Cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột khó tiếp cận thi công, làm sao để tháo gỡ?

Thêm đánh giá

 

Cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột có chiều dài 117,5 km, tổng mức đầu tư gần 21.000 tỉ đồng, được đánh giá là tuyến đường nối rừng với biển, được kỳ vọng là trục ngang kết nối vùng Tây nguyên với duyên hải Nam Trung bộ.

Dự án được chia thành 3 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công. Trong đó, Dự án thành phần 1 do UBND tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư, Dự án thành phần 2 do Bộ GTVT làm chủ đầu tư và dự án thành phần 3 do UBND tỉnh Đắk Lắk làm làm chủ đầu tư.

Việc triển khai thi công Dự án thành phần 2 được đánh giá là khó khăn nhất hiện nay bởi địa hình núi non hiểm trở, nhà thầu khó tiếp cận thi công, dẫn tới tiến độ đang chậm so với kỳ vọng. Vậy làm sao để tháo gỡ những khó khăn này?

PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi của với ông Trần Hữu Hải, Giám đốc Ban QLDA 6 – đại diện chủ đầu tư dự án thành phần 2 xung quanh nội dung này. 

PV: Xin ông cho biết việc triển khai dự án thành phần 2, thuộc dự án xây dựng đường cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột đang gặp những khó khăn, trở ngại gì?

Ông Trần Hữu Hải: Đoạn thành phần 2 có chiều dài 37km, vượt 2 đèo, đúng nghĩa là đi giữa đại ngàn Tây Nguyên, một trong những đoạn tuyến có địa hình khó nhất so với các tuyến cao tốc hiện tại. Trong 37km phải đục tới 4 hầm và nhiều cầu cấp đặc biệt – nghĩa là cầu có trụ cầu rất cao, có những trụ cao tới 63m, phải thi công bằng cẩu tháp chứ không thể thi công theo phương pháp thông thường được. Như vậy là địa hình hết sức khó khăn, các giải pháp thiết kế phải được nghiên cứu rất kỹ và đã tìm được hướng đi như vậy.

Một vấn đề nữa là do tuyến đi vào rừng, do đó công tác chuyển mục đích sử dụng rừng đang trong quá trình triển khai, về chủ trương Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý vào ngày 15/12/2023, sau đó các chủ thể khác đã hoàn thành thủ tục và tỉnh Đắk Lắk cũng đã chấp thuận chuyển mục đích sử dụng rừng vào cuối tháng 4/2024.

Tuy nhiên, ở đây cơ bản là rừng tự nhiên nên thuộc quyền quản lý của cơ quan nhà nước, do đó phải thực hiện công tác đấu thầu tận thu lâm khoáng sản khoảng 9.30m3 gỗ.

Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có chiều dài khoảng 117,5 km nối tỉnh Khánh Hòa – Đắk Lắk (Ảnh: VOV)

Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột có chiều dài khoảng 117,5 km nối tỉnh Khánh Hòa – Đắk Lắk (Ảnh: VOV)

PV: Hiện nay mặt bằng đang vướng liên quan đến việc xử lý thu hồi tận thu lâm khoáng sản. Vậy về phía Ban QLDA 6 đã có những đề xuất thế nào đối với địa phương trong việc đấu thầu tận thu lầm khoáng sản?

Ông Trần Hữu Hải: Nếu đấu thầu tận thu cây đứng, chúng tôi đề xuất và chỉ đạo các nhà thầu chặt cây rồi tập kết ra một địa điểm nào đấy, rồi giao lại cho địa phương đấu thầu, nhưng tôi nghĩ địa phương chưa chấp thuận phương án này, nên hiện chúng tôi đang vướng chỗ này và vẫn đang phải chờ.

Trong khi đó phạm vi giải phóng mặt bằng khu vực có rừng này chỉ chiếm khoảng 24%, tức là 9km/37km, tuy nhiên nó ở nhiều vị trí và trên tuyến đều là rừng nên việc đi vào tuyến chính để triển khai thi công ở một số mũi rất khó khăn. Ví dụ như hầm Chư Te hiện nay đã mở đường công vụ vào đó, nhìn thấy rồi mà không làm gì được, bởi vẫn phải chờ xử lý rừng tự nhiên.

PV: Việc vướng mặt bằng liên quan đến rừng tự nhiên đang ảnh hưởng đến tiến độ thi công của dự án như thế nào và hiện nay địa phương đã có những động thái gì để gỡ nút thắt này?

Ông Trần Hữu Hải: Tóm lại là phải chặt rừng tự nhiên đi nhưng chưa làm được, nó dẫn đến hệ lụy một loạt hạng mục không có đá để làm, vì đá phải lấy từ hầm ra, bởi dự án được thiết kế theo nguyên tắc tiết kiệm; chưa kể địa hình khó nên phải đào các mom núi này sang mom núi kia nhưng cũng không thể vào để đào được, đó là câu chuyện tổ chức thi công chưa khả thi.

Khó khăn nữa là do địa hình khó nên chúng ta không thể tiếp cận công trường theo hướng dọc tuyến như cao tốc Bắc – Nam hay một số tuyến cao tốc khác có địa hình bằng phẳng mà phải tiếp cận ngang vào, nhưng tiếp cận ngang vào thì cũng là rừng. Hiện vấn đề này đang được UBND tỉnh Đắk Lắk tháo gỡ, tạo điều kiện để Ban và nhà thầu mượn hệ thống đường công vụ lâm sinh để vào tuyến.

Tuy nhiên, chúng tôi phải cải tạo lại hệ thống này gần 45km – bình thường cái này có khi thành một dự án, tuy giá trị tiền không nhiều nhưng để làm được thủ tục mở được hệ thống đường công vụ 45km cũng là một bước thắng lợi.

45km này để triển khai 21 lối vào ngang, nhưng hiện nay mới vào được 17 vị trí, đơn vị thi công đang triển khai, cố gắng làm sao đẩy lại tiến độ của dự án; còn 5 vị trí nữa, trong đó một số vị trí vào hầm và cầu đặc biệt đang chờ tận thu gỗ.

PV: Xin cảm ơn ông. 

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x