Đẩy lùi lãng phí trong giao thông, bắt đầu từ đâu? (Bài 1): Làm 10 đồng, “nướng” 3 đồng vào ùn tắc
Giao thông là một trong những lĩnh vực nhận được sự quan tâm đầu tư rất lớn, được ưu tiên hàng đầu để tạo đột phá chiến lược, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh. Song, đây cũng là lĩnh vực đã và đang diễn ra sự lãng phí vô cùng lớn.
Lãng phí đã được chỉ ra là một trong những nguyên nhân gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Nguy hại hơn, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế – xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước.
Giao thông là một trong những lĩnh vực nhận được sự quan tâm đầu tư rất lớn, được ưu tiên hàng đầu để tạo đột phá chiến lược, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh. Song, đây cũng là lĩnh vực đã và đang diễn ra sự lãng phí vô cùng lớn.
Ùn tắc giao thông là chuyện hàng ngày ở Hà Nội, và nhắc tới những khu vực “nóng bỏng” nhất, không thể không kể đến đường vành đai 2 đoạn ngã tư Vọng – ngã tư Sở.
Như thời điểm chúng tôi có mặt chiều 9/12, 16h – chưa đến giờ cao điểm, nhưng đường trên cao đã ùn dài từ đoạn qua ngã tư Tôn Thất Tùng.
Mệt mỏi, hao tổn xăng dầu, mất thời gian, công việc và tiền bạc là những gì người tham gia giao thông phải đối mặt hàng ngày:
“Ngày nào cũng tắc. Nếu lên đường trên cao thì mất khoảng hơn nửa tiếng từ Giải Phóng đến đây. Tắc đường kiểu ấy thêm vài chục nghìn tiền dầu tiền xăng là bình thường”.
“Chủ yếu là áp lực, quá áp lực”.
“Cũng cảm thấy khá uể oải trong người, tốn kém nước nôi các thứ”.
“Nhiều lúc khách hàng giục rồi mình không kịp, về muộn một chút là không nhận được đơn khác”.
“Nói chung mình phải đi sớm trước nửa tiếng, thậm chí một tiếng mới kịp tiến độ đi làm.
Có bao giờ mình bị phạt vì đi làm muộn không ạ?
Cũng dính hai ba lần rồi”.
“Con cái, gia đình, cơm nước, nên mất thời gian nhiều trên đường thì cũng ảnh hưởng công việc gia đình”.
Một điểm “nóng” ùn tắc khác không thể không kể đến là đường vành đai 3 trên cao, tuyến đường vốn đã quá tải 8 lần so với thiết kế. Trục vành đai 3 – Pháp Vân – cao tốc Hà Nội – Ninh Bình luôn ùn tắc kéo dài trước và sau những dịp nghỉ lễ tết.
Như chiều 30/8 vừa qua, trước dịp nghỉ lễ 2/9, vành đai 3 đã ùn dài hàng cây số suốt 7 tiếng đồng hồ đến tận 21h, khiến nhiều người dân phải vạ vật trên đường đợi bắt xe khách.
Và chẳng cần đến lễ tết, “vành đai đỏ” cũng ùn tắc nghiêm trọng mỗi khi có va chạm hay xe gặp sự cố. Anh Nguyễn Đức Hoàn, ở Nam Từ Liêm, Hà Nội mất khoảng 1 tiếng 20 phút cho lộ trình Vành đai 3 – cầu Thanh Trì sáng nay (10/12);
“Quá là “ghê gớm”, sợ thật, mọi người còn xuống khỏi xe, ngồi nói chuyện cơ mà. Tình trạng ùn tắc kéo nền kinh tế đi xuống là một, thứ hai là stress cho mọi người. Mình ngồi thì mình ê ẩm hết cả người, không hoàn thành công việc được giao. Nào thì thoát vị đĩa đệm, đau cổ vai gáy, mà thu nhập nghề bác tài bọn mình quá là thấp ý”.
Dù các ban, ngành chức năng đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp song, theo thống kê của Ban An toàn giao thông Hà Nội, thành phố vẫn còn tồn tại 33 điểm ùn tắc trong năm 2024, bao gồm 22 điểm chuyển tiếp từ năm 2023 và 11 điểm mới phát sinh mới.
Có những điểm ùn tắc gần như mạn tính, suốt nhiều năm liền gây bức xúc cho người dân và các doanh nghiệp vận tải, như nút ngã ba Xa La, ngã tư Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến, nút phía Bắc cầu Chương Dương, nút Đại lộ Thăng Long về trung tâm thành phố…
Theo thống kê, tốc độ di chuyển trung bình của xe ô tô vào khoảng dưới 20km/h ở đô thị, bao gồm cả trong và ngoài giờ cao điểm, nhưng trong giờ cao điểm có thể giảm đi vài ba lần. Nếu đặt bản đồ cho hành trình từ trung tâm ra các quận ven đô như Hà Đông, Cầu Giấy,… trong giờ cao điểm, người lái xe ô tô sẽ mất gần 1 giờ đồng hồ cho quãng đường 10km, tốc độ trung bình chậm hơn xe đạp, khoảng 10km/h, trải nghiệm thực tế có thể tệ hơn nếu giao thông có sự cố.
Theo đánh giá từ Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải từ năm 2018, ùn tắc giao thông gây thiệt hại cho Hà Nội và TP.HCM khoảng 1,2 – 1,3 tỷ USD mỗi năm, trong khi quy mô GRDP của Hà Nội trong cùng giai đoạn ước đạt 45 tỷ USD, tương đương lấy mất khoảng 2,7% tổng thu nhập trên địa bàn.
Ùn tắc giao thông cũng gây thiệt hại hơn 1 triệu giờ lao động mỗi năm, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất lao động của người Việt. Số liệu của Tổ chức Năng suất châu Á (APO) năm 2020 cho thấy, giá trị sản xuất mỗi giờ lao động của người Việt Nam chỉ đạt 6,4 USD, thấp hơn Thái Lan hơn 2 lần và Singapore hơn 10 lần.
Chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, ùn tắc giao thông đã phá vỡ kế hoạch công việc của các tổ chức, cá nhân, gây tổn hại rất lớn đến hoạt động kinh tế xã hội cũng như sức khỏe, ô nhiễm môi trường…
“Ảnh hưởng việc phát triển kinh tế – xã hội, một đô thị lớn như Hà Nội mỗi năm cũng khoảng 2 – 2,5 tỷ USD. Việc ùn tắc giao thông không chỉ gây tổn hại đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đến doanh thu của người dân, của đất nước, đặc biệt là ảnh hưởng môi trường. Thiệt hại này không chỉ có tác động trước mắt mà còn có tác động lâu dài đến sức khỏe của người lao động và sức khỏe của người dân đô thị”, ông Định Trọng Thịnh phân tích.
Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Văn Đạt, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cho rằng, ùn tắc giao thông tạo ra nhiều hệ lụy tới môi trường và ảnh hưởng sức khỏe người dân, dẫn đến chi phí y tế và an sinh xã hội rất lớn. Còn với nền kinh tế, sức hút đầu tư cũng giảm sút vì tắc đường:
“Một cách tổng quát, nó ảnh hưởng rất lớn đến môi trường đầu tư. Đầu tư ở đây phải nói rộng hơn, bao gồm cả những lĩnh vực như du lịch,… khiến môi trường đầu tư không được hấp dẫn. Các hao tổn về thời gian, hao tổn về xăng dầu, xăng dầu với người dân, xăng dầu với doanh nghiệp vận tải làm cho chi phí logistics cao hơn”.
Ùn tắc giao thông đang hàng ngày, hàng giờ, gây ra một sự lãng phí khủng khiếp cho doanh nghiệp, cho mỗi gia đình, mỗi người dân, kéo lùi sự phát triển kinh tế của địa phương, bào mòn sức khỏe và gây gánh nặng ô nhiễm môi trường.
Nhưng không chỉ có ùn tắc, lãng phí trong giao thông đã và đang diễn ra trong nhiều lĩnh vực khác, nhiều hoạt động khác, từ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho đến tổ chức vận hành các hoạt động phục vụ giao thông.
Xem thêm:
Cần sớm có mô hình xe buýt đưa đón học sinh an toàn, chuyên nghiệp
Cần thiết cấp chứng chỉ lái xe cho trẻ 16 – 18 tuổi
Người đi xe đạp đã “biết sợ” khi vào đường cấm