Đi “khôn lỏi” giữa các pha đèn ở ngã tư

Thêm đánh giá

 

Không ngoa khi nói rằng, muốn chứng kiến văn hóa tham gia giao thông ở Hà Nội, chỉ cần ra bất cứ ngã tư nào ở Thủ đô. Vì ở đó hội tụ tất cả các hành vi đẹp và chưa đẹp của người tham gia giao thông.

Nhắc đến vượt đèn đỏ, đó là một hành vi tương đối phổ biến trên đường phố Hà Nội. Nếu nhìn sâu hơn về hành vi này, có thể bạn sẽ đặt câu hỏi: Người ta vượt đèn đỏ như thế nào? Vì sao lại bị thôi thúc làm vậy? Và họ có sự chuẩn bị gì cho một lần vi phạm luật giao thông đường bộ?

Có một hành vi khá thường gặp ở hầu khắp các ngã tư lớn, với mặt cắt đường rộng: Vượt đèn đỏ khi luồng xe thuộc pha đèn xanh cắt ngang chưa kịp tiếp cận ngã tư.

Nhiều người thường cho là cách đi “khôn lỏi” tận dụng khoảng không gian trống phía trước được tạo ra bởi nhịp trễ khoảng 5-10 giây giữa các luồng đèn xanh.

Một số chủ phương tiện vượt đèn đỏ, luồn lách giữa các pha đèn để tranh hướng đi của các làn đường đèn xanh

Một số chủ phương tiện vượt đèn đỏ, luồn lách giữa các pha đèn để tranh hướng đi của các làn đường đèn xanh

Anh Nguyễn Đình Tứ, một xe ôm công nghệ và giao hàng ở quận Hoàng Mai thừa nhận: Bản thân anh thường xuyên đi như vậy. Và từng có lần, anh không vượt trót lọt khỏi ngã tư, và bị kẹt cứng lại ở giữa nút giao.

“Hành vi này gặp nhiều chứ anh, giờ cao điểm hay gặp mà chẳng cần giờ cao điểm thì cũng gặp. Em thì cũng có, thực sự cũng hay đi như thế. Có lúc bị kẹt ở giữa luôn, phải nhích từng tí một mới ra được”.

Không lạ lẫm với những hình ảnh đi “khôn lỏi” đó ở các ngã tư: Kim Ngưu-Minh Khai, ngã tư Vọng, Trường Chinh-Giải Phóng, Lê Văn Lương-Khuất Duy Tiến, anh Nguyễn Mạnh Thắng, trú tại Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng đưa ra quan điểm về nguyên nhân và hậu quả của việc vượt đèn đỏ luồn lách giữa các pha đèn:

“Một phần do không có lực lượng chức năng ở đấy nên người ta đi thôi. Một phần nữa là do ý thức của chủ phương tiện. Hậu quả thì tắc đường là đầu tiên thấy rõ được, thứ hai là tai nạn giao thông nếu những xe đằng sau cứ đi thôi, còn những xe phải dừng lại để tránh thì xe đằng sau sẽ đâm phải”.

Nhưng nhiều trường hợp bị kẹt lại ở giữa ngã tư, tiềm ẩn nguy cơ va chạm và ùn tắc

Nhưng nhiều trường hợp bị kẹt lại ở giữa ngã tư, tiềm ẩn nguy cơ va chạm và ùn tắc

Anh Bùi Văn Thắng, ở quận Thanh Xuân, chỉ rõ: Đây chính là nguyên nhân gây ùn tắc ở các nút giao đường sắt đồng mức. Chỉ vì sự ích kỷ mà đẩy tất cả các hướng xe vào tình trạng hỗn loạn và cùng nhau đứng im giữa ngã tư.

“Ví dụ mọi người chờ qua tàu thì phải rào tàu lại. Cái đèn hướng đó sẽ bị chậm nhịp. Đèn xanh họ không qua được vì đợi tàu, thì người đèn đỏ sẽ lợi dụng cứ đi thẳng. Đến khi tàu đi qua, mở đường ra thì cả hai hướng đều đâm vào nhau, thế là tất cả đứng nhìn nhau ở ngã tư”.

Anh Thắng phân tích: Có lẽ việc vượt đèn đỏ đã trở thành tật xấu khó bỏ của một bộ phận người đi đường khi vắng bóng lực lượng chức năng. Anh cho rằng có một số điều kiện khách quan mà người đi đường có thể cần thận trọng khi đi qua ngã tư, bởi đó là thời cơ để một số chủ phương tiện chuẩn bị cho một lần vượt đèn đỏ.

“Em nghĩ tai nạn thì chắc chắn không ai muốn xảy ra cả. Trước khi vượt thì họ cũng sẽ nhìn đường, họ biết đèn đỏ rồi không tự dưng phi sang. Khi họ quan sát, cảm thấy mình sang được thì mới dám sang, chứ ô tô phi ầm ầm như cao tốc thì ai dám sang”, anh Thắng nói.

Thực tế, trong quá trình trả lời phỏng vấn VOV Giao thông, nhiều người đi đường cho rằng, họ có thói quen đi như vậy là khi vào giờ cao điểm, lực lượng chức năng đứng phân luồng thường cho phép đi như vậy để thoát xe nhanh.

Nguyễn Mạnh Thắng, tài xế tại khu vực Bách Khoa cho rằng, cách đi khôn lỏi đó khi thành thói quen sẽ rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông khác, cần tuyên truyền và xử lý mạnh hơn

Nguyễn Mạnh Thắng, tài xế tại khu vực Bách Khoa cho rằng, cách đi khôn lỏi đó khi thành thói quen sẽ rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông khác, cần tuyên truyền và xử lý mạnh hơn

Tuy nhiên, điều này cần minh định: Khi có sự xuất hiện của lực lượng chức năng, người đi đường cần tuân thủ hiệu lệnh của người điều khiển giao thông. Còn khi vắng bóng lực lượng chức năng, người đi đường cần tuân thủ đèn tín hiệu, biển báo hiệu và vạch kẻ đường.

Nếu đi theo cách “khôn lỏi” đó, mà không có lực lượng điều hành giao thông phân luồng, tạo hành lang thoát xe, rất dễ xảy ra tai nạn, ùn tắc giao thông, xung đột giữa các luồng xe.

Anh Bùi Văn Thắng bày tỏ, có lẽ ngoài việc tăng cường tuyên truyền, xử lý hành vi vượt đèn đỏ, bản thân anh cũng cần có sự chuẩn bị về tâm lý, sự thận trọng ngay cả khi… luồng xe mình đang đi là đèn xanh: 

“Nhiều khi, mọi người đi đèn xanh thì em nghĩ cũng không nên chạy với tốc độ cao. Vẫn nên chạy chậm lại để quan sát ạ. Cẩn thận vẫn hơn”.

Xem thêm:

“Thủy cung” trên cầu đi bộ

 

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x