Đừng để tốc độ đánh cắp tương lai (Kỳ 1): Tăng tốc độ – giảm an toàn ở cổng trường

Thêm đánh giá

Hơn 17 triệu trẻ em nước ta hiện đang tham gia giao thông từ nhà đến trường 2 – 4 lượt mỗi ngày. Các em đi chung đường với các phương tiện khác, các em thiếu vỉa hè và không có hạ tầng dành riêng để đảm bảo an toàn.
Trong khi đó, xung quanh các trường học, lượng phương tiện giao thông lớn, di chuyển với tốc độ cao, thậm chí vượt quá tốc độ quy định tạo ra những nguy hiểm “rình rập” nơi cổng trường.

Giảm tốc độ – tăng an toàn cho học sinh là vấn đề trong loạt bài sẽ được đề cập nhằm bảo vệ thế hệ tương lai giữa những dòng phương tiện tốc độ cao.

Nhiều phương tiện di chuyển nhanh qua phố Hoàng Quán Chi bởi bình thường tuyến đường này khá vắng (1)
Nhiều phương tiện di chuyển nhanh qua phố Hoàng Quán Chi bởi bình thường tuyến đường này khá vắng

Khác hẳn với nhịp độ giao thông trung bình cả ngày, đến 16h30 chiều, phố Hoàng Quán Chi, quận Cầu Giấy, Hà Nội trở nên tấp nập hơn bởi một đoạn phố ngắn có 3 cổng trường ngay cạnh nhau, cả trường liên cấp và trường mầm non.

Nhiều phụ huynh tại đây lo lắng bởi bất chấp mặt đường nhỏ hẹp, nhiều phương tiện vẫn phóng nhanh, lạng lách, nguy cơ “gây họa” cho các em nhỏ:

“Trẻ con nhao ra chạy thì chắc chắn nhiều nguy hiểm. Ở đây đường vắng nên đi nhanh, trẻ con đi qua đường là đã sợ rồi”

“Đường đi của người ta thì người ta cứ đi thôi mà rất là nhanh, ở đây ùa ra khỏi cổng trường là thấy nguy hiểm, lo lắng lắm vì sơ sẩy một cái là có thể xảy ra tai nạn”.

Vào giờ đến lớp hay lúc tan học, nhiều cổng trường trên địa bàn quận Cầu Giấy, Ba Đình, Tây Hồ như Tiểu học Dịch Vọng B; Trung học cơ sở Nghĩa Đô; Tiểu học Hoàng Diệu, Hoàng Hoa Thám, Chu Văn An….đều rơi vào tình trạng đông đúc, lộn xộn.

Các trường đều nằm ở mặt đường có lưu lượng phương tiện lưu thông lớn; gần khu vực có chợ dân sinh, khu mua sắm, ẩm thực nên càng lộn xộn, phức tạp.

Trong bối cảnh đó, các phụ huynh lo ngại, chỉ một phương tiện đi nhanh, thiếu quan sát thì va chạm, tai nạn rất dễ xảy ra:

“Các em học sinh chưa ý thức được mức độ nguy hiểm như thế nào mà người ta đi vội vàng rất nguy hiểm cho các em học sinh”.

“Chiều này nhất là ô tô là phóng nhanh, nó phi ra là mình ngại lắm, phải đưa con tới tận trường, nó đi vào rồi mới yên tâm được”.

Khu vực cổng trường ở nhiều tuyến phố có nguy cơ mất an toàn giao thông (1)
Khu vực cổng trường ở nhiều tuyến phố có nguy cơ mất an toàn giao thông

Theo một khảo sát mới đây, riêng tại Hà Nội đang còn 152 vị trí cổng trường học có tình trạng ùn tắc và nguy cơ mất an toàn giao thông. Nhiều vụ tai nạn đau lòng đã xảy ra ngay tại khu vực cổng trường học, trong đó có những vụ mà nguyên nhân do phương tiện di chuyển với tốc độ cao:

Mới đây nhất, giữa tháng 10/2024, một bé gái tiểu học tại Cao Bằng tử vong khi chạy qua đường và va chạm với 1 xe máy. Trước đó, vào tháng 3/2023, một nữ sinh lớp 12 tại Quảng Bình khi tan học bị một chiếc xe tải đâm tử vong. Đáng nói là chiếc xe tải có dấu hiệu chạy ẩu, không giảm tốc độ, lấn làn gây ra tai nạn.

Không chỉ phụ huynh có nỗi lo về nguy hiểm ở cổng trường mà các thầy cô cũng luôn trăn trở về nguy cơ mất an toàn khi hàng trăm học sinh của mình túa ra mỗi khi tan học giữa dòng phương tiện đang phóng tốc độ cao.

Thầy giáo Lưu Văn Thông, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ, nguy cơ tai nạn xảy đến lớn hơn với các em học sinh tự đi đến trường, trong khi học sinh hiện nay có nhiều hoạt động ngoài giờ lên lớp, thời gian tan học có thể lệch nhau nên càng thêm khó cho việc đảm bảo an toàn:

“Cổng trường bây giờ ngoài thời gian cao điểm chính ra thì các khoảng thời gian khác vẫn có học sinh ra vào cổng trường, trường luôn mở cửa để đón hoặc học sinh ra, vì thế nguy cơ không phải trong giờ cao điểm nữa mà nguy cơ có thường trực trong bất cứ thời gian nào, các phương tiện di chuyển qua cổng trường cũng không thể biết chính xác các khung giờ để điều tiết tốc độ”.

Nhiều vụ tai nạn đau lòng đã xảy ra ngay tại khu vực cổng trường học, trong đó có những vụ mà nguyên nhân do phương tiện di chuyển với tốc độ cao. (1)
Nhiều vụ tai nạn đau lòng đã xảy ra ngay tại khu vực cổng trường học, trong đó có những vụ mà nguyên nhân do phương tiện di chuyển với tốc độ cao.

Các chuyên gia an toàn giao thông đã chỉ ra, điều đáng báo động khi tốc độ di chuyển của các phương tiện hiện nay thường xuyên vượt quá giới hạn tốc độ an toàn đối với khu vực trường học. Trong khi gờ giảm tốc và vạch sang đường ở các cổng trường không đủ là biện pháp để các phương tiện giảm tốc độ.

GS.TS Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp trường Đại học Giao thông vận tải dẫn một nghiên cứu của WHO khẳng định, giữa tốc độ và các vụ va chạm giao thông có liên quan chặt chẽ đến nhau. Nếu tăng tốc độ trung bình 1km/h có thể dẫn đến gia tăng 4-5% số vụ tai nạn giao thông. Ngược lại nếu giảm 5% tốc độ bình quân, có thể giảm đến 30% số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Khả năng gây tai nạn tăng cao trong khi cơ hội sống sót giảm đi nếu phương tiện di chuyển với tốc độ cao.

GS.TS Từ Sỹ Sùa nhấn mạnh nguy cơ mất an toàn khi chưa có các biện pháp kiểm soát tốc độ tại các khu vực cần đảm bảo an toàn như cổng trường: “Tốc độ mà không được hạn chế cụ thể sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Khi giảm được tốc độ từ 40km xuống 30km/h chẳng hạn thì tỷ lệ tai nạn giao thông có thể giảm sâu. Chúng tôi đã nhiều lần đề xuất giảm tốc độ qua các cổng trường học để đảm bảo an toàn”.

Tới nay, chưa có số liệu thống kê đầy đủ về số vụ tai nạn ở các cổng trường học nhưng thực tế cho thấy, đây là khu vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông, đặc biệt khi các phương tiện đi tốc độ cao qua khu vực này. An toàn ở cổng trường học cũng luôn là nỗi lo thường trực của các bậc phụ huynh.
Để tạo nên một môi trường an toàn cho học sinh, rất cần các mô hình kiểm soát tốc độ qua cổng trường học.

Xem thêm:

Hà Nội: Tập trung xử lý các vi phạm của xe ôm công nghệ

Làm vỉa hè cho người đi bộ hay cho xe dừng đỗ?

Tiếp tục nhận thêm máy bay, Bamboo Airways tăng cường khai thác nội địa và quốc tế

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x