Gia tăng TNGT trên cao tốc đến từ nhiều nguyên nhân

Thêm đánh giá

 

Năm 2024 được xem là năm bùng nổ của hệ thống đường cao tốc ở Việt Nam, với hàng nghìn km đường cao tốc được đưa vào sử dụng. Bên cạnh hiệu quả và lợi ích của việc phát triển hệ thống đường cao tốc, thì rất nhiều thách thức mới cũng xuất hiện trong việc đảm bảo an toàn giao thông.

>>> Đi tìm lời giải “An toàn giao thông trên cao tốc”

>>> Truyền thông hiệu quả để nâng cao kỹ năng tham gia giao thông trên cao tốc

Hôm nay (16/5), Kênh VOV Giao thông tổ chức Hội thảo “An toàn giao thông trên cao tốc” với mục tiêu tìm kiếm những giải pháp phù hợp nhằm đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường cao tốc, đồng thời nâng cao hiệu quả truyền thông của VOV Giao thông về chủ đề này.

Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia, các nhà quản lý, lực lượng tuần tra kiểm soát, chủ đầu tư; cùng các nhà báo và những người làm công tác truyền thông trong lĩnh vực ATGT.

Lãnh đạo Đài Tiếng nói VIệt Nam và Kênh VOV Giao thông tham gia Hội thảo An toàn giao thông trên đường cao tốc

Lãnh đạo Đài Tiếng nói VIệt Nam và Kênh VOV Giao thông tham gia Hội thảo An toàn giao thông trên đường cao tốc

Các vị khách mời tham dự Hội thảo An toàn giao thông trên đường cao tốc

Các vị khách mời tham dự Hội thảo An toàn giao thông trên đường cao tốc

 

Ông Trang Công Tiến - Giám đốc Kênh VOV Giao thông

Ông Trang Công Tiến – Giám đốc Kênh VOV Giao thông

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trang Công Tiến – Giám đốc Kênh VOV Giao thông cho biết: Trong suốt 15 năm hình thành và phát triển, mục đích chủ đạo và xuyên suốt của Kênh VOV Giao thông là vì sự an toàn của người tham gia giao thông, góp phần giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông. Hội thảo “An toàn giao thông trên cao tốc” cũng là vì mục tiêu này.

Chúng tôi hy vọng qua hội thảo này, các vị đại biểu, các bạn đồng nghiệp sẽ đề xuất, gợi mở những đóng góp, sáng kiến cho những giải pháp góp phần đảm bảo an toàn giao thông trên cao tốc”.

Ông Phạm Mạnh Hùng- Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Ông Phạm Mạnh Hùng- Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Ông Phạm Mạnh Hùng – Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam chia sẻ: “Chúng ta có thể thấy từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng đến nay, một trong những nét ấn tượng nhất về sự phát triển của chúng ta là hệ thống hạ tầng giao thông.

Năm 2024 được xem là năm bùng nổ của hệ thống đường cao tốc ở Việt Nam, với hàng nghìn km đường cao tốc mới được đưa vào sử dụng. Rõ ràng hệ thống cao tốc đã và đang tạo ra nhiều xung lực phát triển kinh tế, xã hội, lưu thông hàng hóa.

Khi đi trên những tuyến cao tốc chúng ta rất tự hào về quê hương, đất nước mình.Tuy nhiên, thời gian qua hệ thống cao tốc còn tồn tại nhiều bất cập với những vụ tai nạn giao thông liên tiếp xảy ra. Sự gia tăng của những vụ tai nạn giao thông này không phải hoàn toàn do lỗi của các tuyến đường cao tốc mà là nhiều nguyên nhân khác.

Do vậy, việc tổ chức Hội thảo “An toàn giao thông trên đường cao tốc” hôm nay với sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý sẽ là kênh cung cấp thông tin hữu ích cho các cơ quan quản lý nhà nước, đưa ra giải pháp nhằm góp phần đảm bảo an toàn giao thông trên cao tốc”.

Ông Đặng Văn Chung - Đại diện Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ ATGT, Tổng cục đường bộ Việt Nam

Ông Đặng Văn Chung – Đại diện Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ ATGT, Tổng cục đường bộ Việt Nam

Thành tựu và thách thức

 

Đường bộ cao tốc được hình thành đã và đang tạo động lực quan trọng giúp các địa phương mở ra không gian phát triển mới về kinh tế – xã hội trên địa bàn; đã hình thành nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch và là một trong những sản phẩm thu hút đầu tư hấp dẫn.

Có thể nói bằng quyết tâm cao độ và sự nỗ lực “vượt nắng, thắng mưa”, các công trình giao thông nói chung và cao tốc nói riêng thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu. Thế nhưng bên cạnh đó cũng có không ít thách thức.

“Một trong những yêu cầu và điều kiện nghiêm ngặt khai thác đường cao tốc là phải đảm bảo an toàn giao thông mức rất cao để hạn chế tối đa tai nạn giao thông và tắc nghẽn giao thông. Vì khi xảy ra tai nạn giao thông trên đường cao tốc thì mức độ thiệt hại về người và tài sản rất lớn.

Do đó, cần tuân thủ nghiêm việc áp dung quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định pháp luật từ các bước phê duyệt đầu tư, khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, nghiệm thu, đến khai thác, tổ chức giao thông. Cần áp dụng tối đa hệ thống giao thông thông minh với công nghệ mới nhất, tiên tiến, hiện đại nhất”, ông Đặng Văn Chung chia sẻ tham luận trong buổi Hội thảo.

Thượng tá Hoàng Sơn Ca - Phó trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt- Cục CSGT- Bộ Công an

Thượng tá Hoàng Sơn Ca – Phó trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt- Cục CSGT- Bộ Công an

Tai nạn chiếm tỉ lệ nhỏ nhưng rất nghiêm trọng

Theo thống kê từ năm 2014 đến hết năm 2023 trên các tuyến đường bộ phạm vi cả nước xảy ra 198.322 vụ tai nạn giao thông; trong đó, trên các tuyến đường bộ cao tốc xảy ra 1.015 vụ, làm chết 353 người, bị thương 810 người.

Số liệu trên cho thấy, tình hình tai nạn giao thông trên các tuyến đường cao tốc chiếm tỉ lệ nhỏ trong tổng số các vụ tai nạn giao thông đường bộ của cả nước. Tuy nhiên, nhiều vụ tai nạn giao thông trên cao tốc lại là những vụ tai nạn gây hậu quả rất nghiêm trọng. Thực tế này đòi hỏi sự nghiêm túc và hiệu quả trong công tác bảo đảm TTATGT trên các tuyến đường bộ cao tốc của lực lượng CSGT.

Công tác đảm bảo TTATGT trên các tuyến cao tốc vẫn còn gặp nhiều khó khăn do một số nguyên nhân:

“Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao, người điều khiển phương tiện vi phạm pháp luật về giao thông trên đường cao tốc vẫn diễn ra phổ biến, tập trung vào các hành vi chủ yếu là: Vi phạm tốc độ, tránh vượt sai quy định, đi không đúng phần đường, làn đường, điều khiển xe sau khi sử dụng rượu bia, chở quá tải, quá số người quy định, dừng đỗ, đón trả khách không đúng nơi quy định, người đi bộ, khách dừng bắt xe không đúng quy định dọc một số tuyến đường cao tốc,…

Hạ tầng giao thông đường cao tốc, trên một số tuyến chưa hoàn thiện, chưa bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn đường cao tốc ngay từ khi xây dựng, đưa vào khai thác, sử dụng, như không có dải phân cách cứng, chỉ có 1 làn đường cho 1 chiều xe chạy, không có làn dừng xe khẩn cấp hoặc có nhưng chưa bảo đảm bề rộng tiêu chuẩn, không đảm bảo hệ thống chiếu sáng ban đêm, tầm nhìn hạn chế; mở điểm mở cho phương tiện đi thẳng vào tuyến cao tốc,…”, Thượng tá Hoàng Sơn Ca chia sẻ trong phần tham luận tại buổi Hội thảo.

Ông Phạm Duy - Đại diện Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC)

Ông Phạm Duy – Đại diện Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC)

Góc nhìn từ chủ đầu tư 

Phải khẳng định thời gian qua, chính sự tham gia tích cực và hiệu quả của các chủ đầu tư đã và đang góp phần tạo chuyển biến về kết cấu hạ tầng giao thông, tạo đà cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước nói chung và các địa phương có tuyến cao tốc đi qua nói riêng.

Trong đó, công tác đảm an toàn trên các tuyến cao tốc cũng là một trong những yêu cầu được các công ty, đơn vị quan tâm hàng đầu. Vậy dưới góc nhìn của một chủ đầu tư, công tác đảm bảo ATGT trên đường cao tốc sẽ được thực hiện như thế nào? 

“Công tác tuyên truyền bảo đảm trật tự an toàn giao thông luôn được VEC xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt quan tâm, đẩy mạnh triển khai thực hiện nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của người tham gia giao thông; xây dựng văn hóa ứng xử văn minh; góp phần hạn chế ùn tắc, kéo giảm tai nạn giao thông.

Trong thời gian qua, VEC luôn tích cực, chủ động, kịp thời tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đến người tham gia giao thông nói chung và toàn thể cán bộ, nhân viên, người lao động nói riêng”, ông Phạm Duy chia sẻ trong phần tham luận tại buổi Hội thảo.

PGS.TS Vũ Anh Tuấn - Đại học Việt Đức

PGS.TS Vũ Anh Tuấn – Đại học Việt Đức

ATGT đường cao tốc nhìn từ thế giới

Theo Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, mỗi năm, trên thế giới có khoảng 1,3 triệu người tử vong và 50 triệu người bị thương do tai nạn giao thông. Hạn chế tai nan giao thông, đặc biệt là trên các tuyến đường cao tốc đang là nỗ lực chung của nhiều quốc gia trên thế giới. 

Chúng ta có thể tham khảo những khía cạnh nào từ kinh nghiệm trong công tác đảm bảo ATGT trên cao tốc của các quốc gia?

PGS.TS Vũ Anh Tuấn – Đại học Việt Đức chia sẻ trong phần tham luận tại buổi Hội thảo: “Xu hướng của các hệ thống giao thông các nước trên thế giới là tiếp cận với an toàn đường bộ dựa trên tiền đề: Thương vong là không thể chấp nhận được và có thể phòng tránh được. Cách tiếp cận này hướng đến mục tiêu đảm bảo người đi đường không chịu tác động của lực va chạm khiến cho họ bị tử vong hoặc thương tật nặng vĩnh viễn. 

Sẽ không còn tư duy cho rằng, những người đi đường chịu trách nhiệm toàn bộ trong việc tránh các vụ va chạm xe cộ gây thương vong. Mà trách nhiệm cần được chia sẻ trên các khía cạnh: Thiết kế cơ sở hạ tầng đường, giới hạn vận tốc, kỹ thuật an toàn phương tiện, giáo dục, pháp luật và giám sát thi hành pháp luật, cấp phép lái xe hiệu quả, hệ thống cấp cứu đạt tiêu chuẩn.  

Về kinh nghiệm của Nhật Bản, PGS.TS Vũ Anh Tuấn cho biết, tại nước này, 20% trong 14.000km cao tốc là loại 2 làn 2 hướng. Tỉ lệ tử vong ở hình thái cao tốc này gấp 2 lần tỷ lệ tử vong tính trên toàn mạng lưới đường cao tốc. Nguyên nhân chủ yếu là mất tập trung, buồn ngủ khi lái xe, lái ẩu (74%), đánh tay lái và phanh không hợp lý (14%), vượt giới hạn tốc độ (6%). 

Nhật Bản đã tối ưu vận hành, đảm bảo an toàn bằng cách sử dụng các làn 2+1, tức là linh động bố trí dải phân cách giữa khi thì 2 làn + 2 làn, khi thì 1 làn +3 làn và ngược lại”.

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn- Phó Hiệu trưởng Trường Đại học GTVT TP.HCM nhận định: Triển vọng của hệ thống đường cao tốc thông minh sẽ là: Nâng cao khả năng tích hợp và tự động hóa; Mở rộng chức năng; Cải thiện trải nghiệm người dùng; Tăng cường bảo mật và quyền riêng tư và Phát triển bền vững

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn- Phó Hiệu trưởng Trường Đại học GTVT TP.HCM nhận định: Triển vọng của hệ thống đường cao tốc thông minh sẽ là: Nâng cao khả năng tích hợp và tự động hóa; Mở rộng chức năng; Cải thiện trải nghiệm người dùng; Tăng cường bảo mật và quyền riêng tư và Phát triển bền vững

Cao tốc thông minh

Vừa qua, Bộ GTVT đã có văn bản gửi đề nghị triển khai đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống giao thông thông minh trên các tuyến đường bộ cao tốc nhằm góp phần nâng cao hiệu quả trong quản lý, vận hành và đảm bảo an toàn giao thông cao tốc.

Dự kiến đến năm 2025, sẽ xây dựng quy hoạch hệ thống giao thông thông minh quốc gia đến năm 2030 và hoàn thiện các văn bản pháp luật cho đầu tư, khai thác hệ thống này.

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn- Phó Hiệu trưởng Trường Đại học GTVT TP.HCM nhận định: Triển vọng của hệ thống đường cao tốc thông minh sẽ là: Nâng cao khả năng tích hợp và tự động hóa; Mở rộng chức năng; Cải thiện trải nghiệm người dùng; Tăng cường bảo mật và quyền riêng tư và Phát triển bền vững.

PGS.TS. Phạm Thị Anh, Viện trưởng Viện Nghiên Cứu - Đào tạo Đèo Cả, Trưởng Bộ môn An toàn và Môi trường, Trường Đại học GTVT TP.HCM

PGS.TS. Phạm Thị Anh, Viện trưởng Viện Nghiên Cứu – Đào tạo Đèo Cả, Trưởng Bộ môn An toàn và Môi trường, Trường Đại học GTVT TP.HCM

Yếu tố con người – người lái xe

Tham gia giao thông trên đường cao tốc giúp tiết kiệm được thời gian, công sức. Thế nhưng, việc di chuyển với tốc độ cao yêu cầu người lái phải được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, bên cạnh đó là sự đảm bảo về yếu tố sức khỏe, tâm lý.

Bởi đã có không ít vụ tai nạn trên cao tốc đã xảy ra, để lại hậu quả nghiêm trọng mà nguyên nhân là do những sai sót của con người. Vậy có những yếu tố nào có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của người lái xe?

Trong phần tham luận, PGS.TS Phạm Thị Anh chia sẻ: “Các tài liệu hướng dẫn an toàn giao thông trên cao tốc cần hướng tới yếu tố con người. Và thực tế, hiện nay, yếu tố này cũng đang rất thiếu tài liệu trong thiết kế đường cao tốc, an toàn giao thông trên đường.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra về các yếu tố ảnh hưởng tới người lái, như: Ảnh hưởng của biển báo hiệu, sự mệt mỏi của lái xe, trạm dừng nghỉ.

Đơn cử như, để tránh khối lượng công việc trí óc quá lớn của người lái xe và ảnh hưởng đến hiệu suất lái xe, lượng thông tin trên biển báo không được quá nhiều, việc cài đặt biển báo nên sử dụng chỉ trên một bảng.

Độ buồn ngủ, thời gian phản ứng, và hiệu suất lái xe không ổn định tăng đáng kể theo thời gian, thời gian lái xe quá dài là yếu tố gây mệt mỏi đáng kể và là nguyên nhân tiềm ẩn gây ra tai nạn liên quan đến mệt mỏi. Kết quả chỉ ra rằng 80 phút là giới hạn an toàn cho việc lái xe trên đường cao tốc đơn điệu”.

Nhà báo Phạm Linh - Phó trưởng phòng Thư ký, Kênh VOV Giao thông

Nhà báo Phạm Linh – Phó trưởng phòng Thư ký, Kênh VOV Giao thông

Kết nối cung –  cầu thông tin

Những năm qua, VOV Giao thông thường xuyên trao đổi thông tin với Cục CSGT để phối hợp phỏng vấn, ghi hình, thực hiện các tọa đàm về tình hình đảm bảo an toàn giao thông trên đường cao tốc; phối hợp với Cục CSGT đưa tin có trọng tâm, trọng điểm về các kế hoạch, chuyên đề; đặc biệt là những đợt cao điểm ra quân xử lý các lỗi vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông trên đường cao tốc. Qua đó, nhiều vấn đề nóng, thời sự đã kịp thời truyền tải, góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. 

Liên quan đến việc tuyên truyền về an toàn giao thông trên đường cao tốc, trung bình mỗi năm VOV Giao thông thực hiện khoảng 300 tin, bài phóng sự, bản tin, chuyên đề, tọa đàm trên phát thanh và sản xuất khoảng 80 clip, chùm ảnh được đăng tải trên website vovgiaothong.vn và chuyển lên mạng xã hội.

Trong các chương trình Giờ cao điểm, đặc biệt là những dịp nghỉ lễ, Tết bình quân kênh VOV Giao thông nhận được khoảng 3000 cuộc gọi/tuần và hơn 1600/tuần thông tin từ mạng xã hội (Zalo, Fanpage của VOV Giao thông) chia sẻ thông tin giao thông hay hỏi về tình hình giao thông, về tình hình giao thông qua các trạm thu phí và công tác tổ chức giao thông phân luồng từ xa của lực lượng CSGT.

Nhà báo Phạm Linh nhấn mạnh trong tham luận: “Đây là một nguồn thông tin nhanh và hiệu quả để phối hợp với Cục CSGT nói riêng và lực lượng chức năng khác nói chung để kịp thời đem những thông tin hữu ích đến với thính giả và góp phần cùng Cục CSGT giải quyết các sự cố, các thông tin về ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông. 

Cùng với đó, Kênh VOV Giao thông thường xuyên phối hợp với lực lượng CSGT trong việc trích xuất hệ thống camera của VOV Giao thông, đem những thông tin, hình ảnh hữu ích để phối hợp với lực lượng chức năng giải quyết các sự cố va chạm, tai nạn giao thông một cách kịp thời, nhanh chóng”.

Nhà báo Huy Hoàng c

Nhà báo Huy Hoàng c

Nâng cao kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông trên cao tốc

Thời gian qua, Kênh VOV Giao thông cập nhật thường xuyên thông tin lộ trình, tình trạng giao thông trên các tuyến cao tốc, có nhiều loạt tin, bài , phản ánh những bất cập trong đầu tư xây dựng, quản lý vận hành, hạn chế trong quản lý khai thác và ý thức người tham gia giao thông trên đường cao tốc.

Quá trình tác nghiệp dù đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các Khu quản lý đường bộ, các phòng, ban chuyên trách của Cục CSGT Bộ Công An, Ban an toàn giao thông các địa phương, các chủ đầu tư, các đơn vị quản lý vận hành tuyến… Tuy vậy, theo nhà báo Nguyễn Huy Hoàng, Phòng Giao thông TP.HCM, Kênh VOV Giao thông, công tác cập nhật thông tin, tuyên truyền cũng gặp không ít khó khăn.

Xuất phát từ cơ chế phối hợp thông tin giữa VOVGT và các chủ đầu tư dự án, đơn vị quản lý vận hành tuyến chưa đủ mạnh và chặt chẽ để có thể đảm bảo có được thông tin đầy đủ, kịp thời.

Trong phần tham luận, Nhà báo Nguyễn Huy Hoàng đề xuất Bộ GTVT, Cục Đường cao tốc Việt Nam cần có cơ chế thống nhất trong thông tin giữa các đơn vị quản lý nhà nước với Kênh VOV Giao thông và các cơ quan báo chí (cử nhân sự phát ngôn, lập kênh thông tin trực tiếp).

Về phía các cơ quan báo chí truyền thông, nếu đủ điều kiện, có thể tìm giải pháp cung cấp thông tin dạng chuyên biệt cho lái xe theo lộ trình, khu vực đang di chuyển, lập mũ chương trình chuyên biệt về an toàn đường bộ cao tốc.

Nhà báo Phạm Trung Tuyến - Phó Giám đốc Kênh VOV Giao thông

Nhà báo Phạm Trung Tuyến – Phó Giám đốc Kênh VOV Giao thông

Kết thúc buổi Hội thảo, Nhà báo Phạm Trung Tuyến – Phó Giám đốc Kênh VOV Giao thông chia sẻ: “Việc tham giao giao thông trên cao tốc ở Việt Nam hiện vẫn còn nhiều tranh cãi giữa các chuyên gia, nhà quản lý. Tôi thấy thú vị với đề xuất của ông Chung về cao tốc phân kỳ đầu tư. Tôi khá bất ngờ khi trong khuôn khổ hội thảo được tổ chức gấp rút và trong phạm vi nhỏ, nhưng có thể đề cập nhiều khía cạnh “nóng” không chỉ trong thời điểm hiện tại mà trong khoảng 10 năm tới. Nhiều giải pháp từ các thầy đến từ các trường đại học GTVT rất có ý nghĩa.

Trong thời gian tới, cùng với sự hỗ trợ, đồng hành từ các cơ quan quản lý, chuyên gia, Kênh VOVGT cũng đẩy mạnh sự hợp tác, kết nối hơn nữa với các đơn vị đào tạo trong lĩnh vực giao thông để giúp chiều sâu thông tin của VOV Giao thông có chất lượng hơn nữa.

Hi vọng có thêm nhiều dịp để cùng ngồi lại vì mục đích chung đảm bảo an toàn giao thông. Đây là cơ hội để Kênh VOV Giao thông nâng cao chất lượng chương trình trong thời gian tới vì mục tiêu tuyên truyền, đảm bảo an toàn giao thông tới mọi người”.

Hội thảo “An toàn giao thông trên đường cao tốc” không chỉ vinh dự được đón tiếp và lắng nghe những ý kiến chia sẻ rất giá trị từ các vị khách mời, các anh chị phóng viên, BTV, kỹ thuật viên có mặt trực tiếp mà còn có sự quan tâm của các cơ quan quản lý, Ban ATGT các địa phương và nhiều chuyên gia trong lĩnh vực với những bài tham luận đã gửi về cho chương trình.

Có thể khẳng định đây đều là những thông tin rất hữu ích để các bên liên quan trong thời gian sớm nhất, có thể tìm ra giải pháp tối ưu góp phần nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên cao tốc.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x