Người vi phạm bỏ chạy, CSGT có nhất thiết phải truy đuổi?

Trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ không chấp hành tín hiệu, hiệu lệnh dừng phương tiện và bỏ chạy thì CSGT được thực hiện quyền truy đuổi để ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm. Đây là nội dung đáng chú ý trong Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Theo đơn vị soạn thảo, vấn đề CSGT có được truy đuổi người vi phạm hay không luôn gây nhiều tranh luận. Nếu dự thảo được thông qua, nội dung này sẽ chính thức được luật hóa, tạo cơ sở pháp lý, tránh gây tranh cãi và tránh áp dụng thiếu thống nhất.

Xung quanh đề xuất này, phóng viên VOV Giao thông có cuộc trao đổi với Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, nguyên cán bộ xử lý vi phạm, Đội 1, CSGT Hà Nội. 

Ảnh minh họa dangcongsan

Ảnh minh họa dangcongsan

PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về đề xuất CSGT được quyền truy đuổi khi người vi phạm không chấp hành hiệu lệnh dừng phương tiện và bỏ chạy? Tính an toàn cần được cân nhắc ra sao liên quan đề xuất này?

Ông Nguyễn Văn Quỹ: Về câu hỏi đặt ra vấn đề về an toàn giao thông, theo tôi, tất cả mọi người tham gia giao thông đều phải chấp hành quy tắc an toàn, tuân theo hiệu lệnh của CSGT, những người trực tiếp thực thi công vụ về điều hành giao thông.

Khi tham gia giao thông, cần đưa vấn đề đảm bảo trật tự, an toàn giao thông lên hàng đầu. Đó là tôn trọng luật giao thông đường bộ, đi đúng phần đường, không vượt đèn đỏ. Sự hướng dẫn của CSGT là hiệu lực cao nhất, để người tham gia giao thông chấp hành.

Với những người có hành vi vi phạm giao thông có tính chất nguy hiểm cho xã hội, nếu không được ngăn chặn kịp thời có thể gây nguy hiểm cho người khác, thì cần phải được ngăn chặn. Nhưng quá trình truy đuổi đó phải đảm bảo an toàn cho người thực thi công vụ, người tham gia giao thông trên đường, và đặc biệt là với người vi phạm đó. Chúng ta không dồn họ vào đường cùng, vào thế bất khả kháng, nếu không họ có thể gây tai nạn khác, nhận tổn hại lớn hơn. Chúng ta cần xem xét.

PV: Theo kinh nghiệm của ông, nếu trường hợp không bắt buộc truy đuổi, lực lượng thực thi công vụ có thể có lựa chọn nào khác?

Ông Nguyễn Văn Quỹ: Nếu trường hợp đó thì có nhiều phương pháp để ngăn chặn. Ví dụ như thông báo biển số xe đó với chốt liền kề, ghi lại thông tin phương tiện để mời lên làm việc sau, phạt nguội. Nếu hành vi không đến mức nguy hiểm cho xã hội, chẳng hạn như vi phạm quy tắc là không đi đúng phần đường, chuyển hướng không tín hiệu, mà truy đuổi gây ảnh hưởng người tham gia giao thông khác thì không nên.

PV: Như vậy, ông cho rằng cần quy định cụ thể hơn tình huống nào CSGT được quyền truy đuổi?

Ông Nguyễn Văn Quỹ: Đúng như vậy, để đảm bảo an toàn, tính mạng cho người tham gia giao thông trên đường, lực lượng CSGT cần tính toán những trường hợp cần thiết truy đuổi, như hành vi gây nguy hại cho xã hội, hoặc đã thông báo cho chốt trên có biện pháp ngăn chặn, nhưng họ vẫn cố tình, thì cần ngăn chặn, trấn áp để hạn chế tai nạn cho người khác.

Khi hành vi vi phạm chỉ là quy tắc giao thông thông thường, chỉ cần phạt nguội hoặc thông báo chốt phía trên dừng xe xử lý. Làm vậy, vừa xử phạt được mà vừa đảm bảo an toàn. Còn nếu truy đuổi, người ta sợ, tăng ga lên hoặc những người điều khiển phương tiện tâm lý kém, tay lái yếu thì không thể lường trước những nguy hiểm tai nạn được.

PV: Xin cảm ơn ông!

Xem thêm:

TP.HCM: Tỷ lệ phạt nguội vi phạm giao thông chiếm 31%

Xe tải đổ đất đầy lối lên đường vành đai 3 ở Hà Nội có thể bị phạt 15 triệu đồng?

Giao thông thông minh, cách tiếp cận để thúc đẩy giao thông bền vững

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x