Xe khách tuyến cố định: Chạy Quốc lộ không được, cao tốc cũng bất an

Thêm đánh giá

Theo phản ánh của một số doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định, khi cấp phép hoạt động vận tải, một số cao tốc chưa hình thành, nên hành trình chạy chủ yếu trên Quốc lộ. Tuy vậy, sau khi cao tốc đi vào khai thác, xe khách phải đi qua đường tránh Thành phố, thị xã hoặc cao tốc.

Nhưng do chưa cập nhật tuyến, nên việc xe khách đi trên cao tốc là sai hành trình, khiến nhà xe nơm nớp. Cách nào khắc phục tình trạng này?

cao-toc-cau-gie-ninh-1002

Cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình
Thời gian gần đây, anh Nguyễn Nhật Luận, doanh nghiệp Trường Vịnh (tuyến Hà Tĩnh- Hà Nội) khá bất ngờ khi các phương tiện của doanh nghiệp liên tục bị lực lượng CSGT nhắc nhở, xử lý khi lưu thông trên cao tốc Cầu Giẽ- Ninh Bình- Mai Sơn. Mặc dù từ cuối năm 2023, đơn vị đã đề xuất Sở GTVT Hà Tĩnh để thay đổi lộ trình khai thác từ Quốc lộ 1 sang cao tốc, song vẫn chưa được chấp thuận, nên thi thoảng vẫn “chạy chui”:

“Bọn em là xe gia đình vào doanh nghiệp, nhưng hỏi doanh nghiệp thì bảo có trình lên rồi nhưng chưa thấy trả lời, chỉ nói chung chung là họ chưa chấp thuận tuyến. Không biết 2 đầu Sở như nào mà không cho chấp thuận, đường đó không cho khai thác. Bọn em muốn đi đường đó vì thời gian rút ngắn, lợi nhuận cao, nhưng vì điều đó nên chỉ có những ngày lễ tết bọn em mới đi chứ còn thường thì không dám”, anh Luận cho biết.

Cùng cảnh ngộ, ông Bùi Văn Viết, nhà xe Minh Quý (Hậu Lộc, Thanh Hóa- Hà Nội) cũng tiến thoái lưỡng nan khi buộc phải đi vào đường tránh TP. Ninh Bình hoặc đi trên cao tốc, dù sai lộ trình tuyến. Lý do là đơn vị chưa kịp đề xuất thay đổi lộ trình tuyến từ Quốc lộ 1 sang cao tốc Cầu Giẽ- Ninh Bình:

“Đi đến địa phận TP. Ninh Bình mà đi thẳng thì Ninh Bình cấm không được đi vào Thành phố, mà bắt buộc phải đi theo 2 hướng: hướng thứ nhất là đi về phía đường tránh, hướng thứ 2 là đi theo chiều cao tốc Ninh Bình. Nếu đi theo 2 hướng này thì đều đi sai cả. Sai là vì hướng đường tránh Ninh Bình không được cấp phép, hướng cao tốc cũng chưa được điều chỉnh lại”.

Đại diện một doanh nghiệp khai thác tuyến Hà Nội- Thanh Hóa lại rất bất ngờ khi đề xuất thay đổi lộ trình tuyến của đơn vị đã được Bộ GTVT phê duyệt từ cuối năm 2023, song mới đây doanh nghiệp mới tình cờ nhận được thông báo. Bởi vậy, suốt 3 tháng đầu năm 2024, đơn vị luôn phải chạy trên cao tốc với tâm trạng nơm nớp, và cũng không ít lần bị CSGT nhắc nhở:

“Thực tế là chúng tôi cũng không để ý, mãi sau khi xe bị công an bắt xe và lập biên bản và có nhiều vấn đề quá thì các doanh nghiệp chúng tôi làm công văn lên Sở GTVT 2 đầu tuyến thì người ta cũng có văn bản, nhưng người ta bảo đợi Bộ GTVT xem xét đưa vào quy hoạch”.

CSGT tổng kiểm soát trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ – Ninh Bình- Cao Bồ – Mai Sơn – Quốc lộ 45 (Ảnh minh họa: Công an nhân dân)
CSGT tổng kiểm soát trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ – Ninh Bình- Cao Bồ – Mai Sơn – Quốc lộ 45 (Ảnh minh họa: Công an nhân dân)
Trước những băn khoăn, bức xúc của doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT cho biết, theo quy định tại Nghị định 10/2020 và Thông tư 12/2020, để thay đổi lộ trình tuyến, doanh nghiệp phải báo cáo Sở GTVT địa phương, trên cơ sở đó, Sở GTVT sẽ báo cáo Cục Đường bộ để tổng hợp trình Bộ GTVT phê duyệt.

“Việc thay đổi lộ trình, đó là quyền lợi của doanh nghiệp vận tải, nếu đơn vị kinh doanh vận tải có nhu cầu thay đổi hành trình, nhưng phải có sự thông báo để có sự quản lý của 2 đầu tuyến. Việc đấy là trách nhiệm của doanh nghiệp phải thực hiện, vì đây là tuyến cố định, phải có lịch trình, hành trình nhất định, chứ không phải hôm nay tôi thích chạy trên Quốc lộ 1, ngày mai tôi lại chạy trên cao tốc”, ông Thủy cho biết.

Tuy vậy, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam không đồng tình với việc Bộ GTVT phải phê duyệt tuyến thì doanh nghiệp mới được khai thác, bởi đây là thủ tục hành chính, hoàn toàn có thể phân cấp cho các Sở GTVT, căn cứ trên nhu cầu của doanh nghiệp:

“Những cái này theo tôi nên để cho Sở người ta giải quyết thôi, bởi vì những cái này theo nhu cầu của thị trường, và đơn vị vận tải người ta đăng ký thì nên để người ta chủ động và Sở GTVT cập nhật theo đăng ký của Sở thôi, vì mỗi doanh nghiệp người ta nhắm đến một phân khúc thị trường, một đối tượng khách khác nhau”.

Chuyên gia giao thông Khương Kim Tạo cũng cho rằng, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để hỗ trợ, tăng hiệu quả giám sát khi doanh nghiệp đăng ký thay đổi lộ trình tuyến, thậm chí có thể áp dụng linh hoạt khi một trong các lộ trình đang khai thác bị sự cố, ùn tắc:

“Bây giờ Quốc lộ 1 đang ùn tắc, đang tai nạn không thể chạy được, tôi phải chạy đường khác, làm sao lại không được. Khi tôi đảo cung đường, tôi sẽ nhắn tin tôi báo cáo, sau đó tôi vẫn chạy thì nó mới đảm bảo phục vụ nhân dân được chứ. Cho nên bây giờ tư duy cái gì cũng phải báo cáo lên Bộ GTVT, Cục Đường bộ thì hàng triệu chuyến xe thì Cục Đường bộ quản lý sao được, nó sẽ nghẽn ở đấy.”

Như VOV Giao thông đã thông tin, trước tình trạng TNGT trên cao tốc Cam Lộ – La Sơn diễn biến phức tạp, mới đây Cục Đường bộ Việt Nam đã đề xuất phân luồng, điều tiết xe khách trên 30 chỗ, xe tải từ 6 trục trở lên đang chạy trên cao tốc Cam Lộ- La Sơn sang Quốc lộ 1.

Tuy vậy, Ban ATGT tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị không đồng tình với đề xuất này, bởi điều đó có thể gây mất ATGT tại Quốc lộ 1 qua địa phương. Trước diễn biến mới này, hiện Bộ GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam vẫn chưa có quyết định cuối cùng, còn doanh nghiệp vẫn phải chờ.

cao-toc-cau-gie-ninh-1002

Nhiều xe tải, xe khách lưu thông trên cao tốc Cam Lộ – La Sơn.

Lùng bùng câu chuyện quản lý

Trong khi lộ trình tuyến cố định được giao cho Sở GTVT hai đầu tuyến chấp thuận, trên cơ sở khảo sát, đề xuất của doanh nghiệp vận tải, thì việc thay đổi lộ trình tuyến lại phải chờ quyết định của Bộ GTVT, khiến hiệu quả khai thác bị ảnh hưởng.

Bởi vậy, dưới góc nhìn của VOV Giao thông, cần mạnh mẽ phân cấp, trao quyền cho các Sở GTVT trong việc chấp thuận thay đổi lộ trình tuyến, đồng thời đẩy mạnh áp dụng công nghệ để giám sát, quản lý.

Theo quy định hiện hành, lộ trình vận tải hành khách tuyến cố định do Bộ GTVT quyết định, trên cơ sở tổng hợp của Cục Đường bộ Việt Nam từ báo cáo của Sở GTVT các địa phương.

Theo quy trình này, các doanh nghiệp vận tải tuyến cố định, khi có nhu cầu thay đổi hành trình tuyến, cần đề xuất Sở GTVT nơi doanh nghiệp đặt trụ sở hoặc chi nhánh, để Sở GTVT thống nhất với địa phương nơi đến. Sau khi 2 địa phương thống nhất, sẽ báo cáo Cục Đường bộ VN để tổng hợp, trình Bộ GTVT phê duyệt hướng tuyến mới.

Quy trình này cho phép quản lý luồng tuyến, hành trình tuyến một cách thống nhất, xuyên suốt từ trung ương, tới doanh nghiệp.

Song, từ câu chuyện một số doanh nghiệp tuyến cố định không được đi trên Quốc lộ, nhưng cũng rón rén khi đi trên cao tốc cho thấy, bản thân doanh nghiệp vận tải thiếu sâu sát, chậm thực hiện việc đề xuất thay đổi lộ trình từ Quốc lộ sang cao tốc, khi trên hành trình có cao tốc mới đưa vào khai thác, đến khi bị CSGT xử lý vì đi sai luồng tuyến mới vội vã thực hiện việc đăng ký thay đổi lộ trình tuyến.

Về phía cơ quan quản lý, từ thực tiễn nảy sinh vừa qua cho thấy, ngay khi các tuyến cao tốc mới được đưa vào khai thác, cơ quan quản lý phải lường trước việc tuyến mới đi lại thuận tiện, không thu phí, chắc chắn sẽ thu hút lượng lớn phương tiện vận tải đi qua, để từ đó thông tin đến doanh nghiệp kịp thời chuẩn bị.

Đó là chưa kể, thông qua thiết bị giám sát hành trình, Cục Đường bộ VN, các Sở GTVT hoàn toàn nắm được tình trạng phương tiện vận tải liên tục đi sai hành trình để có biện pháp nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời.

Do đó, cơ quan quản lý cần tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp khi xe khách tuyến cố định có nhu cầu đi trên cao tốc. Điều này không chỉ góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho hành khách, mà còn giảm TNGT. Để không lặp lại câu chuyện doanh nghiệp vận tải tuyến cố định luôn nơm nớp khi lưu thông trên cao tốc, các đơn vị vận tải có nhu cầu chạy trên đường cao tốc cần tăng sự chủ động lập danh sách, đăng ký, từ đó Sở GTVT địa phương mới có căn cứ đề xuất Cục Đường bộ VN báo cáo Bộ GTVT thay đổi lộ trình tuyến.

Về phía cơ quan quản lý, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong việc chấp thuận thay đổi lộ trình tuyến. Bởi hơn ai hết, địa phương sẽ nắm bắt sau sát nhu cầu của doanh nghiệp để có sự điều chỉnh kịp thời. Bên cạnh đó, Sở GTVT các địa phương, cần tăng cường nắm bắt thông tin, nhu cầu của doanh nghiệp trên địa bàn để kịp thời cập nhật luồng tuyến một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Bởi theo quy định tại Thông tư 12/2020 của Bộ GTVT, định kỳ 31/3 hàng năm, Sở GTVT các tỉnh phải thống nhất với địa phương đầu tuyến để xây dựng, điều chỉnh, bổ sung tuyến vận tải khách cố định và báo cáo Cục Đường bộ để trình Bộ GTVT công bố. Trong quá trình đó, nếu doanh nghiệp chưa kịp đề xuất, hoặc qua thời điểm công bố định kỳ, vẫn có thể công bố bổ sung, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả giám sát, quản lý. Tại Nghị định số 10/2020, Chính phủ đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ GTVT xây dựng hệ thống dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 đối với thủ tục đăng ký khai thác tuyến vận tải hành khách cố định, áp dụng từ ngày 1/7/2021.

Nhưng khi tìm hiểu thông tin để viết bài này, PV VOV Giao thông ghi nhận, có những luồng tuyến được Bộ GTVT chấp thuận, điều chỉnh từ tháng 11/2023, nhưng đến thời điểm này, doanh nghiệp vận tải vẫn chưa biết, vẫn thấp thỏm khi lưu thông trên cao tốc. Trong khi nếu thực hiện dịch vụ công mức độ 4 với thủ tục khai thác tuyến như yêu cầu, doanh nghiệp chỉ ngồi ở nhà cũng ngay lập tức biết kết quả thay đổi tuyến sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Việc chậm ứng dụng công nghệ, chậm phân cấp, phân quyền, cùng với sự thiếu chủ động của cơ quan quản lý không chỉ khiến doanh nghiệp thiệt thòi, địa phương bị động, hạ tầng bị lãng phí, đồng thời còn làm tăng nguy cơ ùn tắc giao thông, TNGT do quá tải tuyến cũ./.

 

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x