“Giải cứu” kẹt xe ở quận Gò Vấp

Thêm đánh giá

Thời gian gần đây nhiều tuyến đường ở quận Gò Vấp (TP.HCM) như đường Nguyễn Thái Sơn, Hoàng Minh Giám, Phan Văn Trị, Dương Quảng Hàm… liên tục xảy ra ùn ứ giao thông với chiều hướng ngày càng phức tạp gây ảnh hưởng tới việc đi lại của người dân.

Gò Vấp nằm ở phía bắc của TP.HCM, được đánh giá là một trong những quận còn quỹ đất lớn, nhưng đang phải đối mặt với tình trạng kẹt xe triền miên. Mặc dù có diện tích rộng gần 20 km2, nhưng quận Gò Vấp lại là nơi có mật độ dân số rất cao.

Người dân sống tại quận Gò Vấp khi vào các quận phía trung tâm thường xuyên phải đối mặt với tình trạng kẹt xe triền miên, đặc biệt là vào giờ cao điểm.

Giao thông trên tuyến đường Quang Trung luôn đông đúc
Giao thông trên tuyến đường Quang Trung luôn đông đúc

Có nhà ở quận Gò Vấp, anh Phương thường phải dậy sớm để tranh thủ đưa con đến trường và đi làm nhằm tránh kẹt xe. Theo anh Phương, những năm trở lại đây, giao thông nhiều tuyến đường ở quận Gò Vấp đang ngày càng phức tạp và trở nên nghiêm trọng hơn.

Anh Phương cho biết, các tuyến đường xung quanh nhà anh ở như Quang Trung, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Chiêu, Lê Văn Thọ…. Hầu như ngày nào cũng kẹt xe: “Chiều nào cũng kẹt, nó kẹt mà thấy sợ hãi luôn, kéo dài luôn. Mà kẹt xong người ta chui ngược qua An Hội, An Hội đâm ngược ra Phạm Văn Chiêu rồi kẹt luôn 2 đầu. Thêm 1 chỗ nữa kẹt là Lê Văn Thọ và Phạm Văn Chiêu, kẹt là do người ta đi mà người ta chẳng nhường nhau. Mà không có đèn xanh đèn đỏ mà băng ngang là lúc nào cũng kẹt chỗ đấy, nó khổ vậy.”.

Hành nghề chạy xe công nghệ, anh Đức (ngụ quận Bình Thạnh) cảm thấy sợ hãi mỗi khi có cuốc xe tại quận Gò Vấp vào khung giờ cao điểm chiều. Vì vào khung giờ đó, hầu như các tuyến đường ở Gò Vấp đều đông đúc xe cộ, cộng với việc đường xá nhỏ hẹp nên việc thoát được những tuyến đường ở khu vực này là rất khó khăn: “Lượng xe du lịch, rồi xe taxi, xe 2 bánh quá trời nhiều cho nên khi nào cũng đông, rồi lớp học sinh về nữa đâm ra nó kẹt. Cứ để tình trạng như này kéo dài mãi thì thiệt hại đủ thứ, về tài chính, về phương tiện đi lại, rồi ô nhiễm môi trường..”.

Một trong những điểm kẹt xe của giao thông Gò Vấp là đường Nguyễn Thái Sơn, nơi mỗi sáng và chiều hàng nghìn phương tiện phải nhích từng chút một để vượt qua. Kẹt xe nghiêm trọng nhất nằm ở đoạn xổ dốc cầu vượt Nguyễn Thái Sơn về ngã 3 đường Phạm Ngũ Lão.

Việc ùn ứ lan rộng, kéo dài tại vòng xoay nằm dưới cầu Nguyễn Thái Sơn. Các tuyến đường xung quanh quận Gò Vấp như Hoàng Minh Giám, Nguyễn Kiệm, Dương Quảng Hàm… cũng liên tục xảy ra ùn ứ.

Theo anh Huy (ngụ quận Gò Vấp) do đây là một trong những tuyến đường huyết mạch nằm ở cửa ngõ Tân Sơn Nhất. Tuyến đường đóng vai trò quan trọng không chỉ đối với giao thông quận Gò Vấp mà còn kết nối giao thông trung tâm TP đến quận 12, TP. Thủ Đức. Chính vì vậy, nhiều năm qua, khu vực này phải gánh một lượng lớn phương tiện lưu thông, dẫn đến thường xuyên quá tải.

Quận Gò Vấp là cửa ngõ kết nối vào trung tâm thành phố nên áp lực giao thông rất lớn
Quận Gò Vấp là cửa ngõ kết nối vào trung tâm thành phố nên áp lực giao thông rất lớn

Không chỉ vậy, bên dưới cầu vượt Nguyễn Thái Sơn, dòng xe đổ xô từ các tuyến đường Phạm Văn Đồng, Nguyễn Kiệm, Hồng Hà, Hoàng Minh Giám vào đường Nguyễn Thái Sơn khiến khu vực “không còn lối thoát”: “Do lưu lượng người ta đổ về đường Nguyễn Thái Sơn cái đường chính, người ta đi ra An Phú Đông, quẹo về Lê Văn Khương, hướng này hướng kia thì người ta phải đi ngang qua Nguyễn Thái Sơn. Với lại thường mà sân bay chiều mà người ta đi ra thì người ta né Phạm Văn Đồng thì người ta đổ qua Gò Vấp thì nó lại kẹt chỗ đó.’

Để giải quyết vấn đề này, Sở GTVT TP.HCM đã triển khai nhiều giải pháp để phát huy hết khả năng đáp ứng của kết cấu hạ tầng giao thông hiện có. Tuy nhiên, do lượng phương tiện rất lớn vào giờ cao điểm nên việc ùn tắc giao thông vẫn thường xuyên xảy ra.

Để đảm bảo việc lưu thông tại khu vực, Sở Giao thông vận tải đã nghiên cứu một số giải pháp điều chỉnh tổ chức giao thông trên tuyến đường này và khu vực các tuyến đường xung quanh, bao gồm: Nguyễn Thái Sơn, Phạm Ngũ Lão, đường Nguyễn Kiệm,… theo đó, phương án nghiên cứu theo hướng điều chỉnh tổ chức đường một chiều theo hướng từ đường Nguyễn Kiệm đến đường Phạm Ngũ Lão.

Nút giao Nguyễn Thái Sơn và Dương Quảng Hàm
Nút giao Nguyễn Thái Sơn và Dương Quảng Hàm

Còn tại đường Nguyễn Kiệm (đoạn từ Nguyễn Thái Sơn đến Phạm Ngũ Lão) tổ chức hai chiều cho xe máy và một chiều cho ô tô theo hướng từ đường Phạm Ngũ Lão đến Nguyễn Thái Sơn. Đồng thời tín hiệu đèn giao thông cũng sẽ linh hoạt tự động điều chỉnh thời lượng, tùy theo lượng xe đi lại trên đường.

Ngoài ra, hiện nay trên đường Dương Quảng Hàm đang triển khai dự án Nâng cấp mở rộng đường Dương Quảng Hàm. Theo tiến độ dự án này dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2024, khi đó sẽ giảm áp lực trên đường Phan Văn Trị và Nguyễn Thái Sơn. Sở GTVT cũng sẽ phối hợp với UBND quận Gò Vấp và các đơn vị liên quan rà soát, đề xuất UBND TP.HCM bổ sung dự án mở rộng đường Lê Lai vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026-2030 khi cân đối được nguồn vốn. Việc mở rộng đường Lê Lai giúp người dân dễ dàng di chuyển từ đường Nguyễn Thái Sơn ra đường Phạm Văn Đồng và ngược lại.

Cầu vượt Nguyễn Thái Sơn luôn ùn tắc vào giờ cao điểm
Cầu vượt Nguyễn Thái Sơn luôn ùn tắc vào giờ cao điểm

Có thể thấy, bên cạnh đó, ngoài giải pháp mở rộng các tuyến đường và cải thiện hạ tầng giao thông, cần phân luồng lại 1 số tuyến đường để hợp lý hơn. Một giải pháp nữa để giảm kẹt xe cho quận Gò Vấp theo người dân là cần bố trí lại giờ ra và vào lớp của các trường học trên địa bàn cho hợp lý hơn:

“Mình phải phần luồng, ví dụ cái luồng rẽ trái trong giờ cao điểm ở ngã tư thì mình nên bỏ đi mình thay vào mũi tên đi thẳng và rẽ trái. Tại đó là cái nút thắt cổ chai nên khi qua cầu anh đang chạy trên đường tới đó phải giật vào trong mà giật vào trong thì ùn các xe sau. Mà nếu mà bất cập quá thì mình cho giờ thôi cũng được”

“Sẽ có giờ giấc cho nó hợp lý, tại người ta chỉ cần mất khoảng 15 phút. Tức là đến đón và đi, tức là trống thì người ta đón đi nhanh lắm. Còn không trống thì dồn lại thì nó sẽ bị kẹt, nên chênh lệch vậy thôi nhưng rất hiệu quả”.

Xem thêm:

Thủ Đức: Con đường “ám ảnh” khi cứ mưa là ngập

Thủ tướng chủ trì Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL

Hàng rong bủa vây hầm chui

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x