Giải quyết vướng mắc, thúc đẩy tiến độ dự án mở rộng QL 50
Hiện dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 50 qua huyện Bình Chánh đang có nguy cơ chậm tiến độ chỉ vì 11 hộ dân chưa thống nhất vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng.
Đây là một trong những dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của TP.HCM được thành phố đặt mục tiêu hoàn thành thông xe đoạn đường song hành cuối năm nay và hoàn thành toàn dự án trong năm sau.
Ngay khi tiếp nhận thông tin, lãnh đạo thành phố đã trực tiếp kiểm tra hiện trường để đưa ra những giải pháp cụ thể.
Trước những vướng mắc về việc giải phóng mặt bằng cũng như di dời hạ tầng kỹ thuật điện, nước đe dọa tới tiến độ dự án, mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã trực tiếp kiểm tra hiện trường và chỉ đạo các bên liên quan khẩn trương rà soát, phối hợp giải quyết dứt điểm thực trạng này:
“Nút thắt này thực ra không phải là khó gỡ, vấn đề là chúng ta phải có quyết tâm; doanh nghiệp, nhà nước và người dân phải đồng thuận, cùng chia sẻ mới đạt được. Theo tôi được biết, Ban Quản lý dự án cho rằng nếu trong tháng 10 có mặt bằng, thì đến cuối tháng 12 sẽ thông xe toàn tuyến. Như vậy, rõ ràng chỉ cần tháo nút thắt đó trong vòng một tháng thì công việc của chúng ta sẽ hoàn tất cả công trình.”
Đối với phần mặt bằng đoạn 1 của dự án thi công gần 4,3 km đường song hành, hiện còn 11 hộ dân thuộc dự án của hai doanh nghiệp là Gia Hòa (3 hộ dân) và Khang Phú (8 hộ dân) chưa tháo dỡ và giao mặt bằng do chưa hoàn thành công tác bồi thường.
Ông Trần Hữu Cường – Phó Giám đốc Công ty Xây dựng và Kinh doanh Nhà Gia Hòa cho biết việc giải quyết vấn đề này gặp khó khăn, vướng mắc khi các hộ dân đòi mức bồi thường cao gấp 5, thậm chí đến 10 lần so với bình thường:
“Theo phương án đền bù, doanh nghiệp đã chủ động đến thương lượng với ba hộ dân, nhưng họ không đồng ý vì cho rằng giá trị đất không ngang bằng với giá đất ở khu dân cư. Các hộ dân có đất nông nghiệp cũng yêu cầu tính theo giá đất ở. Doanh nghiệp đã nhiều lần thương lượng nhưng vẫn chưa đạt được thỏa thuận.”
Ông Phạm Minh Nhật – Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Kinh doanh Nhà Khang Phúc – cũng báo cáo những khó khăn tương tự: “Đối với 8 hộ còn lại đang vướng mắc, công ty đã đề xuất phương án giá phù hợp, từ 45 đến 55 triệu đồng/m² tùy theo diện tích nền, để tổ chức triển khai công tác bồi thường. Tuy nhiên, các hộ dân yêu cầu mức giá rất cao so với phương án bồi thường, nên việc thỏa thuận không thể đạt được”.
Nhằm tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng đối với 11 hộ dân thuộc dự án của 2 doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Tài – Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, (TP.HCM) đã kiến nghị: “Qua buổi làm việc của hai đơn vị, huyện Bình Chánh kiến nghị hai phương án. Phương án 1 là hai doanh nghiệp phải tiếp tục khẩn trương thực hiện theo mục tiêu dự án đã được phê duyệt từ các quy hoạch 1/2000 và 1/500.
Khi hoàn thành, chính sách của Quốc lộ 50 và nguồn lực mà doanh nghiệp đã đầu tư vào việc thu hồi đất sẽ được giải quyết theo hướng dẫn chung của Ban Chỉ đạo dự án. Phương án 2, nếu doanh nghiệp không thực hiện, Nhà nước sẽ tiếp quản thực hiện dự án, nhưng sẽ không thực hiện bồi thường cho phần đất của hai doanh nghiệp. Vì đây là mục tiêu mà đúng ra doanh nghiệp phải thực hiện, nếu Nhà nước làm thì phải có chế tài xử lý”.
Sau khi nghe báo cáo của các đơn vị liên quan, đặc biệt là vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng cho 11 hộ dân trong vùng dự án, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Võ Văn Hoan, đã chỉ đạo: “Tôi đề nghị huyện Bình Chánh cùng chủ đầu tư chủ trì buổi gặp gỡ, trao đổi để người dân hiểu rằng không thể có những mong muốn vượt quá thực tế mà phải dựa trên căn cứ cụ thể. Người dân có mong muốn là một chuyện, nhưng chính sách là chuyện khác và không thể thay đổi.
Doanh nghiệp có thể linh động trong khuôn khổ cho phép, nhưng nếu hai bên không đạt được thỏa thuận, thì sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế để Nhà nước thực hiện. Người dân cần cân nhắc lựa chọn phương án phù hợp. Đất ở đây là đất nông nghiệp, đất bùn trũng, đất đầm lầy, nên không thể có giá trị cao. Tuy nhiên, khi nhận được mảnh đất đã có hạ tầng và con đường này được giải phóng, thì giá trị của mảnh đất sẽ tăng cao hơn rất nhiều”.
Hiện nay, dự án mở rộng Quốc lộ 50 đang vướng mặt bằng của 11 hộ dân tại đoạn song hành và 16 hộ dân khác thuộc đoạn mở rộng. Cùng với đó, dự án cũng đang gặp khó khăn do tuyến ống cấp nước và 12 trụ điện chưa được di dời, ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Lãnh đạo thành phố yêu cầu các bên liên quan nhanh chóng rà soát, điều chỉnh ranh giới và xử lý bồi thường theo phương án mới.
Đối với các trụ điện, cần khẩn trương có quyết định bổ sung chi phí phát sinh để hoàn tất xử lý trước đầu tháng 11. Theo kế hoạch, dự án mở rộng Quốc lộ 50 đoạn qua huyện Bình Chánh sẽ thông xe đoạn song hành vào cuối năm nay và hoàn thành toàn bộ dự án trong năm sau. Tuy nhiên, nếu những khó khăn, vướng mắc không được giải quyết kịp thời, sẽ rất khó để dự án đảm bảo đúng tiến độ.
Sau buổi làm việc với Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Trần Hữu Cường – Phó Giám đốc Công ty Xây dựng và Kinh doanh Nhà Gia Hòa cho biết: “Hôm nay, đồng chí Phó Chủ tịch đưa ra ý kiến dựa vào chính sách đền bù mới nhất ở Quốc lộ 50. Đứng về phía doanh nghiệp, tôi thấy ý kiến này hợp lý, thì doanh nghiệp sẽ đứng ra đền bù cho 3 hộ dân. Về mặt giải tỏa cho người dân, giá tiền có thể thay đổi. Tôi thấy ý kiến như vậy là hay và có thể giải quyết được vấn đề.”
Ông Nguyễn Hữu Trí – Phó Trưởng Ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng huyện Bình Chánh, TP.HCM – cũng khẳng định, Ban sẽ tiếp tục phối hợp với doanh nghiệp để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng theo ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo thành phố:
“Theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, sau buổi làm việc hôm nay, huyện Bình Chánh sẽ phối hợp cùng với 2 doanh nghiệp, chủ đầu tư, tiến hành tiếp xúc để vận động người dân nắm rõ chủ trương đối với dự án Quốc lộ 50.
Bên cạnh đó, các chính sách đã được duyệt cũng như chỉ đạo của đồng chí Phó Chủ tịch cần được trao đổi để người dân hiểu rõ. Về giá đền bù, đồng chí Phó Chủ tịch chỉ đạo chúng ta tuyên truyền cho người dân hiểu rõ đơn giá của dự án Quốc lộ 50 và dự án của chủ đầu tư đã bồi thường, cộng với hỗ trợ thêm, để họ thấy rõ quyền lợi của mình. Từ đó, người dân sẽ chấp thuận theo đơn giá có lợi nhất cho mình.”
Xem thêm:
Nỗi lo đường sắt qua miền Trung: Không để xảy ra sự cố sập hầm, dừng tàu
Hà Nội: Vì sao tai nạn liên quan đến xe tải, xe bồn liên tiếp xảy ra?
Ngành đường sắt khuyến cáo hành khách “kiểm tra vé” tàu Tết