Cần sớm có mô hình xe buýt đưa đón học sinh an toàn, chuyên nghiệp
Phương tiện đưa đón học sinh ngày càng trở thành loại hình vận tải hành khách thiết yếu, đặc biệt là tại các đô thị lớn. Số lượng các xe đưa đón học sinh cũng tăng nhanh trong những năm gần đây nhưng công tác quản lý còn khiến nhiều phụ huynh băn khoăn, lo lắng.
Thực tế này đòi hỏi cần sớm chuẩn hóa dịch vụ này và có một mô hình xe buýt đưa đón học sinh an toàn, chuyên nghiệp để học sinh đến trường được thuận tiện và phụ huynh an tâm hơn.
PV Giao thông đối thoại với ông Cao Văn Hiệp, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội về nội dung này.
PV: Thưa ông, qua công tác rà soát, kiểm tra, ông đánh giá thế nào về những vi phạm còn tồn tại của loại xe hợp đồng phục vụ đưa đón học sinh?
Ông Cao Văn Hiệp: Đối với loại hình xe hợp đồng đưa đón học sinh trên địa bàn Thành phố, thanh tra Sở đã tiến hành kiểm tra đối với 95 trường học có đăng ký hợp đồng với các đơn vị vận tải để vận chuyển đưa đón học sinh với 295 đơn vị kinh doanh vận tải, 1505 phương tiện.
Thông qua công tác kiểm tra, cơ bản các lái xe và phương tiện đều đảm bảo các điều kiện để tham gia kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô, đơn vị vận tải có ký các hợp đồng với các trường học theo đúng quy định.
Kết quả kiểm tra, lực lượng thanh tra đã lập biên bản xử phạt hành chính với 54 trường hợp và tổng số tiền xử phạt là 165 triệu đồng. Các vi phạm chủ yếu ở đây là vi phạm về điều kiện phương tiện như niêm yết không đầy đủ tên, số điện thoại của các đơn vị kinh doanh vận tải; các vi phạm của người điều khiển phương tiện như không có giấy phép lái xe hay người điều khiển xe ô tô không mang theo các giấy tờ theo quy định và các vi phạm liên quan tới dừng đỗ không đúng nơi quy định.
PV: Từ thực tế đó, ông có đề nghị về việc thực hiện các quy định đưa đón học sinh nhằm đảm bảo an toàn?
Ông Cao Văn Hiệp: Việc đảm bảo an toàn cho các em học sinh là một trong những nhiệm vụ đặc biệt được quan tâm.
Do đó, các đơn vị kinh doanh vận tải cần thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật đồng thời phối hợp tốt với các trường học để có phương án đảm bảo giao thông.
Để không còn hành khách trên xe, người điều khiển kinh doanh vận tải hành khách sau khi kết thúc hành trình, kết thúc ca làm việc, trước khi rời khỏi xe phải kiểm tra để đảm bảo không còn hành khách trên xe.
PV: Với đề xuất về mô hình xe buýt đưa đón học sinh, theo ông sẽ có ý nghĩa thế nào khi triển khai?
Ông Cao Văn Hiệp: Cần thiết phải triển khai mô hình thí điểm xe buýt chuyên dụng để đưa đón học sinh với luồng tuyến cố định để đáp ứng được nhu cầu của từng cụm trường trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Đây là việc làm cần thiết mà tới đây chúng ta phải đưa mô hình này vào hoạt động, xây dựng các luồng tuyến với các tuyến cố định, khung giờ cụ thể, góp phần giảm được việc các em phải sửa dụng xe mô tô, xe gắn máy từ nhà tới trường; phần nào đó sẽ đáp ứng được nhu cầu cho từng cụm trường trên địa bàn Hà Nội.
Đây có thể là một mô hình hay mà sau thời gian thí điểm, chúng ta có đánh giá, tổng kết để nhân rộng và chúng ta sẽ đưa nó vào hoạt động xe đưa đón học sinh, giúp đảm bảo an toàn hơn so với các loại hình đưa đón như hiện nay.
Xem thêm:
Cần thiết cấp chứng chỉ lái xe cho trẻ 16 – 18 tuổi
Người đi xe đạp đã “biết sợ” khi vào đường cấm
TP.HCM cố gắng không để xảy ra ùn ứ đăng kiểm dịp cuối năm