Nhức nhối tình trạng xe máy, xe ba gác ở Vành đai 2 trên cao

Thêm đánh giá

Sẽ không quá lời nếu nói tình trạng xe máy di chuyển lên Vành đai 2 trên cao tại thủ đô Hà Nội là vấn đề nhức nhối, bởi ngoài việc VOV Giao thông liên tiếp nhận phản ánh của thính giả, mức độ vi phạm còn có chiều hướng ngày càng nghiêm trọng.

“Tình trạng này diễn ra thường xuyên, nhất trong vào cao điểm, rất là gây giật mình khi mà nhìn thấy, người ta cứ đi lên đó cho nó nhanh, tránh bị đông với đèn đỏ bên dưới, rất nguy hiểm, nói chung là ngày nào cũng diễn ra, các thời điểm trong ngày không ít thì nhiều. Rất cần cơ quan chức năng xử phát mạnh tay.”

Đó là ý kiến của một người sinh sống và kinh doanh trên đường Đại La, ngay đoạn lối xuống Vọng từ Vành đai 2 trên cao. Theo vị chủ quán này, dường như một bộ phận người điều khiển xe máy đã hình thành thói quen vi phạm một cách ngang nhiên, không cần quan tâm mối nguy hiểm cho chính mình và những người lái xe ô tô xung quanh.

Vanh-Dai-2-3.

Một số xe máy di chuyển trên đường vành đai 2 trên cao

Thực trạng xe máy, xe ba gác cố tình di chuyển lên vành đai 2 trên cao không phải chuyện mới, vấn đề này VOV Giao thông đã rất nhiều lần phản ánh trong các khung giờ cao điểm (ngay khi nhận tin của thính giả) và trong các chuyên mục chuyên biệt. Nhưng dường không có gì thay đổi. Vì vậy, PV đã dành nhiều ngày gần đây để khảo sát dọc tuyến Vành đai 2 trên cao. Kết quả, chỉ cần đi một vòng từ Ngã tư Sở về cầu Vĩnh Tuy đã thấy không ít xe máy, xe ba gác “chạy vù vù” bên cạnh. Dù đường Minh Khai – Đại La bên dưới ùn tắc hay thông thoáng, xe máy vẫn vô tư và dễ dàng lên đường trên cao.

Trong giờ cao điểm sáng 20/6/2024, theo ghi nhận trực tiếp của VOV Giao thông tại lối xuống phố Vọng từ vành đai 2 trên cao, đội CSGT số 4 trong thời gian ngắn đã phát hiện và xử lý không ít trường hợp xe máy vi phạm vì di chuyển trên vành đai 2. Mười trường hợp đã bị lực lượng chức năng lập biên bản và tạm giữ sáu xe máy.

Khi được hỏi, một số người vi phạm giải thích:

“Thì em là công nhân, đang vội đi quá nên đi lên cho nhanh ạ.”

“Mình không biết đường nên đi vào thôi.”

“Thì thấy người ta cứ đi thì mình đi thôi, nói chung là được nhắc nhở rồi nên sẽ rút kinh nghiệm.”

Lý do để bao biện cho hành vi vi phạm vẫn chỉ xoay quanh chuyện “vội đi vì có việc”, “không biết đường”, “thấy người khác đi thì đi theo”. Thật đáng lo ngại vì tai nạn giao thông thảm khốc có thể xảy ra bất cứ lúc nào, còn những người vi phạm thì vẫn xem nhẹ vấn đề.

xe-ba-gac-o-Vanh-dai-2-tren-cao

Không chỉ xe máy, nhiều xe ba gác cũng cố tình vi phạm

Thực tế hiện nay, tuyến vành đai 2 trên cao không có nhiều lối lên, bao gồm: Ngã tư Sở và Đại La (hướng đi cầu Vĩnh Tuy); Minh Khai và Trường Chinh (hướng đi Ngã tư Sở). Tuy nhiên tại các điểm này không có sự ứng trực thường xuyên của các lực lượng chức năng, và cũng chưa thấy có biện pháp nào nhằm hạn chế xe máy đi lên vành đai 2 trên cao, ngoại trừ biển cấm xe máy.

Đây chính là lý do khiến một bộ phận người điều khiển xe máy dễ dàng và ngang nhiên vi phạm. Còn việc lập chốt xử phạt vi phạm tại các lối dẫn xuống của CSGT thì chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”, xử lý phần ngọn của vấn đề.

Chuyên gia giao thông, TS Phan Lê Bình, Phó trưởng đai diện văn phòng tư vấn OCG Nhật Bản cũng bày tỏ ý kiến về thực tế này:

“Xe máy xe ba gác đi lên vành đai 2 trên cao là vấn đề hết sức nhức nhối, ý thức như vậy là quá kém, gây ra rủi ro tai nạn giao thông. Theo tôi để góp phần giải quyết thì chỉ có thể nâng cao công tác xử phạt, vì đây là cao tốc nên không thể lập chốt trên đó, thì CSGT nên thường xuyên tuần tra phát hiên vi phạm, hơn nữa tuyến này chỉ có 2 lối lên, chúng ta cần cử cán bộ ứng trực, có thể là CSGT hoặc thanh tra giao thông, công an phường, đội trật tư phường… để không cho xe máy đi lên đường trên cao.”

lap-bien-ban

Việc lập chốt xử phạt vi phạm tại các lối dẫn xuống của CSGT thì chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”, xử lý phần ngọn của vấn đề

Còn nhớ, theo hình ảnh ghi lại từ camera hành trình của một tài xế ô tô vào khoảng 7 giờ 47 phút sáng 10/10/2023, trên tuyến đường vành đai 2 trên cao hướng về Ngã Tư Sở, có tới hàng chục xe máy di chuyển, khi thấy bóng dáng CSGT ở đường dẫn xuống, rất nhiều xe máy đã quay đầu đi ngược chiều để tránh bị phạt, cảnh tượng rất hỗn loạn và gây ra không ít nguy hiểm.

Tình trạng này hoàn toàn có thể lặp lại nếu thời gian tới không có biện pháp mạnh tay và hiệu quả hơn nữa từ các cơ quan chức năng.

Trong câu chuyện này, tai nạn giao thông hoàn toàn có thể được đẩy lùi một cách chủ động bằng cách thay đổi hành vi của người điều khiển xe máy, xe ba gác, không đi vào đường cấm. Nhưng nếu người dân vẫn còn ngang nhiên vi phạm và không có sự vào cuộc thường xuyên, không có giải pháp mang tính bền vững của lực lượng chức năng thì “thảm hoạ” có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Xem thêm:

Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên sẽ không dùng tiền mặt

Giao thông công cộng chuyển đổi xanh: Cần quyết tâm đủ lớn của doanh nghiệp

Thi công nút giao Kim Đồng – Giải Phóng: Bụi bặm, tắc đường, không bố trí đủ biện pháp bảo đảm ATGT

5 1 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x