Cần cụ thể hoá các quy định bảo vệ trẻ em trên ô tô
Mỗi năm cả nước có khoảng 1.800 – 2.000 vụ tai nạn giao thông liên quan tới trẻ em với khoảng 600 – 700 vụ liên quan tới ô tô có trẻ em. Trong khi đó, hiện chưa có quy định về thiết bị và vị trí an toàn cho trẻ em trên xe ô tô.
Nhiều phụ huynh vẫn để trẻ em ngồi ghế trước hoặc đứng trong xe, vươn tay ra cửa sổ, thò đầu qua cửa sổ trời,… tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.
Vậy, cần sớm cụ thể hoá các quy định an toàn cho trẻ em trên xe ô tô ra sao để bảo vệ các em tốt hơn khi tham gia giao thông? PV Giao thông có cuộc đối thoại với PGS.TS Phạm Việt Cường – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và Phòng chống chấn thương, Trường Đại học Y tế công cộng.
PV: Vì sao phải đặt ra các quy định bảo vệ an toàn cho trẻ em trên xe ô tô khi tham gia giao thông trong bối cảnh hiện nay?
PGS.TS. Phạm Việt Cường: Hiện nay trong Luật Giao thông Đường bộ năm 2008 đang hiện hành thì các quy định về đảm bảo an toàn giao thông cho trẻ ngồi trên xe ô tô còn rất hạn chế, điều khoản chung là yêu cầu người điều khiển phương tiện phải đảm bảo an toàn cho những người ngồi trên ô tô, có nghĩa là bao gồm cả người lớn và trẻ em, chứ không quy định độ tuổi cụ thể và việc sử dụng các thiết bị an toàn trên ô tô là hoàn toàn chưa có.
Tuy nhiên trong Dự thảo mới mà Bộ Công an đang đề xuất và Quốc hội đang thảo luận có điểm tiến bộ là đưa vào quy định bắt buộc sử dụng các thiết bị an toàn cho trẻ em với độ tuổi dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 135 cm. Tôi nghĩ đây là những bổ sung đáng kể để đảm bảo an toàn cho trẻ.
PV: Ông có đề nghị thế nào về việc lấp “khoảng trống” pháp luật về bảo vệ trẻ em ngồi trên xe ô tô?
PGS.TS. Phạm Việt Cường: Cái “khoảng trống” pháp luật thì đầu tiên chúng ta phải hoàn thiện khung pháp lý và đặc biệt là thông qua các điều khoản về việc đảm bảo an toàn giao thông cho trẻ ngồi trên xe ô tô ví như như ban hành Luật hoặc sớm đưa ra các quy định chi tiết, có tính khả thi.
Và ngay sau khi có Luật ban hành thì các quy định về tiêu chuẩn các thiết bị dành cho trẻ trên xe ô tô cũng cần ban hành sớm.
Ngoài ra còn là vấn đề kiểm tra, giám sát và thực thi Luật, tăng cường các hoạt động của lực lượng chức năng liên quan tới vấn đề này cũng rất quan trọng để chúng ta bổ sung các quy định của pháp luật, bổ sung các khoảng trống và chúng ta thực thi có hiệu quả các hoạt động để đảm bảo an toàn cho trẻ em.
PV: Xin được cảm ơn ông!
Xem thêm:
Chạy thử nghiệm toàn tuyến Metro số 1 do người Việt vận hành
Chạy thử nghiệm toàn tuyến Metro số 1 do người Việt vận hành