Đề xuất mức phạt nặng đối với hành vi chống đối, tấn công CSGT
Tăng đột biến vụ chống đối CSGT khi kiểm tra nồng độ cồn, khiến nhiều cán bộ bị thương, dư luận phẫn nộ!
Nguyên nhân và giải pháp cho hành vi côn đồ, coi thường pháp luật này?
Thời gian gần đây, tại nhiều địa phương trên cả nước liên tiếp xảy ra các vụ việc lái xe có hành vi chống đối người thi hành công vụ khi bị kiểm tra nồng độ cồn. Tình trạng này đang trở thành vấn đề nhức nhối, gây bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự xã hội.
Hai vụ việc điển hình như:
- 14/9/2023: Tại tỉnh Hải Dương, tài xế Trần Mạnh Hùng đã có hành vi giật giấy tờ xe, đấm vào ngực cán bộ, chiến sĩ CSGT khi bị lập biên bản do vi phạm nồng độ cồn. Hành động côn đồ này đã khiến dư luận vô cùng phẫn nộ.
- 20/1/2024: Trên tuyến quốc lộ 18, người điều khiển xe máy Cao Hà Đức (26 tuổi, trú tại thị xã Phú Thọ) đã tông thẳng vào tổ công tác CSGT khi không chấp hành hiệu lệnh dừng xe kiểm tra nồng độ cồn. Hậu quả là 1 cán bộ CSGT bị thương.
Nhiều người dân bày tỏ lo ngại về những trường hợp lái xe chống người thi hành công vụ:
“Khi đã uống rượu bia, gặp CSGT, nhiều người có tâm lý chạy trốn, quay đầu xe, dễ đâm vào người ngược chiều hoặc phanh gấp dễ xảy ra tai nạn, va chạm”
“Có trường hợp khi lực lượng CSGT giao thông kiểm tra nồng độ cồn, lái xe cố tình bỏ chạy, va vào người đi bên cạnh, ngã ra nhưng mà do sợ bị xử phạt không nâng đỡ người ngã”.
Theo TS Trần Hữu Minh, chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi chống người thi hành công vụ như lái xe chưa nắm được các quy định của pháp luật, hoặc nắm được quy định nhưng cố tình vi phạm.
Tuy nhiên, dù bất cứ nguyên nhân nào, hành vi không tuân thủ yêu cầu, chống đối lực lượng thi hành công vụ đều là hành vi vi phạm pháp luật và cần phải xử lý thật nghiêm: “Những hành vi như vậy đe dọa đến sự an toàn và tính mạng của những lực lượng thực thi công vụ trên đường. Ngoài việc gây bức xúc trong dư luận, nguy hiểm hơn tạo ra những tiền lệ xấu về việc coi thường pháp luật, thách thức pháp luật, đi ngược lại những nguyên tắc cơ bản của Nhà nước pháp quyền”
PGS.TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Phòng chống chấn thương, Trường Đại học y tế cộng đồng lý giải về tình trạng thiếu kiểm soát hành vi của lái xe có nồng độ cồn: “Nếu mà chúng ta uống ít, chúng ta thấy hưng phấn, vui vẻ. Nhưng khi vào uống nhiều, chuyển thành một trạng thái nó hơi hung hăng hơn, không biết sợ gì cả, người ta sẽ có những hành động mà không được phép”.
Từ ngày 11/1/2024 đến 24/1/2024, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý được trên 40.800 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tăng 212 trường hợp so với thời gian trước liền kề.
Điều đáng nói, số vụ chống người thi hành công vụ có xu hướng gia tăng. Năm 2023 cả nước xảy ra 79 vụ chống người thi hành công vụ khiến một đồng chí hy sinh, 49 đồng chí bị thương, tăng 53 vụ so với cùng kỳ năm 2022.
Phó trưởng phòng Tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT) Tạ Thị Hồng Minh cảnh báo về tình trạng chống đối CSGT ngày càng gia tăng:
- Nhiều đối tượng lao xe thẳng vào CSGT, lăng mạ, thách thức, thậm chí tấn công bằng hung khí.
- Hành vi nguy hiểm này đã làm bị thương 4 cán bộ CSGT trong đợt cao điểm 2024, 10 đối tượng đã bị bắt giữ.
Nhiều ý kiến cho rằng cần xử lý nghiêm minh hành vi chống người thi hành công vụ để đảm bảo an ninh trật tự xã hội.
Trước tình trạng chống người thi hành công vụ khi bị kiểm tra nồng độ cồn ngày càng gia tăng, thượng tá tạ Thị Hồng Minh, Phó trưởng Phòng Tuyên truyền, Cục CSGT cũng cho rằng: Lực lượng chức năng sẽ tiếp tục củng cố hồ sơ, chứng cứ để xem xét, xử lý hành vi chống người thi hành công vụ hoặc gây rối trật tự công cộng và tập trung điều tra, đề nghị truy tố, xét xử các vụ TNGT có nguyên nhân do người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, ma túy gây ra.
Luật sư Phạm Thành Tài, Giám đốc Văn phòng Luật sư Phạm Danh (Hà Nội) nhận định, hành vi chống đối CSGT là vi phạm pháp luật và cần được xử lý nghiêm minh.
Ông Tài cho rằng các đối tượng vi phạm thường biết rõ đây là hành vi nguy hiểm, nhưng vẫn cố tình thực hiện. Nếu người vi phạm không hợp tác và chống đối sau khi CSGT đã kiên trì giải thích, cần áp dụng biện pháp trấn áp kịp thời. Trong trường hợp nghiêm trọng, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ với mức phạt cao nhất lên tới 7 năm tù theo Điều 330 Bộ luật Hình sự.
Đồng quan điểm, TS Vũ Anh Tuấn, Đại học Việt Đức, đề xuất tăng cường xử phạt nghiêm minh và thường xuyên đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn. Đây cũng là biện pháp hiệu quả để răn đe hành vi chống đối CSGT, đồng thời được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng.
“Như ở Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc… người ta đã phải ra một Luật gọi là hình sự hóa hành vi này. Chỉ cần anh uống rượu bia thôi, anh lái xe khi trong người có nồng độ cồn là phạt hình sự, là bỏ tù anh để răn đe hành vi này. Chúng ta đang đi đúng hướng, gia tăng mức độ phạt, tăng tiền phạt, rồi tăng thời gian giữ bằng. Đồng thời Việt Nam cũng đang triển khai các hoạt động về tuyên truyền, cung cấp thông tin thay đổi ý thức và hành vi”, TS Vũ Anh Tuấn cho biết.
Chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu cho rằng, để phòng ngừa hành vi chống người thi hành công vụ khi triển khai kế hoạch kiểm soát nồng độ cồn, cần tăng cường công tác giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi để cảnh báo xã hội, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng cần nâng cao trình độ, khả năng xử lý tình huống, đồng thời luôn đề cao cảnh giác để bảo toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ: “Các cơ quan chức năng cần quán triệt đến các tổ công tác về các kỹ năng để xử lý tình huống, ví dụ với những đối tượng đã có những biểu hiện chống đối, lăng mạ, chửi bới, bất tuân hiệu lệnh thì phải tính ngay chuyện khắc chế đối tượng để xử lý và xử lý một cách quyết liệt, dứt khoát”
Một số ý kiến cũng cho rằng, cùng với việc áp dụng các hình phạt kịch khung, cần đưa các vụ chống người thi hành công vụ khi bị kiểm tra nồng độ cồn ra xét xử lưu động nhằm tăng tác dụng răn đe