Tái diễn ùn ứ tại trung tâm đăng kiểm, xử lý ra sao?

Từ đầu tháng 4 đến nay, nhu cầu kiểm định phương tiện xe cơ giới của người dân tại TP.HCM tăng cao. Ghi nhận tại một số trung tâm đăng kiểm, cũng đã xảy ra tình trạng các phương tiện xếp hàng kéo dài chờ kiểm định.

Cục Đăng kiểm Việt Nam dự báo thời gian tới sẽ có 11 tỉnh, thành trên cả nước có nguy cơ bị ùn tắc tại các Trung tâm đăng kiểm, trong đó có TP.HCM. Do đó, Cục Đăng kiểm cũng đã có văn bản chỉ đạo Sở Giao thông vận tải các địa phương có biện pháp đảm bảo công tác đăng kiểm ổn định, an ninh.

Các đơn vị đăng kiểm chủ động bố trí phương tiện, nhân lực, thời gian để có thể đáp ứng, tránh xảy ra tình trạng ùn tắc như trước đây. PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Ngô Hải Đường – Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ, Sở Giao thông vận tải TP.HCM về vấn đề này. 

Các phương tiện đang được kiểm định tại dây chuyền của Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 50-03S, Sở GTVT, TP.HCM

PV: Theo phản ánh của người dân những ngày qua, lại xuất hiện tình trạng ùn tắc, xếp hàng chờ đợi kiểm định phương tiện tại nhiều Trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP.HCM. Ông có thể cho biết lý do tại sao lại có tình trạng này, và chúng ta đã xử lý vấn đề này như thế nào?

Ông Ngô Hải Đường: Trong tháng 4 vừa qua tình trạng ùn tắc như phóng viên đã đề cập xảy ra tại nhiều trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP.HCM. Nguyên nhân là do việc tăng số lượng phương tiện đến hạn đăng kiểm từ quý II, dẫn đến quá tải năng lực đăng kiểm của các trạm. Cục Đăng kiểm cũng đã dự báo và cảnh báo từ cuối năm 2023 cho các Sở GTVT, đặc biệt là Sở GTVT TP.HCM

Qua rà soát trong tháng 4, số lượng phương tiện có nhu cầu kiểm định vượt quá năng lực của các trạm đăng kiểm, vì vậy tình trạng này cũng đã xuất hiện như dự báo. Trong tháng 4 vừa qua, Sở GTVT cũng đã gửi văn bản thông báo đến các đơn vị liên quan cũng như các trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP.HCM và các hiệp hội vận tải hành khách, vận tải hàng hóa để các đơn vị này chủ động trong công việc của mình để từng bước hạn chế tình trạng quá tải dẫn đến ùn tắc.

Cụ thể đối với các trung tâm đăng kiểm, chúng tôi cũng đã yêu cầu các đơn vị chủ động trong việc lập kế hoạch hoạt động của đơn vị.

Nhiều phương tiện xếp hàng chờ kiểm định tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 50-03S, Sở GTVT, TP.HCM

Bên cạnh đó, cũng công bố công khai năng lực của đơn vị hàng ngày, để sau khi tiếp nhận đăng ký trên ứng dụng cũng như đăng ký trực tiếp tại trung tâm đăng kiểm thì phải công bố công khai năng lực để đảm bảo cho người dân có thể tính toán, lựa chọn  ngày và thời gian phù hợp. Bố trí lực lượng phối hợp với địa phương tổ chức phân luồng đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông.

Đồng thời, cần tăng cường ứng dụng công nghệ, sử dụng các nền tảng thanh toán trực tuyến để giảm thời gian xử lý hồ sơ.

Cùng với đó, bố trí nhân sự để giải quyết sớm nhu cầu của người dân. Cụ thể, chúng tôi khuyến khích các trung tâm tăng cường làm việc vào ngày nghỉ như thứ Bảy, Chủ nhật và kế cả ngoài giờ để giải quyết nhu cầu của người dân. Đối với các hiệp hội và doanh nghiệp vận tải, chúng tôi cũng khuyến khích các đơn vị chủ động đăng kiểm tại TP.HCM cũng như các trạm lân cận và lên kế hoạch chủ động đăng kiểm cho các phương tiện của mình.

PV: Trong thời gian tới, tình trạng này sẽ được các ngành chức năng dự báo như thế nào, thưa ông? 

img_1021-2003.

Ông Ngô Hải Đường – Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ, Sở Giao thông vận tải TP.HCM

Ông Ngô Hải Đường: Theo số liệu của Cục Đăng Kiểm dự báo, trong khoảng tháng 4, tháng 5, tháng 6 và đến tháng 9, số lượng các phương tiện đến hạn đăng kiểm tương đối lớn và ở một số thời điểm có thể vượt quá năng lực hoạt động của các trạm đăng kiểm.

Cục Đăng Kiểm cũng đã có khuyến cáo cho Sở GTVT và các trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP.HCM

PV: Ông có thể cho biết hoạt động kiểm định đối với các loại phương tiện xe ô tô điện trên địa bàn TP.HCM, kiểm định các phương tiện xe ô tô điện này có gì khác biệt so với các xe ô tô khác?

Ông Ngô Hải Đường: Đối với ô tô điện, thì bản chất vẫn là xe ô tô nên việc thực hiện trong công tác đăng kiểm cơ bản vẫn thực hiện các yêu cầu giống như động cơ đốt trong.

Cụ thể thì cũng phải thực hiện các hoạt động kiểm định bao gồm kiểm định tổng quát xe, kiểm tra phần trên của xe, kiểm tra trượt ngang qua bánh xe, hệ thống phanh, phần dưới gầm, lốp, hệ thống điện, đèn, còi, điểm khác biệt cơ bản của kiểm định xe ô tô điện là không cần kiểm tra khí thải.

Tuy nhiên cần kiểm tra thêm các hạng mục như pin, động cơ điện, hệ thống sạc. Các nội dung này cũng đã được quy định cụ thể trong Thông tư 08/2023 của Bộ Giao thông vận tải.

Công đoạn cuối kiểm tra đèn chiếu sáng của xe ô tô tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 50-03S, Sở GTVT, TP.HCM

PV: Mới đây, Sở GTVT TP.HCM đã có kế hoạch thành lập tổ kiểm tra hoạt động của các Trung tâm đăng kiểm. Vậy vấn đề này đã được triển khai như thế nào?

Ông Ngô Hải Đường: Hiện nay, đối với việc kiểm tra hoạt động của các Trung tâm đăng kiểm, Sở Giao thông vận tải đang lập các tổ để triển khai thực hiện công việc này và cũng sẽ thực hiện việc kiểm tra ngẫu nhiên đối với một số phương tiện đã được đăng kiểm.

Theo kế hoạch, bắt đầu từ quý II, quý III và quý IV sẽ triển khai. Hiện nay, đang hoàn chỉnh kế hoạch theo ý kiến đóng góp và thành lập các tổ theo nhân sự của các đơn vị. Khi nào triển khai, chúng tôi sẽ thông báo chi tiết

PV : Vâng, xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho Phóng viện chuyên mục cuộc trao đổi này.

Trước tình hình trên, Cục Đăng Kiểm Việt Nam khuyến nghị người dân nên sử dụng ứng dụng TTDK để tiện cho việc theo dõi thông tin, tình trạng xe tại các điểm đăng kiểm và đặt lịch. Để không bị đi lại nhiều lần, chủ xe và lái xe cần kiểm tra xe (khắc phục, sửa chữa nếu có) trước khi đem đến trạm đăng kiểm. Ngoài ra, người dân cần lưu ý chỉ đưa xe tới đăng kiểm khi đã gần ngày hết hạn, tránh tình trạng thời hạn còn nhiều ngày nhưng vì tâm lý nên đưa xe đi đăng kiểm sớm.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x