Làm gì để xóa “điểm đen” TNGT trên cầu vượt Hoàng Hoa Thám?
Thời gian qua, không chỉ xảy ra ùn tắc giao thông, khu vực cầu vượt Cộng Hòa – Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình, TP.HCM) cũng liên tục xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng. Đây là cầu vượt được xác định là điểm đen về tai nạn giao thông vào tháng 12/2023.
Cầu vượt Hoàng Hoa Thám nằm trên trục đường Cộng Hoà với 2 làn xe cho cả ô tô và xe máy. Đây là trục đường cửa ngõ của thành phố, kết nối từ đường Trường Chinh, quốc lộ 1, quốc lộ 22 để vào trung tâm TP.HCM.
Ngoài ra, do nằm ở nút giao trọng điểm cửa ngõ Tân Sơn Nhất nên áp lực giao thông đổ về rất lớn.
Ghi nhận thực tế cho thấy khu vực cầu vượt Hoàng Hoa Thám thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Thậm chí có thời điểm xe cộ như đang “đứng im” trên cầu. Giờ tan tầm sáng và chiều, dòng xe phủ kín cầu vượt thép nút giao Cộng Hoà – Hoàng Hoa Thám. Ô tô nối thành hàng dài, đan xen hàng trăm xe máy trong các khoảng trống nhỏ hẹp.
Lưu lượng xe lên cầu vượt quá lớn, liên tục xung đột với hướng rẽ qua hông cầu để vào đường Hoàng Hoa Thám, dễ dẫn đến va chạm:
“Tai nạn thường xuyên, dòng xe nhiều quá nên nó còn kẹt xe nữa.”
“Nó rất phức tạp, cứ sáng ra là đi học, đi làm là rất đông. Rồi các xe dừng và quay đầu là kẹt, xe hơi lâu.”
Hành nghề bơm vá xe ngay dưới chân cầu vượt này, anh Minh (35 tuổi) đã chứng kiến rất nhiều vụ ùn tắc và tai nạn giao thông tại cầu vượt Hoàng Hoa Thám. Theo anh Minh, cầu vượt này dường như đã quá tải so với nhu cầu đi lại của người dân. Bên cạnh đó, nguyên nhân khiến cầu vượt này trở thành “điểm đen” về tai nạn giao thông 1 phần là do ý thức của người tham gia giao thông chưa cao.
Theo Sở GTVT TP.HCM, trong năm 2023, khu vực cầu vượt Hoàng Hoa Thám đã xảy ra xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông làm 3 người chết, 1 người bị thương. Nguyên nhân chủ yếu do lái xe thiếu quan sát và có nồng độ cồn. Ông Nguyễn Kiên Giang (Phó trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, thuộc Sở Giao thông vận tải TP.HCM) cho biết, thời gian qua, Sở GTVT cũng đã thực hiện nhiều giải pháp để xử lý tại “điểm đen” tai nạn giao thông này.
Ngoài ra, Sở GTVT cũng đã phối hợp với Sở Xây dựng triển khai lắp đặt hệ thống trụ chiếu sáng tầm cao thay thế cho hệ thống chiếu sáng bằng đèn LED trên lan can cầu nhằm tránh nguy cơ xảy ra tai nạn do đèn LED gây chói lóa đối với người điều khiển phương tiện
“Chúng tôi đã triển khai nhiều giải pháp ở đây, đầu tiên Sở GTVT bố trí gờ giảm tốc trên các vị trí lên xuống dốc cầu, sau đó là dán phản quang trên lan can cầu để tạo nhận diện tốt hơn, rồi tiếp tục gắn biển báo tai nạn, biển báo đi chậm.
Song song đó, phối hợp với Sở Xây dựng điều chỉnh cái rất quan trọng, đó là đèn trụ từ trên chiếu xuống, bỏ hệ thống đèn LED này. Và cũng mong là từ giờ đến cuối năm, chúng ta sẽ xóa được điểm đen tại vị trí này”, ông Nguyễn Kiên Giang cho biết.
Ngoài quyết tâm xóa “điểm đen” về tai nạn giao thông tại cầu vượt Hoàng Hoa Thám, trong năm 2024, thành phố sẽ đang nỗ lực, thực hiện nhiều giải pháp để xóa các “điểm đen” đang tồn tại trên địa bàn thành phố. Đồng thời không để phát sinh các điểm đen khác.
Thượng tá Nguyễn Văn Bình (Phó trưởng phòng CSGT Công an TP.HCM) nhấn mạnh: “Tại các điểm đen thì PC08 đã thông báo đến các đội trạm trực thuộc phòng, cũng như là các đơn vị công an quận huyện, phải xây dựng kế hoạch để chuyển hóa điểm đen, bằng việc bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát chỉ huy điều hòa giao thông. Rồi kiến nghị tổ chức giao thông tại các vị trí điểm đen, rồi tập trung xử lý các hành vi mà nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông”.
Xem thêm:
Thủ tướng gửi thư khen lực lượng CSGT bảo đảm ATGT trong dịp nghỉ lễ