Phí bốc dỡ hàng hoá “thiếu mỏ neo”, doanh nghiệp xuất nhập khẩu bị “thả trôi”
Việc tăng phí xếp dỡ hàng hóa của các hãng tàu nước ngoài những tháng gần đây được cho là đang cao hơn gấp 3 lần mức điều chỉnh giá bốc dỡ container tại cảng biển Việt Nam theo Thông tư 39 của Bộ GTVT, với hàng chục loại phụ phí khác nhau, đang gây bức xúc cho DN xuất nhập khẩu VN.
Vậy việc tăng phí xếp dỡ hàng hóa của các hãng tàu nước ngoài hiện đang được quy định như thế nào? Với các hành vi tăng phí một cách tùy tiện như vậy, VN đã và đang có những chế tài và giải pháp gì? PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thương, Phó trưởng Phòng vận tải và dịch vụ hàng hải, Cục Hàng Hải VN xung quanh nội dung này.
PV: Việc tăng phí xếp dỡ hàng hóa của các hãng tàu nước ngoài đối với các DN xuất nhập khẩu VN hiện nay như thế nào? VN đã có quy định cụ thể về vấn đề này hay chưa?
Bà Nguyễn Thị Thương: Từ giữa tháng 2 năm 2024 đến nay, một số hãng tàu nước ngoài đã tăng phụ thu đối với hàng hoá xuất nhập khẩu tại cảng biển Việt Nam, đặc biệt là phụ thu THC, cao gấp 3 lần mức điều chỉnh theo Thông tư 39 có hiệu lực ngày 15/2/2024.
Trước khi các cảng biển VN điều chỉnh giá theo thông tư 39 thì mức giá THC mà hãng tàu nước ngoài đang thu cũng đã cao hơn rất nhiều so với giá mà cảng biển VN đang thu của chủ tàu nước ngoài. Cụ thể, các cảng đang thu với mức giá từ 36-57USD/container 20 ft nhưng hãng tàu đã thu mức giá từ 130-150USD/ container 20 ft, mức giá cao gấp 3 lần và từ giữa tháng 2/2024 đến nay hãng tàu tiếp tục điều chỉnh tăng giá phụ thu THC đối với hàng hóa xuát nhập khẩu bằng container, điều này tạo ra sự chênh lệch rất lớn.
Hiện nay, theo quy định tại Nghị định số 146 các hãng tàu khi điều chỉnh mức giá thì phải niêm yết công khai trước 15 ngày, nội dung này chưa thể kiểm soát được các hãng tàu tăng mức giá mà mới chỉ yêu cầu hãng tàu công khai minh bạch mức giá mà hãng tàu thu.
Bà Nguyễn Thị Thương: Hiện nay việc phụ thu của hãng tàu đang quản lý theo Nghị định 146, do vậy việc kiểm soát tăng giá của hãng tàu chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Tuy nhiên trong thời gian qua Cục Hàng hải VN đã có nhiều giải pháp, phối hợp với các cơ quan liên quan như: Cục Xuất Nhập Khẩu (Bộ Công thương), Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), làm việc với các hãng tàu trực tiếp vận tải hàng hóa container xuất nhập khẩu bằng đường biển, các hiệp hội chuyên ngành, các chủ hàng để bàn các giải pháp, quản lý chặt chẽ phụ thu của hãng tàu.
Đồng thời tổ chức kiểm tra, thanh tra, làm việc với hãng tàu để quản lý phụ thu. Ngoài ra chúng tôi đã có nhiều văn bản chỉ đạo các Cảng vụ hàng hải rà soát danh sách các hãng tàu điều chỉnh tăng phụ thu trong thời gian qua để có giải pháp cụ thể, nhằm điều chỉnh phụ thu cho phù hợp.
Cục Hàng hải Việt Nam cũng đã có văn bản yêu cầu các hãng tàu cân đối lại chi phí để làm sao giảm phụ thu cho chủ hàng Vn trong thời gian gần nhất. Và mới đây đã có một số hãng tàu cam kết giảm phụ thu trong tháng 4, tháng 5 này, chúng tôi cũng đã nhận được một số thông tin của hàng tàu niêm yết lại mức giá phụ thu gửi về cục hàng hải VN.
PV: Trước tình trạng này, có ý kiến cho rằng đã đến lúc phải siết lại công tác quản lý phụ phí đối với hãng tàu nước ngoài. Quan điểm của Cục Hàng hải VN về vấn đề này thế nào?
Bà Nguyễn Thị Thương: Luật giá sửa đổi năm 2023, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 và đang trong quá trình xây dựng các văn bản hướng dẫn luật giá. Vì thế Cục Hàng hải VN đã làm việc với cơ quản lý giá của Bộ Tài chính để bàn về các giải pháp nâng cao quản lý phụ thu của hãng tàu; Cục Hàng hải VN cũng đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT tiếp tục kiến nghị Bộ Tài chính bổ sung danh mục phụ thu của hãng tàu đối với hàng hoá container bằng đường biển vào danh mục hàng hoá, dịch vụ thuộc diện kê khai giá.
Theo đó, các hãng tàu khi áp dụng phụ thu phải nộp kê khai giá với cơ quan quản lý nhà nước, trong trường hợp hãng tàu điều chỉnh mức giá phụ thu thì cũng phải gửi cơ cấu giá về cơ quan quản lý nhà nước để tăng cường công tác quản lý.
Cục Hàng hải VN tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan để sửa đổi văn bản pháp luật, bảo đảm quản lý hoạt động vận tải hàng hoá xuất nhập khẩu hiệu quả, giảm chi phí vận tải và chi phí logistics.