Cần Thơ: Kênh rạch chìm trong rác thải, lục bình
Cần Thơ đang định hướng trở thành đô thị sinh thái thông minh với điểm nhấn là “sông nước hữu tình”. Nhưng nhiều năm qua, sông nước Cần Thơ gặp phải tình trạng ô nhiễm nặng nề khi các con kênh, rạch chảy quanh thành phố ngập chìm trong rác thải và lục bình.
Mùa mưa đã đến, những con kênh này trở nên ám ảnh khi bốc mùi hôi và sinh ra muỗi mồng gây bệnh truyền nhiễm. Ghi nhận của PV VOV Giao Thông tại 2 con kênh lâu đời nhất thành phố Cần Thơ, dù đã được cải tạo lại kiến trúc nhưng nguồn nước ô nhiễm vẫn ngày càng nghiêm trọng.
Dài 4km và nằm vắt ngang 2 phường Xuân Khánh và An Phú, rạch Tham Tướng là một trong những tuyến sông thoát nước chính của TP.Cần Thơ đổ ra sông Hậu. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, rạch Tham Tướng là nơi cung cấp nguồn lợi thủy sản rất lớn cho người dân sống dọc hai bên bờ.
Nhưng nhiều năm nay, con rạch này chẳng còn con cá nào sống nỗi. Dưới dòng nước chuyển màu xanh xẩm, nhiều đoạn lục bình phủ kín kèm với thùng xốp nổi lềnh bềnh. Nhiều đoạn nước chuyển màu đen vì rác thải sinh hoạt cô đặc.
Ông Nguyễn Văn Cảnh, sống tại đường Mạc Thiên Tích, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều cho biết: “Hằng ngày sửa xe, trước đây chú còn hay lấy cái bánh xe nhận xuống nước để dò tìm chỗ thủng, còn bây giờ không bao giờ chú bước xuống. Người dân cứ vô tư tuôn xả rác xuống kênh mà không có luật lệ gì hết, người dân phải có ý thức, dù sao đây cũng là quận trung tâm của thành phố, sạch sẽ ai cũng thích hết.”
Trời nắng rác bốc mùi hôi thối, hàng quán than trời vì khách hàng phàn nàn. Trời mưa thì rác trôi dạt khắp mặt hồ, sinh muỗi mồng. Dù có cống thoát nước nhưng rác ứ đọng quá nhiều làm nước cũng không thể ra vào nổi nên cứ ứ đọng, dơ bẩn.
Chị Nguyễn Thị Ngọc – ngụ tại phường Xuân Khánh cho biết: “Con rạch này rác vức xuống bởi vậy nước rút rất chậm, sinh ra nhiều muỗi. Sống ở đây ngày nào cũng xịt mũi, tại nhà có con nhỏ, không thôi nó cắn cháu nhỏ.”
Cùng niên tuổi với rạch Tham Tướng, rạch Đầu Sấu cũng “chết lâm sàng” trong hoàn cảnh tương tự. Ngoài tiếp nhận nước thải từ 03 phường Hưng Lợi, phường An Khánh và phường An Bình, rạch Đầu Sấu còn phải “gánh” luôn một lượng lớn lục bình và rác thải nên người dân sống ven khu vực này ít khi nào thấy được mặt nước.
Anh Lê Văn Lâm – ngụ tại phường An Khánh, người dân đã lớn lên bên con rạch Đầu Sấu cho biết: “Con rạch này ngày xưa lớn lắm, mình tắm được mà, nhưng mà sau này ai cũng bỏ rác nên bị ùn ứ không thoát nước được. Ở phường năm nào cũng họp, nói là nạo vét và làm bờ kè mà mãi không biết ngày nào làm.”
Đảm nhiệm vai trò thoát nước nhưng tình trạng bị xâm chiếm và vức rác bừa bãi tại rạch Tham Tướng và Đầu Sấu đã làm ảnh hưởng ngược lại chính môi trường sống của người dân. Cần Thơ đang tiến đến xây dựng đô thị sinh thái nhưng phải đối mặt với thách thức ngập lụt do triều cường và ô nhiễm kênh, rạch nội thị. Theo người dân, ngoài ý thức bỏ rác đúng nơi quy định thì thành phố cũng nên có chủ trương kinh doanh mặt bằng trên những dòng kênh này.
Ông Nguyễn Văn Cảnh, sống tại đường Mạc Thiên Tích, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều góp ý: “Chú có một ý tưởng như thế này, bây giờ thành phố nên cho thuê cả khu vực mặt hồ này, đơn vị tư nhân cải tạo mặt nước cho đẹp rồi kinh doanh nước giải khát. Khi đó, người ta nhắc đến bờ kè Tham Tướng có điểm nhấn xinh đẹp chứ không phải nhắc đến một con rạch Tham Tướng đầy lục bình và thùng xốp.”
“Hồi sinh” lại những dòng kênh, rạch đã “chết” trong thành phố là điều cấp bách hiện nay. Bởi ngoài việc phục hồi cảnh quan, cải thiện môi trường thì khơi thông kênh rạch để giúp cho thành phố thoát cảnh ngập lụt hằng năm làm xáo trộn đời sống của người dân và tiến đến một đô thị sinh thái như mong đợi.
Tuy nhiên, thành phố cũng cần có chế tài hợp lý trong việc xử lý những trường hợp vức rác không đúng nơi quy định để hạn chế mức thấp nhất hành động xả rác xuống kênh, rạch. Đặc biệt, người dân là chủ thể, chính người dân ý thức việc giữ gìn vệ sinh chung thì thành phố mới đẹp.
Riêng đối với loài thủy sinh lục bình làm tắc nghẽn dòng chảy, rõ ràng, lục bình đủ thì điểm tô cho thành phố xanh, còn quá nhiều thì cũng cần biện pháp khơi thông nhanh chóng.