Thiếu thông tin, lái xe “dò dẫm” trên cao tốc

Thêm đánh giá

Nhiều tài xế mong muốn được cung cấp thông tin về tình trạng giao thông trên cao tốc thông qua các bảng thông tin điện tử không chỉ để quyết định có tham gia giao thông trên cao tốc hay không mà còn đảm bảo sự chủ động của người lái xe khi tham gia giao thông trên cao tốc.

Tuy vậy, hiện rất ít tuyến cao tốc có trang bị hệ thống này, và việc cung cấp thông tin đến tài xế hiện chủ yếu qua các phương tiện truyền thông, đặc biệt là sự kết nối của VOVGT với các đơn vị quản lý, khai thác, vận hành và các lực lượng chức năng để khắc phục những bất cập này.

Thường xuyên lưu thông trên cao tốc TP.HCM- Long Thành – Dầu Giây, tài xế Trần Duy (ở TP. Thủ Đức) luôn bật google map và nghe VOV Giao thông để cập nhật tình hình giao thông trên tuyến trước khi quyết định có lưu thông trên cao tốc hay không.

Anh Duy cũng mong muốn các tuyến cao tốc trang bị hệ thống bảng điện tử để giúp tài xế cập nhật tình hình giao thông một cách hiệu quả: “Khi vào cao tốc thì mình có sự thông tin để biết khi vào cao tốc có thuận tiện hay không, hoặc có tai nạn, va chạm hay không để mình lưu ý. Hoặc khi mình có sửa chữa gì trên tuyến để mình cân nhắc lộ trình tiếp để mình đi. Em nghĩ cái đó là cần thiết cho các bác tài”

Tuy vậy, theo thống kê của Bộ GTVT, cả nước hiện mới chỉ có 8/35 tuyến cao tốc được đầu tư lắp đặt hệ thống giao thông thông minh (ITS), có biển báo giao thông theo tình hình giao thông thực tế (biển VMS).

Ông Bùi Đình Tuấn, Trưởng ban khai thác, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Đường cao tốc VN (VEC) cho hay, trong số 5 tuyến cao tốc do VEC đầu tư, khai thác, mới chỉ có tuyến cao tốc TP.HCM- Long Thành- Dầu Giây và Cầu Giẽ- Ninh Bình trang bị hệ thống bảng thông tin điện tử VMS, nhưng chưa thật sự hiệu quả:

“Các quy trình quy phạm liên quan đến việc sử dụng, vận hành các biển VMS này chưa được thể chế hóa, do đó các dự án của chúng tôi thường thống nhất trên cơ sở tham khảo tiêu chuẩn của nước ngoài. Thứ 2 là ngay cả các thông tin đưa lên, rồi việc để ý của người tham gia giao thông đối với các biển VMS này cũng chưa thật sự cao”.

để ý của người tham gia giao thông đối với các biển VMS này cũng chưa thật sự cao

Lý giải nguyên nhân khiến hệ thống bảng thông tin trên cao tốc còn ít, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Trường Đại học GTVT TP.HCM cho rằng, do các văn bản quy phạm pháp luật chưa coi đây là hạng mục thiết yếu của hệ thống thông tin trên cao tốc, nên chủ yếu phụ thuộc vào “tầm nhìn” của các nhà đầu tư. Bởi vậy, với các dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông, mới chỉ có cao tốc Cam Lâm- Vĩnh Hảo có được hệ thống bảng chỉ dẫn này.

“Hiện nay các tiêu chuẩn về cao tốc chủ yếu quy định cơ bản những kết cấu hạ tầng, yêu cầu đối với đường cao tốc, còn đối với những cái mà họ không yêu cầu trong những cái đó thì nhà đầu tư có quyền làm hoặc không làm. Tôi mong muốn trong tương lai khi hoàn thiện các tuyến cao tốc, ngoài những kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nó sẽ có những công trình phụ trợ, những biển báo, chỉ dẫn, hệ thống giao thông thông minh sẽ được đầu tư để tạo ra hệ thống đồng bộ”, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn cho biết.

TS Vũ Anh Tuấn, Trường Đại học Việt Đức cũng đề xuất phải cụ thể hóa trong quy chuẩn về đường cao tốc, coi đây là hạng mục bắt buộc của hệ thống thông tin chỉ dẫn trên đường cao tốc, để nâng cao hiệu quả khai thác: “Đường cao tốc có an toàn hay không, nó có hoạt động hiệu quả hay không, có giảm thiểu được ùn tắc giao thông và các ngỡ ngàng, bỡ ngỡ cho người sử dụng đường hay không phụ thuộc rất nhiều vào các trang thiết bị về cung cấp thông tin và chỉ dẫn. Những cái đó đầu tư rất ít, rất ít so với cơ sở hạ tầng, nhưng nó lại nâng cao hiệu quả khai thác, đảm bảo an toàn rất lớn”.

Trong bối cảnh hệ thống bảng điện tử trên cao tốc còn ít, việc thông tin hiện trạng giao thông trên các tuyến này phụ thuộc chủ yêu vào các phương tiện truyền thông. Trong đó, VOV Giao thông đã có sự kết nối với các đơn vị quản lý, khai thác, vận hành và các lực lượng chức năng để thông tin kịp thời đến các tài xế, người tham gia giao thông.

Thượng tá Hoàng Sơn Ca, Phó Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt, Cục CSGT, Bộ Công an dẫn chứng: “Đơn vị thường xuyên phối hợp với các cơ quan báo, đài, Đài tiếng nói Việt Nam, VOVGT, cơ quan quản lý vận hành và khai thác trên tuyến cao tốc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hướng dẫn lái xe an toàn, xử lý tình huống khi phương tiện gặp sự cố đối với lái xe, cá nhân, tổ chức kinh doanh vận tải, nhằm góp phần hình thành thói quen, kỹ năng điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông”

Hệ thống biển báo điện tử trên cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương được điều khiển bằng hệ thông giao thông thông minh

Hệ thống biển báo điện tử trên cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Trung Lương được điều khiển bằng hệ thông giao thông thông minh 

Ông Phạm Anh Vũ, Đội trưởng Đội vận hành đường cao tốc TP.HCM – Long Thành- Dầu Giây cũng cho biết, toàn tuyến dài 54km, có 10 bảng thông tin điện tử VMS, tuy vậy, khá nhiều bảng không còn hoạt động. Bởi vậy việc thông tin hiện trạng giao thông đang được cung cấp trực tiếp đến tài xế chủ yếu thông qua VOVGT:

“Khi các bảng VMS không đầy đủ hoặc không đáp ứng được thì kênh thông tin truyền tải hiệu quả nhất hiện nay đối với VEC E – đơn vị quản lý tuyền cao tốc TP.HCM- Long Thành – Dầu Giây thì vẫn là thông tin trực tiếp của VOVVT, vẫn đóng vai trò chủ đạo, thông tin đến khách hàng nó nhanh nhất và gần gũi nhất”

Ông Đặng Văn Chung, Hiệp hội Vận tải ô tô VN cũng cho hay, với thực trạng hiện nay, của các quy định và mức độ quan tâm của nhà đầu tư thì càng cần truyền thông, cần có sự tăng cường thông tin trên cao tốc: “Gọi là dường cao tốc thì tốc độ rất nhanh, vậy thông tin đến cũng phải rất nhanh, để người ta kịp xử lý vấn đề xảy ra trên đường cao tốc. Vậy cũng nên có một kênh thông tin trên đường cao tốc, mà hiện nay là VOVGT, nhưng có lẽ Kênh VOV Giao thông nên dành thời lượng nhất định cho đường cao tốc”

Theo Bộ GTVT, bên cạnh tình trạng số cao tốc có bảng thông tin điện tử còn ít, hiện Việt Nam cũng chưa có quy hoạch hệ thống ITS quốc gia, dẫn đến không thống nhất được các dịch vụ ITS cung cấp, hoặc thông tin trên bảng điện tử.

Điều này khiến việc chia sẻ dữ liệu liên thông giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, các lực lượng chuyên ngành, việc khai thác dữ liệu chung để chia sẻ đến người tham gia giao thông chưa hiệu quả./.

Xem thêm:

Từ chối thu gom rác thải không phân loại, liệu có thực hiện được?

Tại sao đang nắng nóng lại đi cắt tỉa cây?

Nhiều thay đổi giao thông ở tỉnh lộ 10, cầu vượt Tân Tạo TP.HCM

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x