tạo để lấy giấy phép lái xe 2 bánh, kể cả 4 bánh nữa đều là kiểu đối phó, làm sao đỗ được khi trả lời lý thuyết, làm sao đỗ được khi trả bài thực hành, đối phó với bài thi.
Còn kiến thức cực kỳ quan trọng khi lái xe, ví dụ không được chuyển hướng đột ngột mà không quan sát phía sau. Tôi nghĩ là chưa ai dạy cái đó. Chúng ta rất cần trang bị thêm cho các em thanh thiếu niên những kiến thức, kỹ năng về việc lái xe một cách an toàn.
Đi kèm với đó, để tăng khả năng phủ sóng được khả năng tập huấn, đào tạo đó, việc đặt ra một chứng chỉ, dạng đơn giản hơn so với bằng lái buộc các em tham gia các lớp học về lái xe an toàn đó là cần thiết.
PV: Theo ông, việc triển khai sát hạch và cấp chứng chỉ cần lưu ý những điều gì để tránh gây tốn kém nguồn lực và đạt hiệu quả cao trong hạn chế tai nạn với độ tuổi thanh thiếu niên?
Ông Phan Lê Bình: Các đơn vị quản lý nhà nước chuẩn bị nội dung liên quan chứng chỉ này cần quan tâm. Từ góc độ của tôi, điều quan trọng nhất là tránh gây phiền hà cho người dân, các cháu thanh thiếu niên.
Việc tổ chức có thể mang các lớp đến trường để dạy, rồi sát hạch ngay tại trường chẳng hạn. Như vậy sẽ thuận tiện hơn cho các em thanh thiếu niên.
PV: Ông kỳ vọng gì về hiệu quả thực tiễn, nếu chứng chỉ lái xe an toàn được áp dụng với lứa tuổi thanh thiếu niên?
Ông Phan Lê Bình: Khi chúng ta áp dụng chứng chỉ đó, đưa được những kiến thức lái xe an toàn cho thanh thiếu niên thì sẽ phần nào kéo giảm được tai nạn giao thông với nhóm này.
Còn nhiều giải pháp khác cần làm đồng thời, ví dụ như phát hiện xử phạt, hạn chế những trường hợp sử dụng xe không phù hợp với lứa tuổi. Có như vậy, mới thay đổi một cách triệt để về vấn đề an toàn giao thông cho thanh thiếu niên.
Theo đề xuất từ đại diện Ủy ban ATGT QG, thanh thiếu niên khi tham gia giao thông cần các kỹ năng không quá phức tạp như đảm bảo tốc độ, quan sát khi chuyển hướng, tránh điểm mù của xe khách, xe tải… Nội dung này có thể được các trường học giảng dạy trong 1-2 ngày hoặc phụ huynh dạy trẻ lý thuyết và thực hành kỹ năng lái xe.
Nhà trường có thể kết hợp với cơ quan cảnh sát giao thông, cơ sở đào tạo tổ chức thi. Cơ quan chức năng có thể ban hành tài liệu hướng dẫn cơ bản để gia đình tham khảo, hướng dẫn trẻ và nhà trường tổ chức thi.
Xem thêm:
Người đi xe đạp đã “biết sợ” khi vào đường cấm
Các tỉnh phía nam đang thiếu phôi giấy phép lái xe trầm trọng
Thi công ẩu khiến xe máy đổ hàng loạt trên QL1A, nhà thầu bị phạt 12 triệu