CSGT không công khai “kế hoạch, chuyên đề”, người dân vẫn có quyền giám sát

“Quyền giám sát các lực lượng thực thi pháp luật là quyền của người dân. Việc giám sát theo kế hoạch chuyên ngành là câu chuyện giám sát trong các báo cáo. Còn trong hoạt động thường ngày, với mỗi sự kiện chúng ta đều có thể giám sát theo quy định”.

Lực lượng công an không công khai kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề về giao thông, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thường xuyên. Đây là nội dung đáng chú ý trong dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 67/2019 của Bộ Công an quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Nguyên nhân được Bộ Công an đưa ra là do việc giám sát của một số người dân đối với lực lượng CSGT có lúc còn chưa khách quan, chưa đúng quy định. Điều này dẫn đến tư tưởng ngại va chạm, thiếu tinh thần trách nhiệm của một số CSGT trực tiếp làm nhiệm vụ và ảnh hưởng đến hình ảnh của lực lượng.

Bên cạnh đó, việc công khai kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính đang bị một số đối tượng lợi dụng để gây khó khăn cho lực lượng CSGT thực thi công vụ trên đường. Liên quan nội dung này, PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với chuyên gia chính sách Ngô Dương.

PV: Thực tế, Thông tư 32 ban hành tháng 8/2023 của Bộ Công an đã bãi bỏ quy định lực lượng CSGT phải thông báo công khai kế hoạch tuần tra, kiểm soát. Đến nay, nội dung này tiếp tục có mặt trong Thông tư 67 đang được sửa đổi. Quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?

Ông Ngô Dương: Đối với việc kiểm tra theo chuyên đề đã được đưa vào hệ thống quy định pháp luật. Sau một thời gian áp dụng cũng đã bộc lộ một số bất cập. Bây giờ có quan điểm cần bãi bỏ, có thể sẽ gây ra dư luận, phản ứng trái chiều từ chủ thể thi hành, chủ thể thực hiện. Điều đó là bình thường.

Tôi nghĩ rằng, điều quan trọng là cần làm truyền thông chính sách làm sao để người dân thấy rằng, việc kiểm tra, giám sát của lực lượng CSGT và các cơ quan khác thì đều rất bình thường, không có chuyên đề họ vẫn có quyền kiểm tra. Tôi mong bà con tham gia giao thông khi có yêu cầu dừng xe, kiểm tra, chúng ta cứ chấp hành thôi.

Đương nhiên, để bảo vệ bản thân, chúng ta cần chuẩn bị sẵn chứng cứ để chứng minh mình không vi phạm, hoặc một hoạt động nào đó không đúng thủ tục của lực lượng chấp pháp. Đó là điều bình thường.

CSGT không còn phải công khai kế hoạch, chuyên đề. Tuy nhiên, người dân vẫn có quyền giám sát lực lượng thực thi công vụ trong phạm vi pháp luật cho phép.
CSGT không còn phải công khai kế hoạch, chuyên đề. Tuy nhiên, người dân vẫn có quyền giám sát lực lượng thực thi công vụ trong phạm vi pháp luật cho phép.

PV: Người dân có bị ảnh hưởng quyền giám sát của mình?

Ông Ngô Dương: Tôi nghĩ rằng, quyền giám sát các lực lượng thực thi pháp luật là quyền của người dân. Việc giám sát theo kế hoạch chuyên ngành là câu chuyện giám sát trong các báo cáo. Còn trong hoạt động thường ngày, với mỗi sự kiện chúng ta đều có thể giám sát theo quy định.

Ghi chép, chụp hình, ghi lại tài sản, vị trí phương tiện, thiệt hại cụ thể thế nào, tránh trường hợp sau khi xử phạt những điều này thay đổi. Bà con có thể giám sát từng hành động, từ dừng xe, chào hỏi, tác phong có gì thái quá hay không, việc lập biên bản có đúng sự thực hay không.

Còn về việc có một vài trường hợp hỏi, “kế hoạch đâu, chuyên đề đâu” thì không đúng. Vì cứ vi phạm luật giao thông bị xử phạt thì là bình thường. Có luật quy định rồi, cần gì kế hoạch.

PV: Ông có khuyến nghị nào để giảm sự căng thẳng giữa người bị kiểm tra với người kiểm tra trong xử lý vi phạm giao thông?

Ông Ngô Dương: Người dân thường hay thách thức về mặt chuyên môn, kiến thức với lực lượng chấp pháp. Nghe có vẻ không khí căng thẳng, nhưng như thế là bình thường.

Người ta vi phạm, phải chứng minh người ta vi phạm, còn người vi phạm có thể “cãi” cho đến khi không thể thanh minh được. Đó cũng là những điều rất bình thường. Có điều, “cãi” trong trật tự, ví dụ theo pháp luật quy định thì hành vi đó như thế nào. Lực lượng chấp pháp quy kết vi phạm gì thì tập trung thảo luận, phản biện về vi phạm đó, không lan man sang vấn đề khác.

Còn các cán bộ khi thi hành công vụ, cần tuân thủ pháp luật, các quy trình từng bước một phải chuẩn chỉ. Nó liên quan tới việc rèn luyện kiến thức, chuyên môn, tác phong, điều lệnh. Các cán bộ khi dừng xe cần có bản lĩnh, nêu được lý do và chứng minh được vi phạm. Nếu không chứng minh được cần để người dân tiếp tục di chuyển.

Tất nhiên, việc này liên quan nhiều phía. Nhưng tôi khẳng định lại, việc cãi là quyền của bà con đi đường. Tuy nhiên, nếu cho rằng bản thân không vi phạm, thì bà con vẫn cần chấp hành hiệu lệnh dừng xe, được yêu cầu cung cấp giấy tờ gì thì cung cấp giấy tờ đó, chứ không phải là sấn sổ lên để tranh luận về những cái không liên quan.

Đấy là trao đổi, giao tiếp văn minh, không riêng gì việc trao đổi, xử lý vi phạm giao thông cả.

Xem thêm:

Hà Nội: Người đi đúng bị người đi sai mắng sau phân luồng

Muốn thi giấy phép lái xe phải học quy định nồng độ cồn

Mất trật tự đô thị: Nhiều cây cầu ở TP.HCM bị lấn chiếm để bán hàng rong

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x