3 năm vận hành, đường Vành đai 2 trên cao không ai dọn rác?

Trận mưa đầu tháng 5 vừa qua đã khiến một đoạn dài trên Vành đai 2 trên cao (Hà Nội) đoạn từ Ngã Tư Sở – cầu Vĩnh Tuy bị ngập úng. Nguyên nhân được cho là bị ùn ứ rác thải.

Bun-dat-rac-tren-Vanh-dai-2-tren-cao-1.
Bun-dat-rac-tren-Vanh-dai-2-tren-cao-1.

Đáng chú ý đoạn đường này đã đưa vào khai thác toàn tuyến hơn 1,5 năm, nhưng đến nay chưa có đơn vị chịu trách nhiệm thu gom rác một cách chính thức.

Chính vì vậy, nhiều người tham gia giao thông đặt ra một câu hỏi có phải đường Vành đai 2 trên cao đoạn Ngã Tư Sở – cầu Vĩnh Tuy vẫn thân phận…con rơi, không ai dọn rác?

Thường xuyên di chuyển trên tuyến Vành đai 2 trên cao, đoạn từ Ngã Tư Sở – Cầu Vĩnh Tuy, ông Nguyễn Đình Toàn, lái xe taxi công nghệ tại Hà Nội và nhiều người tham gia giao thông bày tỏ sự ngao ngán khi trên tuyến đường này quá nhiều rác:

“Rác trên đấy rất nhiều mà không thấy dọn, vệ sinh gì cả. Mưa nó ùn lại rồi nó ngập, nó tắc”.

“Trên đấy nhiều rác, cát với cả các bụi, sạn đất cát.

– Mấy ngày mưa to anh thấy nước trên đó ra sao?

– Nó cũng có ứ đọng.

“Trời mưa lắng đọng lại, cát phủ vào thành ra bị nghẽn về đường ống thoát nước ở trên Vành đai 2 trên cao, vào trời mưa thì gây ra đoạn úng, làm ảnh hưởng đến giao thông nhiều”.

Vành đai 2 trên cao bị úng sau mưa lớn
Vành đai 2 trên cao bị úng sau mưa lớn

Căn cứ điều 8 Nghị quyết số 21/2022 của HĐND TP Hà Nội, đoạn từ Ngã Tư Sở – cầu Vĩnh Tuy là công trình cầu đường bộ trong đô thị nên trách nhiệm thu gom rác thuộc về chính quyền 4 quận: Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân nơi tuyến đường đi qua.

Tuy vậy, theo tìm hiểu của PV VOV Giao thông, sau 3 năm khai thác đoạn từ Ngã Tư Sở – Ngã Tư Vọng, và hơn 1 năm rưỡi khai thác toàn tuyến, đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành việc bàn giao về cho thành phố Hà Nội. Do vậy, trách nhiệm đảm bảo vệ sinh môi trường vẫn thuộc về chủ đầu tư.

Trong văn bản của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội ban hành vào cuối tháng 7/2023 gửi UBND TP Hà Nội, Sở này cũng đề nghị, sau khi bàn giao công trình đưa vào sử dụng, UBND các quận: Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân thực hiện công tác duy trì vệ sinh môi trường.

Đến tháng 8/2023 UBND TP Hà Nội có văn bản chấp thuận kiến nghị trên và yêu cầu Sở GTVT, các quận: Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân và Chủ đầu tư triển khai các công việc liên quan, đảm bảo thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường trên tuyến đường Vành đai 2 trên cao, đoạn từ Ngã Tư Sở – cầu Vĩnh Tuy theo đúng quy định.

Cũng vì tuyến đường chưa hoàn thành việc bàn giao nên việc thu gom rác chưa coi là trách nhiệm bắt buộc của chính quyền các địa phương. Đến nay, mới chỉ quận Đống Đa và Hai Bà Trưng thực hiện thu gom rác trên tuyến đường này.

Ông Ngô Thế Anh, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hai Bà Trưng cho biết: “Trong quá trình chờ đơn vị cấp trên, cấp thẩm quyền bàn giao chính thức công tác quản lý, thì chúng tôi đã có một số lần tổ chức công tác duy trì vệ sinh môi trường không thường xuyên trên đoạn tuyến này, chúng tôi có giao cho đơn vị cung ứng dịch vụ vệ sinh môi trường là Công ty TNHH MTV Đô thị Hà Nội chi nhánh Hai Bà Trưng thực hiện việc nhặt rác, không thường xuyên ở trên đoạn tuyến thuộc địa bàn quận Hai Bà Trưng”.

Theo nguồn tin của VOV Giao thông, ngày 10/01/2024, UBND quận Thanh Xuân đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận và các đơn vị liên quan tổ chức khảo sát tuyến Vành đai 2 trên cao đoạn qua bàn quận để chờ đến khi tuyến đường được bàn giao, sẽ chỉ đạo thực hiện vệ sinh môi trường.

Không riêng các quận bị động chờ đợi, các đơn vị quản lý đường cũng gặp khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ trên tuyến Vành đai 2 trên cao.

Bà Đỗ Thị Thanh Thủy – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Công trình Giao thông Hà Nội cho biết: “Vừa qua mưa ngập, chúng tôi cũng chưa được tiếp nhận quản lý, công ty với trách nhiệm của mình đã cử cán bộ và công nhân lên nạo vét vị trí lỗ thoát nước để được cải thiện hơn. Chính ra, vệ sinh môi trường này do các đơn vị quản lý môi trường của bên Sở Tài nguyên và Môi trường cũng như các quận huyện thực hiện công tác thu gom rác. Tuyến đường này rất nhiều phế thải, lấp đầy lỗ thoát nước, ảnh hưởng tới an toàn giao thông, vệ sinh môi trường”.

Xem thêm:

Cao tốc chưa bàn giao xong, trách nhiệm thuộc về ai?

Làm gì để xóa “điểm đen” TNGT trên cầu vượt Hoàng Hoa Thám?

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x