Phát triển GTCC, đặc biệt là xe buýt, tạo thuận lợi cho người dân đi metro

Thêm đánh giá

Sự kiện tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên chính thức đưa vào khai thác không chỉ đánh dấu bước chuyển mình quan trọng về hạ tầng giao thông công cộng, mà còn thể hiện quyết tâm của TP.HCM trong việc cải thiện chất lượng sống của người dân, góp phần giảm ùn tắc giao thông.
Để đạt được năng lực khai thác tối đa cho tuyến metro đầu tiên này, ngành giao thông thành phố đã triển khai nhiều giải pháp, bao gồm tổ chức giao thông và kết nối các phương tiện, nhằm giúp người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng metro. 

Giao thông công cộng luôn giữ vai trò trung tâm trong việc xây dựng một đô thị văn minh, hiện đại. Tại TP.HCM, sự ra đời của tuyến metro số 1 không chỉ đánh dấu bước chuyển mình quan trọng về cơ sở hạ tầng giao thông công cộng mà còn thể hiện quyết tâm của thành phố trong việc nâng cao chất lượng sống cho người dân, giảm ùn tắc giao thông và hướng đến mục tiêu phát triển đô thị xanh, bền vững.

Việc kết nối hiệu quả các phương thức giao thông đóng vai trò thiết yếu trong việc khuyến khích văn hóa sử dụng phương tiện công cộng tại thành phố, đặc biệt là phương tiện metro.

Tuy nhiên, để tuyến metro phát huy tối đa hiệu quả, cần đặc biệt chú trọng đến vai trò liên kết với các loại hình giao thông khác, đặc biệt là các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt.

Chị Nguyễn Kim Khánh (TP. Thủ Đức) chia sẻ: “Ban đầu, em nghĩ rằng nếu đi metro, em phải đi xe máy đến các nhà ga, sau đó gửi xe rồi mới kết nối với metro để di chuyển vào Quận 1 hoặc từ Quận 1 về Thành phố Thủ Đức. Tuy nhiên, em được biết Sở Giao thông Vận tải đã mở mới rất nhiều tuyến xe buýt điện, giúp người dân thuận tiện hơn trong việc kết nối với metro. Nhờ đó, thay vì phải chạy xe máy đến nhà ga để gửi xe, em có thể sử dụng các tuyến xe buýt này”.

Năm 2024, sản lượng hành khách đi xe buýt tăng khoảng 2,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Năm 2024, sản lượng hành khách đi xe buýt tăng khoảng 2,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Để nâng cao chất lượng phục vụ và thu hút người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, đặc biệt là xe buýt, trong năm 2024, Trung tâm Quản lý Giao thông Công cộng TP.HCM đã tổ chức đấu thầu lựa chọn các đơn vị khai thác tuyến.

Theo đó, đối với các tuyến được đấu thầu khai thác mới, các đơn vị khai thác đã đưa vào sử dụng 100% phương tiện mới, được đầu tư trang thiết bị hiện đại như hệ thống giám sát hành trình, camera, thiết bị thông báo trạm tự động và thiết bị thu soát vé tự động trên xe.

Nhờ việc nâng cao chất lượng phục vụ và phương tiện, lượng hành khách đi lại đã tăng dần. Tính đến năm 2024, số lượng hành khách đã tăng khoảng 2,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo số liệu thống kê, hiện nay, người dân TP.HCM sinh sống tại các khu vực đường phố nhỏ hẹp và ngõ hẻm chiếm tỷ trọng rất lớn, khoảng 65%.

Ông Lê Hoàn – Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Giao thông Công cộng TP.HCM – nhận định rằng, với đặc thù đường phố đô thị hiện nay, hệ thống giao thông công cộng, đặc biệt là xe buýt, gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận người dân.

TP.HCM đầu tư nhiều tuyến xe buýt điện mới, hiện đại phục vụ nhu cầu đi lại của người dân ngày càng tốt hơn
TP.HCM đầu tư nhiều tuyến xe buýt điện mới, hiện đại phục vụ nhu cầu đi lại của người dân ngày càng tốt hơn

Thêm vào đó, thói quen ngại đi bộ và điều kiện vỉa hè chưa thuận lợi khiến người dân khó tiếp cận các trạm dừng, nhà chờ trong bán kính 500 m để sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hạn chế trong việc sử dụng giao thông công cộng tại TP.HCM.

“Việc phối hợp giữa các phương thức giao thông công cộng nhằm tạo thành một chuyến đi đa thức, chẳng hạn từ nhà có thể sử dụng Grab để đến các trạm xe buýt, sau đó từ các trạm xe buýt tiếp tục sử dụng các tuyến xe buýt kết nối hoặc tuyến xe buýt hiện hữu để di chuyển đến tàu điện ngầm về Suối Tiên. Đây là một bước quan trọng đánh dấu sự phát triển của hệ thống giao thông công cộng hoàn chỉnh theo mô hình tiên tiến của thế giới”, ông Lê Hoàn – Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Giao thông Công cộng TP.HCM cho biết.

Việc sử dụng các ứng dụng như GrabBike, GoBus hoặc ứng dụng của Metro sẽ giúp người dân dễ dàng tra cứu thông tin, thuận tiện và chủ động sắp xếp thời gian. Các ứng dụng này hầu như đã cung cấp đầy đủ thông tin về lộ trình, thời gian hoạt động cũng như các tiện ích.

Tuyến metro số 1 không chỉ là một phương tiện vận chuyển, mà còn trở thành một phần của văn hóa đô thị, mang lại sự tiện ích và an toàn cho người dân. Vì vậy, thành phố cần tiếp tục hoàn thiện các điều kiện kỹ thuật, nâng cao chất lượng nhân lực và dịch vụ để mang đến trải nghiệm tốt nhất, thân thiện nhất cho hành khách.

Đồng thời, đây cũng là bước đệm quan trọng trong việc xây dựng một mạng lưới giao thông thông minh, kết nối và bền vững, không chỉ tại TP.HCM mà còn trên phạm vi cả nước.

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM đang dần hoàn thiện hệ thống thanh toán không tiền mặt trên các phương tiện giao thông công cộng
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM đang dần hoàn thiện hệ thống thanh toán không tiền mặt trên các phương tiện giao thông công cộng

Ông Lê Văn Đạt – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (Bộ GTVT) cho rằng, việc kết nối các phương tiện đóng vai trò rất quan trọng trong vận hành và khai thác hiệu quả tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên:

“Việc kết nối đóng vai trò rất lớn, giống như một hệ sinh thái cần được đảm bảo đồng bộ trong mọi khâu để người dân có thể dễ dàng sử dụng tuyến metro. Không chỉ là kết nối với xe buýt hay các loại hình vận tải khác, ngay cả GrabBike cũng đóng một vai trò quan trọng, đặc biệt trong việc phối hợp cùng các phương tiện giao thông công cộng khác. Điều này giúp giảm thiểu việc người dân phải sử dụng nhiều phương tiện cá nhân để kết nối, qua đó nâng cao hiệu quả tổng thể của hệ thống giao thông công cộng”.

Cũng theo ông Đạt, thành phố cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để kết nối hiệu quả. Việc bố trí các tuyến xe buýt cần được thực hiện sao cho phù hợp, đồng thời sắp xếp các vị trí bến bãi và chỗ đỗ xe thuận tiện, giúp người dân dễ dàng sử dụng các phương tiện giao thông khác trước khi chuyển sang metro để tiếp tục hành trình.

Chỉ khi đó, hệ thống giao thông mới có thể phát huy tối đa hiệu quả, đặc biệt trong giai đoạn các tuyến metro đang được hoàn thiện để khép kín mạng lưới.

Liên quan đến việc chuyển đổi phương tiện xe buýt, ông Ngô Hải Đường – Trưởng phòng Quản lý Vận tải Đường bộ, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM – cho biết, thành phố hiện đang từng bước chuẩn hóa và chuyển đổi sang sử dụng các phương tiện chạy bằng năng lượng điện và năng lượng xanh. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% phương tiện xe buýt sẽ sử dụng năng lượng điện hoặc năng lượng xanh.

Các tuyến xe buýt điện đều được đầu tư hệ thống thanh toán không tiền mặt, máy lạnh, camera, Wifi miễn phí
Các tuyến xe buýt điện đều được đầu tư hệ thống thanh toán không tiền mặt, máy lạnh, camera, Wifi miễn phí

Đồng thời, các cơ chế, chính sách đang được hoàn thiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình giao thông này, cũng như khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia sử dụng.

“Lộ trình chuyển đổi phương tiện xanh mà Sở Giao thông Vận tải đang xây dựng sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động giao thông công cộng, đồng thời đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội và cải thiện môi trường trong ngành giao thông. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng việc kết nối các tuyến xe buýt nhỏ, giúp người dân dễ dàng tiếp cận các trục giao thông chính”, ông Ngô Hải Đường – Trưởng phòng Quản lý Vận tải Đường bộ, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết.

Các bước triển khai này nhằm cải thiện điều kiện đi lại, giảm ùn tắc giao thông và góp phần bảo vệ môi trường.

Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ 27 nhiệm vụ và giải pháp được đề ra trong Đề án “Tăng cường vận tải hành khách công cộng, kết hợp kiểm soát phương tiện cá nhân tham gia giao thông” trên địa bàn thành phố.

Đơn cử, thành phố sẽ phát triển mạng lưới xe buýt theo kế hoạch trung hạn và hàng năm, đồng thời điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với nhu cầu thực tế.

Việc sử dụng ngân sách Nhà nước để trợ giá cho xe buýt được xác định là nhiệm vụ ưu tiên, thường xuyên, nhằm phục vụ an sinh xã hội và hướng tới phát triển đô thị văn minh, hiện đại.

Xem thêm:

Khách đi metro gấp 5 lần dự kiến, mong có sự chia sẻ với quy định đi tàu

Người khuyết tật vẫn khó sử dụng xe buýt

Bamboo Airways khai thác đường bay nội địa và quốc tế đến Phú Quốc

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x