Áp lực tham vọng: Liệu cha mẹ đang “kìm hãm” tuổi thơ của con?

Thông tin trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam có thể dừng tuyển sinh lớp 6 từ năm học 2024-2025 đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Nhiều phụ huynh bày tỏ sự bất ngờ và lo lắng. Họ cho rằng việc con em không có cơ hội học tập tại môi trường giáo dục chất lượng cao như Amsterdam từ sớm sẽ ảnh hưởng đến tương lai của các em.

Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến lo lắng, cũng có nhiều ý kiến ủng hộ việc dừng tuyển sinh hệ chuyên THCS. Theo quan điểm này, việc học tập quá tải, ôn luyện với cường độ cao từ khi còn nhỏ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất, tinh thần và trí tuệ của trẻ em.

Các thí sinh tham dự kỳ thi tuyển chọn lớp 6 chuyên Hà Nội - Amsterdam. (Ảnh minh hoạ: Tienphong.vn)
Các thí sinh tham dự kỳ thi tuyển chọn lớp 6 chuyên Hà Nội – Amsterdam. (Ảnh minh hoạ: Tienphong.vn)

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Liên, với hai con đang theo học tại trường gần nhà, luôn trân trọng giá trị của tuổi thơ bên cạnh việc học tập. Ban đầu, quan điểm này vấp phải sự e ngại từ anh Văn bởi lo lắng con sẽ bỏ lỡ cơ hội học tập tại các trường chuyên. Tuy nhiên, chị Liên kiên định thuyết phục chồng rằng: 

“Không nên vào trường chuyên vì nó gâp áp lực thi cử cho các con và nhiều gia đình cũng chạy theo, bắt con luyện lò, luyện thi từ lớp 1, làm mất tuổi thơ của nó. Nhưng em nghĩ hầu hết, mấy khi nó đã đủ tuổi nhận thực được vấn đề đấy đâu, hầu như theo ý của bố mẹ nhiều hơn. Em thấy như thế là áp đặt việc học của con, như thế nó mất tuổi thơ của trẻ”.

Dù bất ngờ với việc trường Amsterdam dừng tuyển sinh hệ chuyên cấp THCS, song, anh Nguyễn Thành Văn, ở Nam Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ, đó là điều cần thiết và tốt cho trẻ em, để các em không phải chạy đua quá sớm, đánh mất tuổi thơ, bởi đa số phụ huynh mong muốn và có kỳ vọng để định hướng con trẻ, nhưng đó là tâm lý của người lớn: “Học sinh có nhiều quyền lựa chọn mà. Kể cả xóa trường chuyên thì học sinh cũng có cơ hội và có ý thức để học toàn diện hơn. Học sinh vẫn có thể tập trung vào những môn là thế mạnh của các em để tiếp tục lên cấp 3 các em định hướng các môn chuyên mà”.

Thông tin về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Hà Nội dừng tuyển sinh hệ chuyên cấp THCS trường Amsterdam Hà Nội đã tạo nên nhiều luồng ý kiến trái chiều.

Nhiều bậc phụ huynh lo lắng vì đã đầu tư cho con ôn luyện từ sớm, thậm chí cho con học tập liên tục, không có thời gian nghỉ hè. Tuy nhiên, cũng có ý kiến ủng hộ quyết định này, cho rằng việc dừng tuyển sinh là đúng đắn và bảo vệ quyền lợi của trẻ em.

Theo đại diện Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nhiều chuyên gia đồng tình rằng việc định hướng cho trẻ học trường chuyên từ cấp 2 hay tham gia các cuộc thi vượt quá sức chịu đựng của trẻ không phải là mong muốn của chính các em mà chủ yếu xuất phát từ kỳ vọng của phụ huynh.

Đại diện này cũng nhấn mạnh:

  • Trẻ em lứa tuổi cấp 1 rất khó để tự định hướng bản thân học chuyên hay không, đặc biệt khi phải chịu áp lực “gồng mình” luyện thi.
  • Các chính sách và quy định trong lĩnh vực giáo dục cần được xây dựng phù hợp với tâm lý và lứa tuổi của trẻ em, đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Một lớp học STEAM dành cho học sinh THCS tại Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (Ảnh: Trường THPT Hà Nội - Amsterdam).
Một lớp học STEAM dành cho học sinh THCS tại Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam (Ảnh: Trường THPT Hà Nội – Amsterdam).

Theo quan điểm của ông Nguyễn Đình Sơn, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, việc ôn luyện thi chuyên THCS từ sớm (từ lớp 2) tiềm ẩn nhiều tác hại về mặt tâm lý và giáo dục cho trẻ em:

Áp lực học tập quá tải khiến học sinh phải gánh vác chương trình học nặng nề, vượt quá khả năng tiếp thu của lứa tuổi, dẫn đến căng thẳng, stress và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần. Thay vì vui chơi, khám phá bản thân, các em phải dành phần lớn thời gian cho việc học tập và ôn luyện, hạn chế cơ hội phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần và xã hội.

Hơn nữa, việc học chuyên THCS quá sớm có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng: nhiều học sinh không thể theo kịp chương trình hoặc không đạt kết quả như kỳ vọng, dẫn đến thất vọng, chán nản và ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng tập trung và ghi nhớ, gây sa sút kết quả học tập. Việc “đóng khung” trong một lĩnh vực nhất định từ sớm cũng hạn chế khả năng khám phá bản thân và lựa chọn con đường phù hợp của các em.

PGS.TS Trần Thu Hương, Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, cho rằng việc học tập quá tải ở cấp 1 tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ em.

Trong khi đó, việc gò ép con học và thi vào lớp chuyên, lớp chất lượng cao chỉ là mong muốn của bố mẹ, nên việc Bô Giáo dục và Đào tạo yêu cầu dừng tuyển sinh hệ chuyên cấp THCS là quyết định vì quyền lợi của trẻ em: “Điều đó không đáp ứng được nhu cầu và ý chí của bố mẹ đâu, bởi bố mẹ nào cũng muốn con mình phải học tốt, phải đạt kết quả tốt, tất nhiên không phải 100% nhưng rất nhiều bố mẹ vẫn đang kỳ vọng con mình phải ở đỉnh cao. Nhưng khi con ở đỉnh cao, mà nó chỉ có một mình thôi, thì đấy là vấn đề. Cho nên các bố, các mẹ cũng cần phải suy nghĩ một cách thấu đáo và đứng ở góc độ của các con”.

Dưới góc độ tâm lý giáo dục, việc học trường chuyên THCS từ sớm tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sự phát triển toàn diện của trẻ em. Cha mẹ và nhà trường cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi cho con theo đuổi con đường này, đảm bảo lợi ích tốt nhất cho các em.

Xem thêm: Nhịp đập K – Âm thanh chữa lành của những ‘chiến binh K’!

 
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x