Gần 8% số vụ TNGT xảy ra với học sinh vì cha mẹ dễ dãi giao xe
Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, năm 2023, 7,8% số vụ TNGT xảy ra với trẻ em. Quý 1/2024, TNGT với trẻ em cũng diễn biến phức tạp và chưa có chiều hướng giảm. Đáng chú ý, không ít vụ TNGT xảy ra khi các em điều khiển phương tiện giao thông khi chưa đủ tuổi.
Theo báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia, quý I năm 2024, toàn quốc xảy ra 6.550 vụ TNGT, làm chết 2.723 người, bị thương hơn 5.200 người. So với cùng kỳ năm 2023, tăng tăng 22,3% về số vụ, giảm 15,1% số người chết, tăng 54,3% số người bị thương.
Có 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2023, trong đó Long An, Hậu Giang, Bình Thuận giảm trên 45% số người chết do TNGT. Tuy nhiên, vẫn còn 5 tỉnh có số người chết tăng trên 50% trở lên là: Hà Giang, Đồng Tháp, Thừa Thiên – Huế, Lào Cai, Cà Mau.
Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, năm 2023, có khoảng 7,8% số nạn nhân thương vong do tai nạn giao thông là ở độ tuổi trẻ em, tương đương với khoảng 900 trẻ em tử vong và gần 1.200 bị thương. Quý I năm nay, tình hình TNGT liên quan đến trẻ em chưa có dấu hiệu giảm và đang diễn biến rất phức tạp.
Ông Nguyễn Trọng Hài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết, để nâng cao hiệu quả tuyên truyền trong lứa tuổi học sinh, tỉnh đã phối hợp với tòa án tổ chức các phiên tòa giả định trong trường học để nâng cao hiệu quả tuyên truyền: “Chúng tôi đã phối hợp với bên tòa án để tổ chức các phiên tòa giả định trong trường học để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời trong dịp hè sẽ phối hợp với địa phương, Đoàn Thanh niên để quản lý”.
Ngoài ý thức của trẻ em trong việc chấp hành Luật giao thông đường bộ, trách nhiệm của cha mẹ khi giao phương tiện cho con khi chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện, thống kê của Cục Đường bộ cũng cho thấy, cả nước có 3.930 cổng trường học tiếp giáp với Quốc lộ, trong đó chỉ có 685 cổng trường học tương đối an toàn, và có tới 3.200 cổng trường học không đảm bảo an toàn, cần có các giải pháp tăng cường ATGT.
Còn bà Hoàng Thị Dinh, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2009, giáo dục ATGT đã được đưa vào chương trình chính thức của giáo dục mầm non. Cùng với đó, từ năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Công an thực hiện chương trình tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT trong cac cơ sở giáo dục; đồng thời biên soạn các tài liệu hướng dẫn về ATGT để tuyên truyền trong các trường học.
Tuy vậy, bà Dinh cũng nhìn nhận, để đảm bảo ATGT cho học sinh, việc tuyên truyền về việc chấp hành Luật giao thông đường bộ cho các em đóng vai trò rất quan trọng, song một số trường hợp Ban ATGT một số địa phương, cả cấp tỉnh và huyện chưa thực sự phối hợp trong việc tuyên truyền về ATGT trong trường học:
“Theo báo cáo của các Sở Giáo dục và Đào tạo, còn một số tỉnh, huyện vẫn còn sự xa cách, khó khăn trong việc phối hợp, ví dụ cơ sở giáo dục mầm non mà có mời các đồng chí trong Ban ATGT đến dự hay tham gia, hay làm việc, hay phối hợp thì cũng rất khó khăn”.
Nhắc lại vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Lào Cai khi các em xé rào để lưu thông xe máy vào cao tốc, chạy ngược chiều, chạy hết tốc lực vào thời điểm trời nhá nhem tối… khiến cả 4 em tử vong, Bộ trưởng Bộ GTVT cho rằng, đây là tình huống nước ngoài không thể tưởng tượng ra. Rồi các vụ TNGT với trẻ em 13, 15 tuổi tại Bình Dương, Biên Hòa (Đồng Nai)…
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nhận định, trước diễn biến phức tạp của tình hình TNGT với trẻ em, cần xem xét, xử lý nghiêm trách nhiệm của cha mẹ khi giao xe cho con khi chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện:
“Chúng ta phải nêu cao tinh thần trách nhiệm của cha mẹ, các bậc phụ huynh trong việc làm hình mẫu cho thế hệ trẻ trong việc chấp hành pháp luật về ATGT. Ngoài ra các phụ huynh cũng phải dành thời gian để dạy dỗ, rèn luyện cho con em đủ kiến thức và kỹ năng trước khi giao xe. Cơ quan chức năng cũng phải xử lý nghiêm hành vi giao xe cho trẻ em khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe; phối hợp với nhà trường để có hình thức xử lý phù hợp với hành vi vi phạm”.
Một số ý kiến cũng cho rằng, nhà trường cần có sự phối hợp với các chuyên gia trong lĩnh vực này để thực hiện truyền thông sâu rộng đến học sinh và phụ huynh. Ngoài ra, việc xử lý hành vi giao xe cho con khi chưa đủ tuổi, đủ điều kiện điều khiển phương tiện, cũng cần đi kèm với việc truyền thông mạnh mẽ để tăng hiệu quả tuyên truyền đối với người dân, người tham gia giao thông./.
Xem thêm:
Ra mắt trung tâm Huấn luyện Cấp cứu chấn thương quốc tế đầu tiên tại Việt Nam
Đoàn Quản lý thị trường TP.HCM gặp tại nạn giao thông ở Kon Tum giờ ra sao ?