Mô hình cổng trường an toàn, cần tổ chức giao thông hợp lý
Sở GTVT Hà Nội thí điểm mô hình cổng trường an toàn tại 3 địa điểm, trong đó có cụm trường tiểu học, THCS, THPT Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm.
Sau một thời gian hoạt động, mô hình này đã giúp các em học sinh đi bộ đến trường an toàn hơn, tuy nhiên vẫn còn một số bất cập trong công tác tổ chức giao thông tại khu vực này.
Cổng trường an toàn: Phụ huynh ủng hộ, mong tối ưu hơn
Thường xuyên đi bộ đến trường, em Phùng Thế H, học sinh lớp 4, trường Tiểu học Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) rất vui khi đường đến trường có thêm hàng cọc tiêu ngăn cách giữa làn xe đạp, xe cơ giới và làn cho học sinh đi bộ.
Dù có lúc em phải đi vòng ra ngoài do có xe đạp, xe máy đỗ chắn ngang lối đi bộ, song như vậy vẫn an toàn hơn.
Từ khi có thêm 4 gờ giảm tốc tại khu vực 2 cổng trường, em Nguyễn Văn Hùng, học sinh lớp 9, Trường THCS nhận thấy các phương tiện mô tô, xe gắn máy lưu thông qua đó đều phải giảm tốc độ, việc qua đường nhờ đó trở nên dễ dàng hơn:
“Cháu cũng hay đi vào những điểm gồ đó, vì kiểu đi vào đó họ sẽ phải đi lên, đi xuống nên phải giảm tốc, bật lên, bật xuống và họ đi chậm hơn”.
Mô hình cổng trường an toàn tại phường Trung Hòa, TP. Hà Nội
Theo khảo sát của phóng viên VOVGT, vào đầu giờ sáng 16/4, tại khu vực cổng trưởng THCS Xuân Đỉnh, nơi có hàng cọc tiêu ngăn cách phương tiện cơ giới và người đi bộ, thi thoảng mới có học sinh đi bộ trong hàng cọc tiêu.
Trong khi đó, tại địa điểm này không có vìa hè, mặt đường thắt cổ chai, một phía đường có cửa hàng photocopy, phía đối diện là dãy cửa hàng, siêu thị nên mật độ phương tiện qua lại đông đúc. Mỗi khi có khách hàng dừng tại cửa hàng photocopy, người đi bộ lại buộc phải đi vòng ra làn đường cho xe cơ giới. Ở phía đối diện, chỉ cần một phương tiện dừng đỗ cũng có thể khiến đoạn đường bị ùn ứ.
Ở góc độ phụ huynh có con thường xuyên tự đi bộ đến trường, anh Nguyễn Xuân Tuấn đánh giá cao sáng kiến hình thành làn đường đi bộ dành riêng cho học sinh bằng việc lắp các cọc tiêu trụ dẻo:
“Thứ nhất ô tô đi bên ngoài thì bên trong học sinh vẫn có lối để đi. Mọi khi giờ cao điểm, học sinh không có lối để đi. Giờ an toàn hơn nhiều vì ô tô không thể lấn vào đó, làn đó dành cho các cháu học sinh là hợp lý. Các cháu đi vẫn có lối đi dọc theo, bởi vì chỗ đó không có vỉa hè, bắt buộc phải làm như thế các cháu mới có lối đi”.
Cô Lê Thị Thu Hà, Hiệu trưởng trường THCS Xuân Đỉnh đánh giá cao về ý nghĩa của dự án trong việc đảm bảo an toàn cho học sinh đi lại vào giờ tan học, nhất là khi khu vực này có tới 3 trường học lại nằm ngay sát đường giao thông và thường xuyên xảy ra ùn cục bộ:
“Theo dự án, trước mỗi cổng trường có các gờ cho người đi bộ hay những cái gờ để qua đường giảm tốc độ, những ngõ xóm thông ra đường chính đều có những gờ để giảm tốc cho người đi đường.
Điều đấy cũng giúp cho các em học sinh được an toàn hơn. Các cổng trường, vỉa hè đều có làn đường dành riêng cho người đi bộ nên các con sẽ có lối đi bộ cũng đảm bảo an toàn cho các cháu. Về cơ bản rất hiệu quả, các thầy cô yên tâm hơn, các con đi an toàn hơn”.
Bán hàng gần khu vực cổng trường tiểu học Xuân Đỉnh, chị Bùi Thị Thu bày tỏ băn khoăn vì sự xuất hiện của hàng cọc tiêu vì bề ngang mặt đường hẹp, đây là khu vực có mật độ giao thông cao, nên dễ xảy ra ùn cục bộ vào giờ học sinh tan học đây :
“Nó cũng có cái lợi và cái hại. Lợi thì các cháu và những người đi bộ có làn đường riêng, còn đâu khi xe máy và ô tô ít nhiều cũng sẽ bị chậm lại một chút. Nhưng như thế cho trẻ con nó còn đi, như em thấy khối đứa lớp 1, lớp 2 bố mẹ có đón được đâu, chúng nó phải tự đi về, nếu không phân làn kiểu đấy thì chúng nó không tự đi được.”
Anh Nguyễn Văn Dũng, Ban Phụ huynh Trường Tiểu học Xuân Đỉnh cho rằng, khu vực này phương tiện ô tô, xe máy đi 2 chiều, khu vực cắm hàng cọc tiêu 2 bên đường đều có cửa hàng kinh doanh, chỉ cần một chiếc xe máy dừng trên làn cọc tiêu là học sinh phải đi sang làn xe cơ giới. Do vậy, cần xem xét lại công tác tổ chức giao thông:
“Giải pháp đấy không ổn lắm, không phù hợp vì gây tắc đường cục bộ, trẻ con đi trên đó không triệt để, các bạn ấy vẫn phải đi trên đường bình thường. Chật như thế, hai nữa còn có cả cửa hàng, người ta dựng một cái xe ở đấy rồi thì lấy đâu đường để đi.”
Cổng trường Tiểu học Nguyễn Du, Hà Đông, Hà Nội
Theo ông Nguyễn Tự Mạnh, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, dự án đã giúp nâng cao an toàn giao thông cho khu vực cổng trường, giúp người tham gia giao thông có ý thức nhường đường cho người đi bộ. Tuy nhiên, từ thực tế triển khai, các cơ quan chức năng cần xem xét, tổ chức lại giao thông cho phù hợp:
“Thứ nhất nó sẽ hạn chế được xe đỗ ở cổng trường, rồi xe đi qua phải chú ý hơn, tóm lại độ an toàn cao hơn, nhưng các tuyến đường không có vỉa hè, mọc lên hàng cột nó sẽ bị chật, có đoạn nó bị hẹp, không có vỉa hè thì thành ra nó bị hẹp lại.”
Dự án cổng trường học an toàn được thí điểm tại cụm trường tiểu học, THCS, THPT Xuân Đỉnh là 1 trong 3 dự án nằm nằm trong khuôn khổ Dự án sáng kiến Bloomberg Philanthropies vì ATGT đường bộ toàn cầu, giai đoạn 2021-2025.
Phương án thiết kế cổng trường an toàn đã được Sở GTVT Hà Nội và phía Bloomberg thống nhất sau hơn 6 tháng trao đổi. Dự án được chính thức triển khai từ tháng 12/2023 và việc lắp cọc tiêu được thực hiện vào đầu tháng 3/2024.
Một số ý kiến cho rằng, việc ưu tiên an toàn trước cổng trường học là điều cần thiết, tuy nhiên, để giảm thiểu tình trạng ùn tắc cục bộ vào giờ tan học, có thể tổ chức lại giao thông ở khu vực này theo hướng, chỉ cho phép ô tô đi 1 chiều vào 2 khung giờ cao điểm sáng, chiều.
Mặt khác, từ thực tế tổ chức giao thông cụm trường tiểu học, THCS, THPT Xuân Đỉnh cho thấy, trước khi thực hiện các dự án, các bên liên quan cần tổ chức khảo sát, tính toán lại tổ chức giao thông cho phù hợp ngay từ khi lên phương án triển khai tại từng điểm cụ thể.