Cao tốc chưa bàn giao xong, trách nhiệm thuộc về ai?
Vụ việc cắt điện tối 12/4 tại một số nút giao lớn trên cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đã khiến cho tầm nhìn bị sụt giảm nghiêm trọng, nguy cơ mất toàn cho người và phương tiện. Nguyên nhân được cho là đơn vị mua điện đã chậm thanh toán tiền điện.
Ngay sau khi vụ việc này xảy ra nhiều người dân bày tỏ lo lắng, bởi không chỉ có tuyến này mà còn nhiều tuyến cao tốc khác đã thông xe kỹ thuật và đang trong quá trình bàn giao, nhưng nguồn kinh phí chi trả cho công tác quản lý, vận hành khai thác tạm lại chưa được xác định.
Vậy ai, đơn vị nào sẽ chi trả kinh phí bảo trì, vận hành các tuyến cao tốc trong giai đoạn lâm quản?
Anh Nguyễn Thanh Tùng người thường xuyên tham gia giao thông trên các tuyến cao tốc bày tỏ lo ngại và bất an nếu tình trạng cắt điện tiếp tục diễn ra trên các cao tốc thì nguy cơ mất ATGT rất cao, đặc biệt là vào buổi tối hoặc khi sương mù dày đặc việc di chuyển của các phương tiện ra vào các nút giao rất khó quan sát.
“Vào những ngày trời tối hay sương mù có những xe hỏng hóc trên đường hay có những sự cố bất thình lình, nhưng các nút giao bị cắt điện hoặc vì một lý do nào đấy không ánh sáng không đầy đủ, khi các tình huống giao thông không được phát hiện ra ngay hoặc phát hiện ra sớm sẽ dẫn đến những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Tôi đề nghị phải có một chính sách như thế nà đó để người tham gia giao thông trên các cao tốc được an toàn hơn”, anh Nguyễn Thanh Tùng cho biết.
Trao đổi với PV VOV Giao thông, cán bộ một Ban QLDA cho biết nguồn kinh phí để chi trả cho công tác bảo trì, vận hành các tuyến cao tốc trong thời gian khai thác tạm vẫn chưa được xác định rõ. Bởi theo quy định hiện hành thì công trình sau khi hoàn thành, nghiệm thu xong phần hiện trường và hồ sơ hoàn công sẽ bàn giao cho đơn vị bảo trì, khai thác, sau đó mới đưa vào khai thác sử dụng.
Tuy nhiên, thời gian gần đây để sớm phát huy hiệu quả, một số dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phí Đông giai đoạn 1 sau hoàn thành tuyến chính đã cho phép thông xe kỹ thuật trước khi hoàn thiện hồ sơ và bàn giao cho đơn vị bảo trì, khai thác. Điều này chưa có tiền lệ, thậm chí là đang bất cập giữa nhu cầu thực tế và các quy định hiện hành.
“Theo luật hiện đang quy định sau khi bàn giao cho đơn vị quản lý, khai thác xong thì mới đưa vào khai thác sử dụng. Thế nhưng công trình giao thông trải dài cả trăm km, nếu để xong công trình và và hoàn thiện đầy đủ hồ sơ theo quy định rồi lúc đấy mới bàn giao cho đơn vị vận hành khai thác thì sẽ không đưa vào khai thác sớm được, bị lãng phí và tính hiệu quả sẽ bị giảm đi.
Hiện nay công trình giao thông đang gặp cái tồn tại đó, bị lệch giữa quy định với thực tiễn. Cái này Bộ GTVT đã làm việc với Bộ Xây dựng nhưng vẫn chưa có lời giải cho bài toán là hiện nay chưa bàn giao mà đã đưa vào khai thác không phải chỉ riêng tiền điện mà ngay cả chi phí vận hành, khai thác cũng chưa giải quyết được”, cán bộ một Ban QLDA cho biết
Một cán bộ Ban QLDA khác cũng khẳng định, theo hợp đồng xây dựng nhà thầu không có trách nhiệm quản lý, khai thác sau khi đã thông xe và chủ dự án đã tiếp nhận sản phẩm, đưa vào khai thác. Thế nhưng trong năm 2023, nhiều dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông gia đoạn 1 đã hoàn thành tuyến chính và đưa vào khai thác tạm như: Quốc lộ 45 – Nghi Sơn, Nghi Sơn – Diễn Châu, Cam Lộ – La Sơn, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây, Mỹ Thuận – Cần Thơ đều đang trong thời gian bàn giao. Như vậy, trách nhiệm vẫn thuộc về nhà thầu và chủ đầu tư:
“Khi chưa bàn giao xong thì trách nhiệm theo đúng hợp đồng vẫn thuộc nhà thầu và chủ đầu tư. Bởi trong hợp đồng xây lắp bao giờ cũng có 1 câu HĐ từ ngày này tháng này đến ngày tháng này bàn giao cho đơn vị quản lý khai thác. Thế nhưng hiện nay mình đã thông xe theo HĐ gốc nhưng mọi người chưa tính đến thời gian từ khi xong bàn giao cho đơn vị quản lý, cái này nó sẽ mất thời gian và chính cái khoản này đang bị mắc lại.
Bởi về nguyên tắc là phải bàn giao xong hiện trường theo đúng thiết kế kĩ thuật và hồ sơ hoàn công, quản lý chất lượng cũng phải xong và khi bàn giao thì phải bàn giao cả 2 hạng mục này. Hiện nay khâu này bị chậm, hiện trường có thể xong nhưng các hồ sơ còn lại có thể sẽ bị chậm, như thế về nguyên tắc vẫn phải do nhà thầu và chủ đầu tư”.
Chia sẻ với VOV Giao thông, TS. Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng Bộ môn Quy hoạch và Quản lý GTVT (Trường ĐH GTVT) nêu quan điểm, trong tình huống này trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư dự án cao tốc:
“Trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư, bởi chủ đầu tư là người quyết định tất cả các vấn đề liên quan đến đầu tư và đưa vào khai thác vận hành 1 dự án. Chủ đầu tư phải có trách nhiệm hoàn thành toàn bộ các vấn đề liên quan đến pháp lý và lựa chọn đơn vị vận hành, thông thường bước này chúng ta là chậm nên không kịp tiến độ. Vì thế, khi lãnh đạo cấp tren yêu cầu đưa công trình vào khai thác sử dụng dẫn đến chúng ta chưa hoàn thiện được pháp lý kịp thời, nên trác nhiệm cuối cùng vẫn là chủ đầu tư.”
Để tránh tình trạng cắt điện, gây mất ATGT trên các tuyến cao tốc, các chủ đầu tư đang phối hợp với nhà thầu, đàm phán với điện lực để cố gắng duy trì điện tại các nút giao lớn trên cao tốc, trong tình huống tiếp tục bị cắt điện sẽ cắm thêm biển cảnh báo.
Trước mắt để đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác, các chủ đầu tư cũng đã đàm phán với các đơn vị khai thác tạm, thống nhất vẫn sẽ hỗ trợ nhau cho đến khi dự án được bàn giao. Hiện các Ban QLDA đã có văn bản báo cáo Bộ GTVT, sau khi được cơ quan quản lý có thẩm quyền chấp thuận về nguồn kinh phí, các Ban QLDA sẽ giải quyết ngay dòng tiền cho đơn vị bảo trì, vận hành khai thác tạm.