Tai nạn rình rập từ các thanh sắt ở dải phân cách trên cầu Thanh Trì

Thêm đánh giá

Mới đây ngày 17/4, một ô tô tải lưu thông trên cầu Thanh Trì (Hà Nội) đã bất ngờ mất lái, đâm vào dải phân cách, làm các thanh sắt nối văng ra, khiến 2 người đi xe máy bị thương.

Trước đó cũng đã xảy ra một số vụ việc ôtô đâm vào dải phân cách làm các thanh sắt văng ra đâm vào người tham gia giao thông thông, thậm chí đã có trường hợp tử vong. Từ các vụ việc này đang khiến cho người dân cảm thấy bất an khi lưu thông trên cầu Thanh Trì cũng như dấy lên lo ngại về nguy cơ mất ATGT bởi dải phân cách nửa mềm làm từ bê tông và các thanh sắt.

Chia sẻ với PV VOV Giao thông, anh Nguyễn Văn Thịnh người thường xuyên lưu thông trên cầu Thanh Trì bày tỏ lo ngại và bất an khi lưu thông trên cây cầu này, bởi chính mắt anh đã chứng kiến một số vụ đâm va khiến các ống thép nối với trụ bên tông ở dải phân cách trên cầu văng ra, gây thương vong cho người tham gia giao thông.

“Tôi hàng ngày làm việc bên Bắc Ninh nên tôi phải di chuyển thường xuyên từ Hà Nội qua cầu Thanh Trì để sang Bắc Ninh làm việc. Tôi đi trên cầu thấy có một số bất cập, tai nạn tôi hay nhìn thấy đó là ô tô các loại từ xe con đến xe tải thường xuyên đâm vào dải phân cách, đặc biệt là những thanh sắt xuyên qua các trụ bê tông làm văng thanh sắt ra gây tai nạn cho các bạn đi xe máy ở làn trong cùng, rất nguy hiểm và bất cập. Đề nghị các cơ quan chức năng nên thay thế bằng dải phân cách cứng bê tông kéo dài rất an toàn như ở cầu Vĩnh Tuy mới”, anh Thịnh cho biết.

Hiện trường một vụ tai nạn trên cầu Thanh Trì
Hiện trường một vụ tai nạn trên cầu Thanh Trì

Hiện trường một vụ tai nạn trên cầu Thanh Trì
Cũng thường xuyên di chuyển qua cây cầu Thanh Trì, anh Trần Văn Thanh từng chứng kiến những vụ đâm va vào dải phân cách gây các vụ tai nạn rất đáng tiếc. Theo anh Thanh việc lắp dải phân cách tách biệt giữa 2 dòng phương tiện ô tô và xe máy trên cầu là cần thiết, nhưng với dải phân cách bê tông kết hợp ống thép trên cây cầu này là không phù hợp và đang khá bất cập:

“Tôi hay đi qua cầu Thanh Trì này, tôi đã thấy có trường hợp xe con, xe tải đâm vào dải phân cách có ống sắt, có trường hợp đúng lúc có xe máy đi qua, thanh sắt đâm vào gây bị thương cho người tham gia giao thông. Tôi yêu cầu cơ quan chức năng thay thế để đảm bảo an toàn”.

Trao đổi với VOV Giao thông, ông Chu Ngọc Sủng – nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty tư vấn thiết kế GTVT khẳng định, việc lắp dải phân cách tách biệt giữa 2 dòng phương tiện ô tô và xe máy trên cầu Thanh Trì đã giúp người dân đi lại thuận tiện hơn. Tuy nhiên, dải phân cách được kết hợp giữa các khối bê tông và các ống thép rõ ràng là không an toàn. Theo ông Sủng việc thiết kế dải phân cách cho cầu, đường cần phải được nghiên cứu có hệ thống và được tính toán kĩ, làm sao đảm bảo tính mạng người dân là ưu tiên số 1.

“Đúng là việc kết hợp giữa các ống thép với các khối bê tông là không an toàn, dải phân cách cần phải cân nhắc cẩn thận, phải làm rất cẩn trọng làm sao đảm bảo tính mạng của người dân. Thứ nhất nếu xe có va chạm vào thì nó sẽ trượt trên đó và thứ hai nó phải đủ chắc để không bị hư hỏng khi bị đâm va.

Tuy nhiên dải phân cách ở VN chưa được nghiên cứu một cách có hệ thống vì sợ mất nhiều tiền, cho nên nhiều khi những thiết kế rất vội vã. Theo tôi tốt nhất dải phân cách nên làm bằng hệ thống composite vừa nhanh lại vừa an toàn cho người dân đi lại”, ông Sủng nói.

Người dân cho rằng, việc lắp dải phân cách tách biệt giữa 2 dòng phương tiện ô tô và xe máy trên cầu là cần thiết, nhưng với dải phân cách bê tông kết hợp ống thép trên cây cầu này là không phù hợp và đang khá bất cập.
Người dân cho rằng, việc lắp dải phân cách tách biệt giữa 2 dòng phương tiện ô tô và xe máy trên cầu là cần thiết, nhưng với dải phân cách bê tông kết hợp ống thép trên cây cầu này là không phù hợp và đang khá bất cập.
Dưới góc nhìn khác, PGS.TS. Hoàng Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ – Bộ GTVT cho rằng, các giải pháp thiết kế dải phân cách có thể tham khảo các mô hình của nước ngoài, nhưng đều phải tuân thủ tiêu chuẩn thiết kế do nhà nước quy định và tùy khả năng đáp ứng của mặt cầu để lựa chọn giải pháp phù hợp:

“Cái này tôi nghĩ tư vấn họ sẽ tính, tùy diện tích mặt cầu để tính toán thế nào để có giải pháp phù hợp, đảm bảo các tiêu chuẩn nhưng cũng phải áp dụng linh hoạt, chứ không phải cầu này làm thế này thì cầu kia cũng làm như thế.”

Để đảm bảo an toàn, thuận tiện cho người và phương tiện di chuyển trên cầu Thanh Trì, thiết nghĩ các cơ quan chức năng của Hà Nội cần sớm có đánh giá và nhìn nhận lại mô hình dải phân cách nửa mềm đang triển khai. Đồng thời tập trung nghiên cứu các giải pháp thay thế sao cho phù hợp với kết cấu, trọng lượng thực tế của cây cầu này, tránh các tai nạn đáng tiếc xảy ra như thời gian vừa qua.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x