Thuê bằng lái để đối phó với phạt nguội: Xử lý ra sao?
Thời gian gần đây, một số dư luận truyền tai nhau “mẹo” thuê bằng lái để đối phó phạt nguội, nhất là với những lỗi vi phạm Luật Giao thông đường bộ đến mức bị tước giấy phép lái xe. Vậy, có những lổ hổng nào dẫn tới tình trạng này và cần bịt những lổ hổng này thế nào?
Xung quanh nội dung này, PV VOV Giao thông đã có cuộc đối thoại với ông TS. Luật sư Lê Văn Thiệp – Giám đốc Văn phòng Luật sư Toàn cầu.
PV: Hiện nay có tình trạng là cho thuê bằng lái để đối phó với phạt nguội vi phạm luật giao thông đường bộ. Ông có quan điểm như thế nào về việc này?
TS. LS Lê Văn Thiệp: Thứ nhất, đây là hành vi vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng và không phải chỉ có một người thực hiện những hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông, vi phạm quy định của pháp luật, mà người cho mượn cũng là người đồng phạm với người đó, tức là cố ý tiếp tay cho những người vi phạm, cho mượn giấy phép để đối phó với các cơ quan chức năng.
Theo quy định của pháp luật, việc xử lý hành chính là dành cho đúng người, đúng hành vi và đúng quy định pháp luật. Thế nhưng việc cho mượn giấy phép đấy thì nó đã không đảm bảo được tính răn đe, phòng ngừa và nó làm cho xã hội trở nên mất trật tự.
Thế thì cần phải có những biện pháp để mà xử lý nghiêm các trường hợp này, bởi vì ai làm thì người đó phải chịu trách nhiệm, chứ không cùng cố ý để cùng thực hiện một hành vi vi phạm pháp luật.
Bởi vì tiếp sau đó thì những người mà đã từng vi phạm pháp luật về giao thông, lẽ ra họ đã bị tước giấy phép lái xe trong một thời hạn nhất định, thế nhưng vì có người khác đã giúp họ, cho mượn giấy phép và họ lại gây tai nạn và họ trở thành tội phạm.
Trong trường hợp này, ban đầu chỉ là vi phạm hành chính, nhưng mà về lâu dài thì nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ có thể ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội và đặc biệt là xâm hại đến trật tự mà pháp luật hình sự bảo vệ. Quan điểm của tôi là phải có biện pháp để xử lý nghiêm những trường hợp này.
PV: Theo ông thì có những lỗ hổng nào dẫn đến việc người ta tìm cách đối phó cho thuê giấy phép lái xe như vậy?
TS. LS Lê Văn Thiệp: Hiện nay việc xử lý nó chưa có quy trình chặt chẽ. Bởi vì về mặt nguyên tắc, nếu như có một quy trình chặt chẽ, ví dụ phải yêu cầu người vi phạm giao thông mà phạm vào lỗi có thể bị tước giấy phép, thì phải yêu cầu họ đến để giải trình, xuất trình các giấy tờ.
Rõ ràng là sự thật nó chỉ có một, những người không thực hiện hành vi đó mà người ta giải trình thì chắc chắn sẽ không logic, không hợp lý. Đây cũng là một bước lọc rất quan trọng, ngay từ ban đầu để phân loại, để xác định xem có đúng đối tượng này hay không.
Vì trên thực tế có nhiều nhận thay trong các vụ tai nạn giao thông, trong các vụ án hình sự là đều được giải quyết, đều được tìm ra thủ phạm hết. Trong câu chuyện này, đấy mới chỉ là biện pháp phân loại và đánh giá ban đầu của những người thực thi công vụ.
Thế nhưng bây giờ có rất nhiều biện pháp có thể xử lý được, ví dụ như là đưa ra các quy định sử dụng công nghệ cao để xem xét, bởi vì hầu hết những người đã có giấy phép lái xe thì cũng đều có các phương tiện thông tin liên lạc cá nhân, cụ thể là điện thoại di động.
Rõ ràng là sóng không ở đó, tọa độ không ở đó, vị trí của họ không ở đó thì rõ ràng họ không phải là người xảy ra vi phạm. Đấy là cái tầng, cái biện pháp kỹ thuật và tiếp theo nữa thì còn nhiều biện pháp kỹ thuật khác, như lắp đặt các camera giao thông ở các nút giao, trên các trục đường, rồi các trạm thu phí…
Rõ ràng là khi kiểm soát được, có hình ảnh thì không thể có chuyện người này mượn giấy phép người khác để chịu trách nhiệm thay cho mình. Theo tôi, đây là một lỗ hổng trong khâu xử lý và thứ hai là chúng ta chưa đồng bộ hóa trong quá trình xử lý các hành vi vi phạm này.
Bởi vì thực tế nó là vi phạm pháp luật hành chính, nhưng về lâu dài nó có thể bỏ lọt những người mà có thái độ tham gia giao thông không tốt, có thể gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác, hoặc là xâm hại đến lợi ích công cộng.
Đây cũng là một lỗ hổng cần phải xem xét, để mà xử lý nghiêm đối với trường hợp này, ai làm người đó phải chịu trách nhiệm.
PV: Để thực hiện những điều như ông vừa nêu, cần ban hành các quy định pháp luật ra sao?
TS. LS Lê Văn Thiệp: Trước hết phải ban hành ra cái khung để điều chỉnh hành vi này, cho phép các cơ quan chức năng sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để làm cái việc này. Ví dụ như bây giờ chỉ có những vụ án hình sự thì ông mới được kiểm tra hoặc sử dụng các biện pháp ấy, thứ nhất là tốn kém, thứ hai nữa là nó liên quan đến nhiều vấn đề.
Bây giờ phải có một cái khung pháp luật hoàn thiện và đầy đủ thì mới làm được. Bây giờ ông quy định là chỉ có người đến xử phạt, nhưng không giải trình gì cả, người ta chỉ có đến nộp thôi thì làm sao ấy được, nhưng nếu như đến với lỗi vi phạm đó mà phải giải trình, thì câu chuyện lại khác ngay. Những người đó người ta sẽ ngay lập tức không cho mượn bằng lái nữa.
PV: Xin cảm ơn ông.