Có nên truy đuổi để ngăn chặn vi phạm giao thông?

Thêm đánh giá

Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ là việc quy định lực lượng chức năng có thể được thực hiện quyền truy đuổi để ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm.

Tuy vậy, một số ý kiến cho rằng, điều này gây nguy hiểm cho cả người đi đường và lực lượng thực thi nhiệm vụ. Vậy có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, vừa an toàn, hiệu quả?                                                                                                                                  Luc-luong-CSGT-truy-duoiTừng chứng kiến lực lượng CSGT truy đuổi một tài xế xe công nghệ gây tai nạn trên đường Võ Chí Công rồi bỏ chạy, anh Nguyễn Thành Trung (ở Tây Hồ, Hà Nội) chưa quên cảm giác sợ hãi khi người vi phạm và lực lượng thực thi nhiệm vụ đều chạy tốc độ khá nhanh, khiến người đi đường hốt hoảng.

Bởi vậy, khi biết thông tin Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ quy định: Trường hợp người tham gia giao thông không chấp hành tín hiệu, hiệu lệnh và bỏ chạy thì người thi hành công vụ được thực hiện quyền truy đuổi để ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm, anh Trung không khỏi băn khoăn:

“Tôi phải tránh xa, rõ ràng là sợ rồi. Mất an toàn giao thông của người đi đường, của người tham gia giao thông, sợ lắm. Không cứ riêng tôi đâu, tất cả người đi đường nhìn thấy xe đi đều dẹp hết về một bên”.

Tuy vậy, đại tá Nguyễn Hữu Luyện, nguyên Phó trưởng Phòng Tuyên truyền, Cục CSGT cho rằng, đối với những người vi phạm Luật Giao thông đường bộ, nhất là những hành vi không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông là hành vi vi phạm có dấu hiệu không bình thường, nên cần phải ngăn chặn, nếu không, có thể gây nguy hiểm tiếp theo. Trong một số trường hợp cần thiết, lực lượng CSGT cần truy đuổi để ngăn chặn hành vi vi phạm là cần thiết.

“Trong quá trình truy đuổi anh phải làm sao giữ được khoảng cách và an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, cũng như đảm bảo an toàn cho lực lượng truy đuổi để làm sao ngăn chặn được hành vi bỏ chạy đó. Thứ 3 là thông qua việc kiểm tra vi phạm này, có thể lực lượng CSGT sẽ phát hiện ra các vi phạm khác như: ngáo đá, đang vận chuyển hàng cấm, đã gây ra một vụ tai nạn và đang bỏ chạy…”, đại tá Nguyễn Hữu Luyện cho biết.

Luật sư Phạm Thành Tài, Giám đốc Văn phòng luật sư Phạm Danh (Hà Nội) cũng cho rằng, quy định lực lượng CSGT có quyền truy đuổi hành vi vi phạm giao thông là cần thiết, nhưng cần quy định cụ thể những trường hợp được truy đuổi.

Theo luật sư Phạm Thành Tài, nếu được quy định cụ thể và hướng dẫn chi tiết, rõ ràng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng ngừa vi phạm, đồng thời nâng cao ý thức chấp hành luật lệ về trật tự an toàn giao thông:

“Có rất nhiều trường hợp CSGT cần phải ngăn chặn và xử lý ngay khi phát hiện vi phạm giao thông để không gây ảnh hưởng xấu cho xã hội. Quy định này sẽ tạo ra cơ sở và hành lang pháp lý rõ ràng để thống nhất áp dụng, đồng thời sẽ tạo điều kiện để CSGT chủ động lựa chọn biện pháp cần thiết trong quá trình thực hiện nhiệm vụ”.

CSGT-phat-vi-pham
Ở góc độ khác, TS. luật sư Lê Văn Thiệp, Giám đốc Văn phòng luật sư Toàn Cầu (Hà Nội) lại cho rằng, lâu nay, các hành vi vi phạm như: gây tai nạn rồi bỏ chạy, sử dụng ma túy… bản thân nó đã xâm hại hoặc có nguy cơ xâm hại đến sức khỏe người khác, đã có yếu tố cấu thành vi phạm hình sự và có các biện pháp ngăn chặn theo Bộ luật Hình sự.

Thực tế, lực lượng CSGT vẫn thực hiện việc truy đuổi để ngăn chặn hậu quả tiếp theo, nên không cần thiết phải quy định thêm trong Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.

“Đây là vấn đề cần cân nhắc rất cẩn trọng, đánh giá hiệu quả, hiệu lực đối với mức độ tác động của các hành vi vi phạm về TTATGT để đưa ra quyết định cuối cùng, bởi vì có nhiều trường hợp bị truy đuổi dẫn đến tai nạn chết người, thậm chí người thực thi công vụ cũng bị tai nạn, rồi cộng đồng xã hội nữa. Rõ ràng ở đây mình phải đặt ra thực hiện trong trường hợp nào. Nó phải thật cụ thể và chi tiết, tránh việc người ta lạm dụng và gây ra những hậu quả lớn hơn cái hậu quả mình muốn ngăn chặn”, TS. luật sư Lê Văn Thiệp cho biết.

Chuyên gia giao thông Khương Kim Tạo cũng cho rằng, các văn bản pháp luật hiện hành dù chưa quy định rõ về việc truy đuổi nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm, song một số trường hợp, CSGT vẫn thực hiện hiệu quả việc truy đuổi, nhất là những hành vi có dấu hiệu vi phạm hình sự. Bởi vậy, nếu quy định thêm trong Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, vô hình chung sẽ gây thêm áp lực cho lực lượng thực thi nhiệm vụ:

“Nếu chọn 2 phương án, một phương án là dùng phạt nguội, hoặc kết hợp công nghệ để báo cho các tổ tuần tra phía trước với phương án đuổi theo thì phương án nổ máy đuổi theo có vẻ không hợp lý và như vậy nếu chúng ta quy định theo hướng này thì chính ra lại không vận dụng được việc ứng dụng công nghệ vào xử lý vi phạm.

Như vậy, hãy để cho tùy từng trường hợp cụ thể, thì lực lượng chức năng có thể vận dụng quy định của luật khác về việc ngăn chặn các hành vi nguy hiểm”.

csgt-truy-duoi-nguoi-vi-pham-gay-tai-nan-giao-thong-bi-xu-ly-the-nao
Lâu nay, một số hành vi vi phạm TTATGT vẫn bị ngăn chặn hiệu quả, dù việc truy đuổi không được quy định cụ thể trong các văn bản luật hoặc hướng dẫn thi hành. Bởi vậy, việc quy định cụ thể hoạt động truy đuổi để ngăn chặn một số hành vi vi phạm TTATGT không chỉ gây áp lực cho lực lượng thực thi nhiệm vụ, mà còn trở thành lực cản trong việc ứng dụng công nghệ vào quản lý giao thông, an toàn xã hội.

Cảnh sát giao thông có nên được trao quyền truy đuổi lái xe không chấp hành hiệu lệnh giao thông hay không, luôn là một câu hỏi gây tranh cãi. Bởi đây là một quyết định không hề dễ dàng với chính những nhân viên công vụ đảm bảo an toàn giao thông trên đường bộ.

Việc người điều khiển phương tiện không chấp hành hiệu lệnh giao thông được định nghĩa là vi phạm hành chính, song hành vi cố tình không chấp hành hiệu lệnh của người thực thi công vụ đảm bảo an toàn giao thông lại tương đồng với khái niệm chống người thi hành công vụ, tức là có yếu tố hình sự.

Nên, câu chuyện này có sự giao thoa, chồng lấn nhất định giữa mức độ vi phạm hành chính và hình sự, đòi hỏi những biện pháp ngăn chặn, xử lý khác nhau.

Trong hệ thống quy định pháp luật hiện hành chưa có bất cứ quy định cụ thể nào về việc cảnh sát giao thông truy đuổi người vi phạm. Việc truy đuổi trên thực tế chỉ xuất hiện trong những tình huống người điều khiển phương tiện có dấu hiệu tội phạm, hoặc có khả năng gây nguy hiểm cho người khác (dù điều này khá mơ hồ, phụ thuộc vào nhận định của nhân viên công vụ).

Vì thế, khoản 2 điều 72, dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 cụ thể hóa quyền truy đuổi để ngăn chặn và xử lý vi phạm cho lực lượng cảnh sát giao thông là một điểm hoàn toàn mới, rất cần cân nhắc.

Quy định mới này, ở khía cạnh tích cực, sẽ khiến lực lượng cảnh sát giao thông quyết đoán và tự tin hơn khi làm nhiệm vụ, và chắc chắn sẽ tăng hiệu quả thực thi pháp luật. Tuy nhiên, mặt tiêu cực là nó cũng thúc đẩy thói quen lạm dụng quyền lực khi thi hành công vụ, và khi mà việc truy đuổi người vi phạm hành chính diễn ra thường xuyên thì cũng làm cho trạng thái giao thông đường bộ gia tăng căng thẳng.

Rất khó để đánh giá một cách chính xác và thuyết phục giữa việc bỏ hay giữ quyền truy đuổi người điều khiển phương tiện không chấp hành hiệu lệnh trong luật. Nên, điều cần thiết khi bàn về vấn đề này là đánh giá lại về mục đích của việc truy đuổi.

Câu hỏi quan trọng ở đây là: Mục đích của việc truy đuổi người điều khiển phương tiện giao thông không chấp hành hiệu lệnh là gì?

Cá nhân tôi cho rằng mục đích chính của việc này là để đảm bảo xử lý trực tiếp hành vi vi phạm, qua đó khẳng định quyền lực hành pháp của người thực thi công vụ, và góp phần hình thành thói quen tôn trọng luật pháp của người điều khiển phương tiện giao thông.

Vậy thì có cách khác để đảm bảo các mục đích này hiệu quả hơn, mà không dẫn đến các yếu tố gây mất an toàn cho cả người vi phạm và lực lượng thi hành công vụ? Tôi cho là có.

Để đảm bảo tính răn đe, góp phần hình thành thói quen tôn trọng luật pháp thì thay bằng việc phải đuổi bắt trực tiếp, luật nên quy định chế tài mạnh hơn đối với hành vi không chấp hành hiệu lệnh, nâng mức phạt nguội cao hơn so với phạt trực tiếp,

cụ thể hóa việc sử dụng bằng chứng dưới dạng hình ảnh để xử phạt.

Thậm chí có thể cân nhắc xử lý hình sự những hành vi cố tình không chấp hành hiệu lệnh, dẫn đến gây nguy hiểm cho cộng đồng.

Khi mà công nghệ có khả năng hỗ trợ việc thực thi pháp luật tốt hơn, điều đó cũng đồng nghĩa có thể giảm bớt tính chất nguy hiểm của công việc thực thi pháp luật. Với khả năng công nghệ hiện nay, việc ghi nhận bằng chứng vi phạm ngày càng đơn giản, dễ dàng hơn, khả năng truy tìm xử phạt nguội cũng khả thi hơn, thì điều đó nên đồng nghĩa với việc giảm bớt những hành động gây nguy hiểm cho con người.

Vì thế, luật hóa quyền truy đuổi người điều khiển phương tiện không chấp hành hiệu lệnh là một việc không cần thiết, bởi điều đó ít nhiều cũng sẽ cản trở nhu cầu ứng dụng công nghệ vào quá trình đảm bảo an toàn giao thông./.

Xem thêm:

Việt Nam có 2 Cảng hàng không lọt Top 100 sân bay tốt nhất thế giới

Công bố giá vé và lịch chạy tàu tuyến TPHCM – Côn Đảo

Có nên truy đuổi để ngăn chặn vi phạm giao thông?

 

 

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x