Nồng độ cồn cho phép khi lái xe: Tranh luận giữa khoa học và thực tiễn
Bộ Y tế đề xuất lấy ý kiến chuyên gia về nồng độ cồn cho phép khi lái xe, trong khi Bộ Công an vẫn giữ quan điểm cấm hoàn toàn. Vấn đề này đang gây tranh cãi về việc cân bằng giữa khoa học và thực tiễn để đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) và trật tự xã hội.
Chị Thái Uyên, ở Hà Nội, trước đây nếu bắt buộc phải ngồi sau xe của những thành viên trong gia đình, bạn bè có sử dụng rượu bia sau các buổi liên hoan, chị luôn có cảm giác lo lắng, bất an cho chính bản thân mình và những người tham gia giao thông.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, nhiều người thân của chị Uyên đã có ý thức hơn, không còn lái xe sau khi đã uống rượu, bia: “Nhà nước cũng như các cơ quan có thẩm quyền siết chặt công tác để kiểm tra nồng độ cồn và xử lý vi phạm là một hình thức hợp lý. Mình thấy rằng, các thành viên trong gia đình mình cũng đã hạn chế và tiết chế hơn trong các bữa tiệc, bữa liên hoan ăn uống. Mọi người cũng có ý thức là sau khi đã sử dụng rượu bia xong sẽ phải chờ thêm một thời gian mới có thể sử dụng lái xe hoặc là sử dụng các phương tiện giao thông”.
Em Nguyễn Đình Tú, học sinh cấp 3 tại Hà Nội cảm nhận rõ nhất sự thay đổi về tần suất đi liên hoan, đi tiếp khách của bố từ khi mà cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra và xử lý vi phạm nồng độ cồn ở nhiều tuyến đường giao thông. Ngay cả trong thói quen điều khiển phương tiện sau khi uống rượu bia cũng đã có sự thay đổi:
“Bố con làm nghề lái xe, nếu mà hôm nay uống thì một vài hôm sau mới dám đi làm bình thường. Tại vì thứ nhất, việc xử phạt, đầu tiên ảnh hưởng đến kinh tế và thu bằng ảnh hưởng đến quyền sử dụng phương tiện của mình. Trong những ngày lễ Tết, những dịp về quê, anh con sẽ là người lái và anh sẽ được ưu tiên, không phải tiếp rượu hay bia và bố con sẽ làm tất cả mọi việc đấy”.
Trước đây, anh Nguyễn Văn Quyến, một người không thích uống rượu bia, thường xuyên bị ép uống trong các cuộc nhậu. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, tình trạng này đã không còn xảy ra.
Lý do là vì luật xử phạt lái xe sau khi uống rượu bia đã có hiệu lực. Anh Quyến chia sẻ: “Giờ đây, tôi có lý do để từ chối lời mời rượu vì nếu lái xe sau khi uống, tôi có thể bị xử phạt và thu bằng lái.”
Theo chị Hà Kim Khánh, việc lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra nồng độ cồn đã góp phần làm giảm thiểu tình trạng lái xe sau khi uống rượu bia. Chị cho rằng: “Cách làm hiện nay là đúng, không có gì phải thay đổi.”
Chị Khánh cũng nhấn mạnh rằng mỗi người có tửu lượng khác nhau, và việc uống rượu bia có thể dẫn đến tai nạn giao thông.
Lái xe Mai Linh không còn dám lái xe sau khi uống rượu bia, theo chia sẻ của ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội. Nhờ Luật phòng, chống tác hại rượu bia và Nghị định 100, đơn vị này đã giảm thiểu đáng kể các vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia trong dịp Tết.
Ông Hùng cũng ủng hộ việc giữ nguyên quy định giới hạn nồng độ cồn cho phép khi lái xe ở mức 0%.
Theo thống kê của Cục CSGT, Bộ Công an từ tháng 6/2022 đến tháng 12/2023, toàn quốc xảy ra gần 5.890 vụ TNGT có liên quan đến người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu, bia. Trong đó, có gần 80% vụ tai nạn giao thông đường bộ do người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu, bia gây ra và cũng chiếm đến 80% về số người chết và bị thương.
Giải thích quy trình kiểm tra nồng độ cồn của lực lượng CSGT hiện nay , Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng CSGT cho biết, việc đo nồng độ cồn được thực hiện định tính sau đó mới tiến hành đo định lượng để cho ra kết quả cuối cùng và không thể xảy ra nhầm lẫn:
“Khi lực lượng CSGT xác định được là anh đó có cồn thì mới tiến hành đo nồng độ theo chỉ số xác định hàm lượng là bao nhiêu. Do vậy những trường hợp người dân ăn hoa quả, sử dụng những thuốc đau răng chẳng hạn thì đã được đo bằng định tính, nếu định tính xác định có cồn mới đo bằng định lượng. Do vậy, lực lượng CSGT không thể xử lý sai những trường hợp không có nồng độ cồn được và đảm bảo không xử lý những trường hợp sai quy định”.
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an khẳng định việc duy trì nồng độ cồn bằng 0 khi lái xe là cần thiết để bảo đảm an toàn giao thông (ATGT):
“Thứ nhất, để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay thì cái Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định cấm người lái xe sử dụng rượu, uống rượu, bia trước và trong khi lái xe thì cái này là tính thống nhất. Thứ hai, xuất phát từ thực tiễn, hiện nay nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Nguyên nhân chính là lái xe đã sử dụng và uống rượu, bia trong quá trình điều khiển phương tiện”.
Theo TS Dương Khánh Vân – Cán bộ kỹ thuật WHO tại Việt Nam, nhiều quốc gia áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát nồng độ cồn như kiểm tra ngẫu nhiên, gắn thiết bị đo trên xe,… Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết là thiết lập quy định về giới hạn nồng độ cồn trong máu:
“Tùy vào tình hình thực tế, yếu tố chính trị, văn hóa, đối với người lái xe ở Urgugoay, Hungary, đưa ra mức giới hạn rất thấp, có thể cấm. Chúng tôi nhấn mạnh rằng, sự hiện diện của bất kỳ lượng rượu bia nào cũng có thể làm suy giảm và ảnh hưởng đến sự an toàn khi lái xe, ít nhất là phải ở dưới mức tối thiểu mà WHO đã khuyến nghị là 0,05g/decilit. Ở Úc quy định, nồng độ cồn trong máu ở mức thấp hơn đối với người mới lái xenhư 0,02g/decilit hoặc bằng 0, sau đó tăng thời gian giám sát”.
Theo PGS.TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phòng chống chấn thương, Trường Đại học y tế Công cộng, đa số các quốc gia áp dụng mức giới hạn nồng độ cồn trên 0 đều là những quốc gia phát triển, có điều kiện kinh tế và hạ tầng tốt hơn so với Việt Nam:
“Ở các nước có những quy định về nồng độ cồn cho phép khi lái xe lớn hơn không, đa phần có điều kiện giao thông tốt hơn Việt Nam, ý thức tham gia giao thông tốt. Chúng ta rất hay so sánh với cả nước phát triển như Úc Châu Âu, Nhật nhưng nếu chúng ta nhìn vào văn hóa giao thông của họ, họ tuân thủ làn đường, khoảng cách rất tốt. Các nước đã triển khai những quy định nồng độ cồn này rất nhiều năm, do vậy hình thành văn hóa, hành vi đã lái xe không được uống rượu bia từ rất lâu rồi”.
Theo ông Cường, việc xử lý vi phạm nồng độ cồn thời gian qua đã đạt kết quả bước đầu, góp phần hình thành ý thức mới cho người tham gia giao thông. Do vậy, việc nới giới hạn nồng độ cồn tại thời điểm này có thể làm đảo ngược thói quen an toàn, gây nguy cơ gia tăng tai nạn giao thông.