Vì sao cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi chậm khắc phục hư hỏng?
Gần đây Giao thông nhận được phản ánh của người dân thường xuyên lưu thông trên cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi về tình trạng nhiều vị trí mặt đường bị ổ gà, bong tróc, hằn lún vệt bánh xe và lún võng đường dẫn hai đầu cầu, nhưng chưa được khắc phục kịp thời, nguy cơ mất an toàn giao thông.
Vậy đâu là nguyên nhân khiến cho mặt đường tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi hư hỏng và chậm được khắc phục? Kế hoạch khắc phục các tồn tại này như thế nào?
Là người thường xuyên lưu thông trên tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, anh Nguyễn Minh Sỹ ở Quảng Ngãi cho biết, tình trạng mặt đường cao tốc bị hư hỏng, lún võng đường dẫn hai đầu cầu đã xảy ra khá lâu, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được khắc phục sửa chữa, nguy cơ tai nạn và mất an toàn khi lưu thông với tốc độ cao và trong điều kiện thời tiết xấu.
Anh Nguyễn Minh Sỹ cho biết: “Tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi và ngược lại giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa 2 địa phương, tuy nhiên thời gian gần đây tôi thấy mặt đường đã xuống cấp, nhiều xe trọng tải lớn lưu thông nên đã tạo ra hằn lún vệt bánh xe, đặc biệt là những điểm kết nối giữa cầu và mặt đường đã lún xuống rất sâu. Xe đi qua nhũng vị trí này với tốc độ cao thì rất là nguy hiểm, độ sóc rất lớn, đặc biệt là khi mùa mưa bão đang đến, các vị trí này càng nguy hiểm hơn so với ngày bình thường. Rất mong cơ quan chức năng có những biện pháp khắc phục, sửa chữa để làm sao mặt đường đảm bảo an toàn khi lưu thông trên đường”
Cũng là người thường xuyên di chuyển trên cung đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, anh Trần Văn Minh ở Đà Nẵng cho biết, anh vô cùng lo lắng về vấn đề an toàn trên tuyến đường này. Đặc biệt là đoạn từ hầm Núi Eo đi ra đến Túy Loan, mặt đường rất xấu, xuất hiện nhiều điểm hằn hún vệt bánh xe và lún võng đường dẫn tại các đầu cầu:
“Thật ra mặt đường cao tốc nó bị thế lâu nay rồi, nhất là đoạn từ hầm Núi Eo đi ra đến Túy Loan (Đà Nẵng) đoạn này mặt đường xấu lắm, đi cực kỳ nguy hiểm, bởi đường bị lún, đi nó gập ghềnh, đi nhanh nó cứ bập bùng, ngồi đằng sau rất sóc nhiều lúc nhảy tưng tưng.
Và tất cả các điểm chớm vào đầu cầu của cả 2 đầu bây giờ nó lún xuống đi nó nhảy rất là kinh, nguy hiểm lắm, những người đi nhanh quá đến đó phát hiện không kịp, phanh gấp thì người đằng sau lại dúi dụi vào đuôi xe trước. theo tôi trên đoạn này không đủ tiêu chuẩn chạy 120km/h thì bắt buộc phải cắm biển giảm tốc độ hoặc có biển theo dõi lún chẳng hạn”
Lý giải về các tồn tại trên tuyến đường này, ông Bùi Đình Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý khai thác, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quãng Ngãi có chiều dài 139,2 km do VEC làm chủ đầu tư, được đưa vào vận hành khai thác từ năm 2017. Thống kê cho thấy, lưu lượng phương tiện lưu thông trên tuyến này trung bình đạt khoảng 6000 xe/ngày đêm. Trong đó, xe tải chiếm 51,1% và xe tải nặng chiếm 32,5%.
Đây là tỷ lệ lớn hơn nhiều so với các tuyến đường cao tốc khác của VEC đầu tư và quản lý khai thác. Việc xe tải nặng lưu thông thường xuyên (thậm chí có thể có xe quá tải) đã ảnh hưởng đến chất lượng mặt đường, gây hằn lún vệt bánh xe.
“Về tình trạng mặt đường trong quá trình khai thác, chúng tôi thường xuyên rà soát, thống kê các vị trí hư hỏng trên tuyến. Tuy nhiên, đặc thù của dự án này là đến đầu năm 2024 mới có phán quyết của Tòa án và xác định được trách nhiệm của các bên, trong đó có trách nhiệm của nhà thầu liên quan đến khắc phục, sửa chữa những tồn tại liên quan.
Từ đó làm cơ sở pháp lý để VEC xây dựng Kế hoạch khắc phục sửa chữa mặt đường. Cụ thể, kế hoạch bảo trì năm 2024, VEC đã dành hơn 30 tỷ đồng sửa chữa đột xuất và hiện tại đã triển khai 1 gói thầu hơn 15 tỷ đồng sửa chữa hệ thống biển báo và những vị trí lún đầu cầu và ccs vị trí bong bật trên mặt đường”, ông Bùi Đình Tuấn cho biết.
Cũng theo ông Bùi Đình Tuấn, hiện nay Trung tâm Khai thác vận hành đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đã khắc phục được 13 vị trí ổ gà, đối với một số vị trí bong bật, hằn lún ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn giao thông, VEC đã chỉ đạo, đôn đốc Trung tâm huy động thiết bị, nhân lực khắc phục xong toàn bộ trước ngày 30/9/2024.
Cùng với đó, VEC đang nỗ lực đẩy nhanh thủ tục lựa chọn nhà thầu để triển khai gói thầu sửa chữa mặt đường với giá trị 15 tỷ đồng và sẽ hoàn thành trong tháng 11 năm 2024. Ngoài ra, để kiểm soát tình trạng xe quá tải đi vào tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, VEC đã triển khai Kế hoạch bố trí hệ thống cân kiểm soát tải trọng xe tại các điểm vào đường cao tốc, dự kiến đưa vào vận hành trong Quý I/2025.
Xem thêm :
TP.HCM chạy đua nước rút giải ngân đầu tư công
Sớm thay thế hạ tầng cũ đường sắt quốc gia
Hậu bão Yagi: Cây xanh, môi trường tại Thủ đô được thu dọn thế nào?