TP.HCM chạy đua nước rút giải ngân đầu tư công
Tính đến nay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cho các công trình giao thông trọng điểm của thành phố Hồ Chí Minh mới chỉ đạt 20% trên tổng số hơn 12.000 tỷ đồng vốn được giao trong năm 2024. Đây là con số cực kỳ khiêm tốn.
Vì vậy Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố cho biết, thời gian này Ban đang quyết tâm tăng tốc thi công các công trình trọng điểm để có thể cải thiện tình hình này trong những tháng còn lại của năm.
Ghi nhận tại một số công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố những ngày này, mặc dù thời tiết không thuận lợi nhưng các nhà thầu, đơn vị thi công đang khẩn trương tập trung đẩy nhanh tiến độ.
Cụ thể như công trình nút giao thông An Phú thuộc Thành phố Thủ Đức, trong năm nay công trình này phải giải ngân 520 tỷ đồng nhưng đến nay dự án mới chỉ giải ngân được 155 tỷ đồng. Như vậy, khối lượng còn lại là rất lớn. Vì vậy, việc đẩy nhanh tiến độ thi công tất cả các gói thầu, hạng mục xây lắp trên công trường chính là nhiệm vụ quan trọng đang được khẩn trương triển khai tại dự án.
Ông Phan Xuân Thiệu – Cán bộ thi công hầm chui Mai Chí Thọ, nút giao An Phú, TP.HCM cho biết: “Ở đây, chúng tôi thi công gói thầu AC1 từ K7 đến K12. Trước mắt, chúng tôi đang tập trung triển khai thi công nút hầm K8, K9, nhằm mục đích đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và tái lập trong tháng 9 này. Hai nút hầm K8, K9 dự kiến sẽ hoàn thành, sau đó chúng tôi sẽ chuyển sang giai đoạn thi công nút hầm còn lại. Đoạn từ K7 đến K12 được xác định là đường găng của dự án, và dự kiến trong tháng 9 này, việc đóng nắp hầm sẽ được thực hiện theo đúng yêu cầu của chủ đầu tư”.
Cũng tại dự án công trình này, ông Đặng Trần Nam – Tư vấn giám sát dự án hạng mục thi công cầu Bà Dạt, nút giao thông An Phú, chia sẻ: “Tư vấn giám sát tại nút giao An Phú cùng với Ban Quản lý dự án và nhà thầu xây lắp đồng hành túc trực 24/24 tại công trường để đảm bảo theo sát từng hạng mục, đảm bảo chất lượng tốt nhất”.
Lý giải nguyên nhân các công trình giao thông trọng điểm chậm trễ tiến độ, ông Lương Minh Phúc – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM cho rằng, một phần là do công tác giải phóng mặt bằng vẫn còn gặp khó khăn; đồng thời, việc phối hợp trong di dời các công trình ngầm cũng phát sinh thời gian thi công.
Tuy nhiên, với quyết tâm cao, Ban cũng đã yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ các hạng mục để về đích theo kế hoạch đã đề ra: “Chúng tôi đang phấn đấu trong tháng 9 này hoàn thành hai gói thầu đầu tiên tại nút giao An Phú, bao gồm gói thầu thi công cầu Bà Dạt và gói thầu cầu Giồng Ông Tố 2. Các công trình này chưa thể khai thác ngay do chưa kết nối đồng bộ với khu vực chung.
Tuy nhiên, chủ đầu tư và thành phố quyết tâm hoàn thành dứt điểm từng gói thầu, để sẵn sàng cho các công tác tiếp theo, vừa tăng cường tỷ lệ giải ngân cho thành phố. Dự kiến đến cuối năm nay, hầm đầu tiên của nút giao An Phú sẽ được thông xe, và đến năm 2025, toàn bộ hầm thứ hai cùng hệ thống 4 cầu vượt sẽ hoàn thành”.
Như vậy, đến nay, toàn bộ dự án xây dựng nút giao An Phú đã đạt 51% tổng khối lượng thi công. Dự kiến đến cuối năm 2025, dự án giao thông đặc biệt quan trọng tại cửa ngõ phía Đông thành phố sẽ cơ bản hoàn tất và đưa vào khai thác, phục vụ người dân thành phố. Đồng thời, từ nay đến cuối năm, thành phố Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác 15 công trình, dự án giao thông trọng điểm, trong đó, riêng trong tháng 9 này sẽ hoàn thành và thông xe 5 dự án, gói thầu theo kế hoạch.
Mới đây, tại cuộc họp báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, TP.HCM thừa nhận kết quả giải ngân đầu tư công trong 8 tháng đầu năm 2024 chưa đạt yêu cầu kế hoạch đề ra. Tỷ lệ giải ngân mới chỉ đạt gần 20%, thấp hơn chỉ tiêu của thành phố và so với mặt bằng chung của cả nước. Các chuyên gia cho rằng, ngoài quy hoạch và công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, vấn đề mấu chốt nằm ở quy trình thủ tục và cơ chế phối hợp, cũng như cách thức triển khai thực hiện giữa các bên liên quan.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách chia sẻ: “Các dự án trọng điểm có mối liên kết ràng buộc giữa các cơ quan trung ương và địa phương, đặc biệt là đối với những dự án vùng và liên vùng. Quy trình thủ tục phức tạp, do đó chúng ta cần lược bỏ các quy trình và thủ tục không cần thiết, đồng thời quy về một đầu mối quyết định và tập trung vào một đầu mối duy nhất”.
Liên quan đến việc tỷ lệ giải ngân đầu tư công của thành phố vẫn còn thấp, Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Phan Văn Mãi, đề nghị các Trưởng Ban Quản lý dự án hạ tầng, công trình cần tập trung kiểm điểm thật kỹ từng dự án để xác định nguyên nhân khiến tỷ lệ giải ngân thấp hơn rất nhiều so với kế hoạch đề ra
“Ở đây, tôi nói về 4 Ban Quản lý dự án lớn. Tổng giải ngân từ đầu năm đến giờ của 4 ban này chỉ đạt 10,4%, thấp hơn mức bình quân chung của thành phố là 18,1%. Trong khi đó, 4 ban này lại quản lý phần lớn vốn của thành phố, và tỷ lệ giải ngân trung bình ở các quận huyện hiện là 34%.
Vì vậy, tôi đề nghị 4 Ban Quản lý dự án này, cùng với TP. Thủ Đức và các quận huyện, các đồng chí Trưởng ban phải kiểm điểm thật kỹ từng dự án. Chúng ta cần cập nhật kế hoạch và giữ vững cam kết hàng tháng, để đến cuối năm đạt tỷ lệ giải ngân khoảng 95%. Ban nào gặp khó khăn thì cũng phải đạt trên 90%. Tôi đề nghị chúng ta phải làm việc này, và đây là trách nhiệm của các đồng chí Trưởng ban”./.
Xem thêm:
Sớm thay thế hạ tầng cũ đường sắt quốc gia
Đường sắt Hà Nội – Lào Cai dự kiến thông một số khu gian vào ngày 14/9
Cấm xe tải có trọng tải 1,5 tấn trở lên lưu thông qua cầu Hòa Bình I