Giảm TNGT liên quan đến xe máy: Con người là trung tâm, bớt phương tiện cơ giới

Thêm đánh giá

Số lượng các vụ tai nạn liên quan đến xe máy ngày càng tăng. An toàn cho người đi mô tô, xe máy là vấn đề quan tâm không chỉ của Việt Nam, các nước ở khu vực Đông Nam Á mà còn là vấn đề quan tâm hàng đầu toàn cầu.

Số lượng phương tiện xe máy tăng cao, tai nạn giao thông đối với người đi xe máy đang là vấn đề nhức nhối và là thách thức của nhiều quốc gia. Điều này ảnh hưởng đến quá trình thực hiện mục tiêu giảm số người tử vong vì tai nạn giao thông của Thập kỷ an toàn đường bộ lần thứ 2.

PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Etienne Krug, Giám đốc bộ phận các vấn đề xã hội quyết định đến sức khỏe, Tổ chức y tế thế giới (WHO) xung quanh nội dung này:

PV: Mục tiêu của Thập kỷ an toàn đường bộ toàn cầu lần thứ 2 (giai đoạn 2021-2030) là giảm được ít nhất 50% số lượng người tử vong và bị thương vào năm 2030. Năm nay là năm thứ 3 của kế hoạch này, ông đánh giá như thế nào về những kết quả mà các quốc gia đã và đang thực hiện?  

Ông Etienne Krug: Hiện tại, chúng tôi chưa có dữ liệu đầy đủ về số người thương vong vì tai nạn giao thông trong 3 năm đầu của thập kỷ này, nhưng chúng ta đã không đạt được mục tiêu giảm 50% số người thương vong do TNGT đã đề ra trong thập kỷ đầu tiên.

Tuy nhiên, có một số dấu hiệu đầy hứa hẹn. Chúng ta đã giảm được 5% số ca tử vong trên toàn thế giới, tương đương với tỷ lệ 16% trên 100.000 dân. Đây là những con số rất đáng khích lệ, và đặc biệt hơn nữa, có tới 45 quốc gia đã thực hiện giảm tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông trên 30%, trong đó có 10 quốc gia giảm được 50%.

Một số quốc gia có thu nhập cao đã thực hiện được mục tiêu giảm 50% số người thương vong vì tai nạn giao thông trong Thập kỷ vừa qua, đó là Nhật Bản, Na Uy hoặc Đan Mạch. Điều này có thể thực hiện ở ngay các quốc gia có thu nhập thấp.

Chiến lược mà chúng ta đang sử dụng là có thể nhân rộng những mô hình thực hiện hiệu quả trong giảm thiểu số người tử vong vì tai nạn giao thông sang các quốc gia khác.

Ông Etienne Krug, Giám đốc bộ phận các vấn đề xã hội quyết định đến sức khỏe, Tổ chức y tế thế giới (WHO).

Ông Etienne Krug, Giám đốc bộ phận các vấn đề xã hội quyết định đến sức khỏe, Tổ chức y tế thế giới (WHO).

PV: Để có thể đạt được mục tiêu đã đề ra của Thập kỷ an toàn đường bộ toàn cầu lần thứ 2, thời gian tới, Tổ chức y tế thế giới (WHO) có kế hoạch, chương trình hành động như thế nào?

Ông Etienne Krug: Chúng tôi có một kế hoạch hành động toàn cầu, bao gồm cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao tính an toàn của phương tiện giao thông, tuyên truyền và thực thi các quy định của pháp luật nhằm thay đổi hành vi của người lái xe, tăng cường hoạt động cứu hộ nạn nhân tai nạn giao thông.

Trong thập kỷ an toàn đường bộ lần thứ nhất, chúng tôi tập trung cụ thể vào tốc độ, vì chạy quá tốc độ là một trong những yếu tố rủi ro lớn nhất dẫn đến tử vong tai nạn đường bộ.

Ngoài ra, chiến lược sẽ coi con người là trung tâm, giảm bớt các phương tiện cơ giới. Chiến lược tập trung vào các phương thức đi lại lành mạnh, bao gồm đi bộ, đi xe đạp và sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Nhưng để làm được điều đó, các tuyến đường cần được phải thiết kế an toàn cho người sử dụng.

Đây cũng là yếu tố rất quan trọng và sẽ được chú trọng thực hiện trong Thập kỷ an toàn giao thông đường bộ lần thứ 2.

PV: Với vị trí quản lý cấp cao của Tổ chức y tế thế giới, ông nghĩ như thế nào về mối quan hệ giữa giao thông và sức khỏe?

Ông Etienne Krug: Theo tôi, có một mối liên hệ chặt chẽ giữa giao thông vận tải và sức khỏe. Điều dễ thấy nhất là hậu quả của các vụ tai nạn giao thông đường bộ khiến nhiều người tử vong, bị thương hoặc trở thành người khuyết tật sau tai nạn.

Hoạt động giao thông vận tải còn khiến môi trường bị ô nhiễm khói bụi, ảnh hưởng tới sức khỏe người tham gia giao thông. Ùn tắc giao thông, còi xe còn gây ra căng thẳng và những vấn đề về sức khỏe tâm thần cho lái xe.

Do vậy, các quốc gia, các thành phố cần hướng tới các phương thức vận tải lành mạnh hơn, đó chính là đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng, đi bộ và đi xe đạp.

Những phương thức đi lại này nếu đảm bảo an toàn cho người dân, sẽ có tác động tích cực vì mang lại nhiều cơ hội cho hoạt động thể chất, giảm bớt ồn ào và ít gây căng thẳng hơn. Và vì vậy, chúng ta cần đầu tư để làm cho các phương thức vận tải này trở nên an toàn hơn vì mang lại nhiều lợi ích sức khỏe khác nhau.

Cá nhân tôi đi làm bằng xe đạp hàng ngày, mỗi ngày đi khoảng 40km cả đi và về. Điều này mang lại những lợi ích cho sức khỏe thể chất cũng như sức khỏe tinh thần của tôi. Tôi may mắn là tôi sống ở một đất nước tương đối an toàn về giao thông và tôi hy vọng, tất cả mọi người đều được tham gia giao thông an toàn.

Vấn đề an toàn cho người đi mô tô, xe máy là vấn đề được nhiều chuyên gia thảo luận tại Hội thảo về an toàn đường bộ tổ chức vào tháng 6/2024.

Vấn đề an toàn cho người đi mô tô, xe máy là vấn đề được nhiều chuyên gia thảo luận tại Hội thảo về an toàn đường bộ tổ chức vào tháng 6/2024.

PV: Một nội dung trọng tâm được quan tâm nhất trong Hội thảo về an toàn giao thông tổ chức mới đây là vấn đề an toàn cho người điều khiển mô tô, xe gắn máy. Xin ông cho biết, mục đích và ý nghĩa của việc thành lập một nhóm hỗ trợ kỹ thuật nâng cao an toàn cho các phương tiện xe 2, 3 bánh?

Ông Etienne Krug: Xe máy là phương tiện giao thông quan trọng ở Việt Nam và một số quốc gia lân cận. Tuy nhiên, hiện nay, phương tiện này đang ngày càng gia tăng ở một số nước ở  Châu Phi, Châu Mỹ Latinh và ở nhiều nơi trên thế giới và do vậy, số lượng người sử dụng xe máy cũng gia tăng. Tuy nhiên điều đáng tiếc là số ca tử vong do xe máy cũng đang tăng lên và chúng ta cần phải làm gì đó để giải quyết vấn đề đó.

Vì vậy, chúng tôi đã thành lập một Ủy ban cố vấn kỹ thuật để xem xét những nguyên nhân gây tử vong của tai nạn xe mô tô, xe gắn máy. Từ đó, đề xuất những biện pháp để giải quyết và ngăn chặn các trường hợp tử vong liên quan đến các phương thức vận tải này.

Chúng tôi sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa vì sự an toàn đối với tất cả những người tham gia giao thông khác nhau nhưng vấn đề an toàn cho người điều khiển xe máy là vấn đề quan tâm hàng đầu.

PV: Ông có khuyến nghị gì đối với Việt Nam để giảm thiểu các tai nạn liên quan đến các phương tiện mô tô, xe gắn máy ?

Ông Etienne Krug: Một mặt, chúng ta cần tập trung vào người điều khiển xe máy, đảm bảo họ chạy đúng tốc độ, không uống rượu khi lái xe, phải có quy định pháp luật rõ ràng và thực thi pháp luật tốt. Mặc dù, tỷ lệ đội mũ bảo hiểm tại Việt Nam đã tăng lên rất nhiều nhưng theo tôi, vẫn cần tiếp tục được kiểm soát. Người điều khiển xe máy bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm có chất lượng và phải được cài quai đúng cách.

Chúng ta cũng cần nghiên cứu các phương thức vận tải thay thế xe mô tô, xe gắn máy, những phương thức vận tải này đảm bảo người dân đi bộ và đi xe đạp một cách an toàn. Đây là cách thức đi lại tích cự, nhờ vậy giúp người dân trở nên khỏe mạnh hơn. Các quốc gia trong đó có Việt Nam cũng cần đầu tư vài hệ thống phương tiện giao thông công cộng tốt, đầy đủ, an toàn, chi phí đi lại hợp lý để thay thế cho xe máy.

Xem thêm:

Quốc hội “chốt” quy định cấm lái xe có nồng độ cồn

Giấy phép lái xe sẽ có 12 điểm, nếu vi phạm sẽ bị trừ điểm

Xe container gây tai nạn liên hoàn trên xa lộ Hà Nội

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x