Thủ tướng chủ trì Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL
Ngoài các dự án đường bộ, cần tiếp tục bàn các nhiệm vụ, giải pháp triển khai các dự án các sân bay, bến cảng… cho vùng ĐBSCL. Đặc biệt, tỉnh Cà Mau phải nỗ lực hoàn thành dự án sân bay Cà Mau, máy bay cất hạ cánh được vào dịp 30/4/2025.
Đây là hai trong số nhiều chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL vào sáng ngày 16/10 ở TP. Cần Thơ.
Theo báo cáo của Bộ GTVT tại Hội nghị, hiện nay, khu vực ĐBSCL đang triển khai 9 dự án giao thông quan trọng quốc gia với tổng vốn đầu tư khoảng 106.000 tỷ đồng. Các dự án gồm: Dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông đoạn Cần Thơ-Cà Mau gồm 2 đoạn Cần Thơ-Hậu Giang và Hậu Giang-Cà Mau; Dự án cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng gồm 4 dự án thành phần; Dự án cao tốc Cao Lãnh-An Hữu gồm 2 dự án thành phần; Dự án cao tốc Mỹ An-Cao Lãnh; Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi-Bến Nhất, Gò Quao-Vĩnh Thuận; Dự án Cao Lãnh-Lộ Tẻ; Dự án Lộ Tẻ-Rạch Sỏi; Dự án cầu Rạch Miễu 2; Dự án cầu Đại Ngãi.
Trong đó, 8/9 dự án đang tổ chức thi công. Dự án cao tốc Mỹ An-Cao Lãnh (vốn ODA Hàn Quốc) do Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản đang hoàn thiện thủ tục và dự kiến khởi công đầu năm 2025.
Công tác giải phóng mặt bằng tại các dự án cao tốc đang triển khai đạt trên 99%, cơ bản đáp ứng tiến độ thi công, song vẫn chưa hoàn thành theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Dự án Cần Thơ – Cà Mau đạt 99,9%; dự án Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng đạt 99%; dự án Cao Lãnh-An Hữu đạt 98,5%; dự án cầu Đại Ngãi 99,5%.
Riêng dự án đường Hồ Chí Minh chưa đáp ứng yêu cầu thi công (đoạn qua tỉnh Kiên Giang đạt 56%, qua tỉnh Bạc Liêu đạt 82%); dự án Cao Lãnh – Lộ Tẻ còn vướng mặt bằng tại nút giao Lộ Tẻ (qua Cần Thơ).
Bộ GTVT cho biết, để đảm bảo hoàn thành các dự án theo nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các chủ đầu tư đã xây dựng kế hoạch chi tiết, tập trung chỉ đạo các nhà thầu huy động tối đa các nguồn lực tài chính, nhân lực, thiết bị và quyết liệt tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp”, “vượt nắng, thắng mưa” theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đến nay, các nhà thầu đã huy động tổng số 450 mũi thi công, 6.500 nhân lực, 2.200 thiết bị phù hợp với điều kiện thi công tại khu vực ĐBSCL (riêng dự án Cần Thơ – Cà Mau đã huy động 183 mũi thi công, 971 thiết bị, 3.000 nhân lực).
Theo Bộ GTVT, vấn đề cốt lõi nhất hiện nay là phải đảm bảo nguồn vật liệu (cát đắp, cấp phối đá dăm), đồng thời công tác chỉ đạo điều hành của các chủ đầu tư cũng như sự nỗ lực, quyết tâm của các nhà thầu trong tổ chức thi công. Các địa phương đã nỗ lực triển khai thủ tục cấp mỏ vật liệu, tuy nhiên, do thời gian thực hiện các thủ tục còn kéo dài và công suất khai thác các mỏ còn hạn chế nên chưa đáp ứng yêu cầu thi công.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, ĐBSCL có nhiều lợi thế nhưng hạ tầng chiến lược hiện nay vẫn còn rất khó khăn, nhất là hạ tầng giao thông, làm tăng chi phí logistic, giảm tính cạnh tranh. Thủ tướng đề nghị phải tích cực đổi mới sáng tạo, áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong thi công các công trình trọng điểm. Thúc đẩy phân cấp, phân quyền theo tinh thần Hội nghị Trung ương 10 là “địa phương làm, địa phương quyết, địa phương chịu trách nhiệm”. Cần kiên quyết xoá bỏ cơ chế “xin-cho”. Chính phủ rất sốt ruột vì các dự án hạ tầng giao thông chậm triển khai.
Về dự án cảng Cái Cui, nạo vét kênh Chánh Bố, mở rộng sân bay Cà Mau, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan phải ngồi lại với nhau rà soát, chỉ rõ nguyên nhân chậm vì sao, do đâu? Từ đó phải rà soát từng việc, có giải pháp thúc đẩy, triển khai nhanh các thủ tục đầu tư.
Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ đã phân cấp phân quyền tối đa cho các địa phương, địa phương bàn, địa phương quyết và chịu trách nhiệm và địa phương hưởng thụ. Trên tinh thần bàn làm không bàn lùi, không để kéo dài vì kéo dài là lãng phí, quyết tâm đến năm 2025 đồng bằng sẽ có 550km đường cao tốc đưa vào khai thác, cả nước phải hoàn thành 3.000km đường cao tốc, đến năm 2030 ĐBSCL có có 1.200km cao tốc hoàn thành.
Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phối hợp khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, chưa chủ động trong việc triển khai cấp phép, giao mỏ vật liệu xây dựng thông thường, một số cơ quan quản lý địa phương chưa nghiên cứu sâu các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các quy định pháp luật, hiểu chưa hết, chưa đúng dẫn đến chưa chủ động thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân. Bộ Giao thông Vận tải, Văn phòng chính phủ ghi nhận để ra kết luận và tổ chức thực hiện.
Thủ tướng đánh giá cao các ý kiến tâm huyết của các đại biểu đến từ các địa phương, bộ ngành, các chủ đầu tư, qua đó thống nhất được nhiều nội dung. Thủ tướng biểu dương tinh thần của cán bộ công nhân trên công trường, ghi nhận đánh giá cao các địa phương, các bộ, ngành, các doanh nghiệp, nhà thầu, các công ty tư vấn thiết kế góp phần làm thay đổi bộ mặt ĐBSCL và chia sẻ với người dân đã nhường đất, nhường mặt bằng, tích cực phục vụ công tác triển khai dự án.
Xem thêm:
Bãi xe lậu tại phố Quán Sứ, khó xử lý dứt điểm?
Lại có xe ô tô khách lùi trên cao tốc