“Thủy cung” trên cầu đi bộ

Thêm đánh giá

 

Tại cầu đi bộ Trần Nhật Duật (Hoàn Kiếm, Hà Nội), sau 10 năm đưa vào sử dụng, mới đây, cầu đi bộ này đã được “biến hình” trở thành không gian văn hóa nghệ thuật, mang lại trải nghiệm mới mẻ và xóa đi nỗi sợ cầu đi bộ cho người dân và khách du lịch.

Hà Nội hiện có khoảng 70 cầu dành cho người đi bộ. Trong đó, nhiều cầu đi bộ từ lâu đã xuống cấp, cầu thì ngổn ngang rác thải, bán hàng rong hay trở thành nơi lý tưởng cho các đối tượng xấu tập trung, dẫn đến việc cầu đi bộ không còn “thân thiện” với người sử dụng.

Tại cầu đi bộ Trần Nhật Duật (Hoàn Kiếm, Hà Nội), sau 10 năm đưa vào sử dụng, mới đây, cầu đi bộ này đã được “biến hình” trở thành không gian văn hóa nghệ thuật, mang lại trải nghiệm mới mẻ và xóa đi nỗi sợ cầu đi bộ cho người dân và khách du lịch.

 

Cầu đi bộ trên phố Trần Nhật Duật là một lối giao thông đi bộ kết nối khu Phố Cổ và khu vực Phúc Tân cửa khẩu Thanh Yên, thuộc quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Ảnh: Phúc Tài

Cầu đi bộ trên phố Trần Nhật Duật là một lối giao thông đi bộ kết nối khu Phố Cổ và khu vực Phúc Tân cửa khẩu Thanh Yên, thuộc quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Ảnh: Phúc Tài

Đường đi học về nhà của Nguyễn Ngọc Linh, học sinh trường THPT Phúc Tân bây giờ như gần hơn bởi được thay màu áo mới với nhiều đồ vật trang trí mới lạ và được thắp sáng vào buổi tối với hàng loạt tác phẩm nghệ thuật sắp đặt.

Linh cho biết, nếu như trước đây để qua được cầu đi bộ, em phải chờ người lớn để đi cùng hoặc gọi bố mẹ qua đón vì cầu rất tối và nhiều rác thải. Thế nhưng, từ khi Dự án nghệ thuật công cộng trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật được triển khai, cầu đi bộ này như được hồi sinh với nhiều màu sắc và được thắp sáng vào buổi tối. Cũng từ đây, nhiều người chọn cầu đi bộ để sang đường hơn, đặc biệt là học sinh, giúp giảm nguy cơ TNGT tại đoạn đường này.

“Bây giờ nhìn cầu nhiều màu mè và đẹp hơn, không còn nhàm chán và xấu như trước đây. Trước đây nhìn xấu còn giờ nhiều màu sắc và thú vị hơn. Em thấy cầu bây giờ rất hay và được nhiều người thích, nhiều người chụp lại vì ở đây nhiều đồ tái chế, du khách nước ngoài rất nhiều người thích vì ai đi qua cũng thấy chụp ảnh lại, rất nhiều màu sắc và ai cũng thích thú…”, em Linh nói. 

Dự án nghệ thuật công cộng trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật (Hoàn Kiếm, Hà Nội) được thực hiện bởi nhóm họa sĩ từng tham gia dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân, dự án nghệ thuật công cộng Phùng Hưng như nghệ sĩ Vũ Xuân Đông, Lê Đăng Ninh, Cấn Văn Ân và giám tuyển Nguyễn Thế Sơn.

Với chủ đề “Nước,” các tác phẩm sắp đặt tương tác khắp các vị trí trên cây cầu đi bộ, qua đó biến hóa cây cầu trở thành một bộ sưu tập tác phẩm sắp đặt ánh sáng. Tất cả nhịp điệu của sự sống nơi biển cả trên một cây cầu xinh xắn nối liền phố cổ và bờ sông nhắc nhở những người sinh sống trên mảnh đất kinh kỳ ngàn năm về câu chuyện của “Nước” luôn có vai trò vị trí đặc biệt với Thăng Long – Hà Nội, với những người đang sống và yêu trên mảnh đất ngàn năm văn hiến…

Còn chủ đề “Thủy cung” cảm giác giống như một đường hầm thủy cung đầy hấp dẫn với đủ loài cá đại dương đang bơi lội phía trên vòm cầu:

“Ý tưởng như thế này rất tốt vì nhiều người đi phố đi bộ qua đây, có những đèn và họa tiết như thế này rất đẹp, những người trẻ có ý tưởng thế này rất tốt”.

“Sự thay đổi của cầu làm rất đẹp, phong cảnh thoáng mát, khiến nhiều người đi qua cầu hơn, thích thú với cầu đi bộ hơn…”

Các loài cá, mực, sứa…được làm từ vỏ chai nhựa, cốc nhựa, ống hút nhựa, ni lông tái chế… được thu gom từ khắp nơi trong thành phố. Ảnh: Phúc Tài

Các loài cá, mực, sứa…được làm từ vỏ chai nhựa, cốc nhựa, ống hút nhựa, ni lông tái chế… được thu gom từ khắp nơi trong thành phố. Ảnh: Phúc Tài

Dọc suốt hành lang thành cầu, tác phẩm sắp đặt ánh sáng với chủ đề “Sóng” của hoạ sĩ Lê Đăng Ninh cũng gợi lại ký ức của những lớp sóng sông Hồng chuyên chở phù sa suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Xen giữa những lớp sóng là hình ảnh tái hiện những người lao động trong nghiên cứu về “Kỹ thuật của người An Nam” của Henri Oger.

Chia sẻ về ý tưởng sáng tác của mình, họa sĩ Lê Đăng Ninh cho biết: “Chúng tôi biến cây cầu thành thủy cung trên cạn. Mỗi nghệ sĩ đưa ra 1 câu chuyện của riêng mình với 1 chủ đề chung, biến thành thủy cũng kết hợp các di sản, họa tiết trên các điêu khắc của 4 thời kỳ: Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Chúng tôi mong muốn các bạn nhỏ được đi trên cây cầu được trang hoàng, sáng hơn những ngày bình thường…”

Theo Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, Giám tuyển chính của Dự án nghệ thuật Công cộng trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật, để hoàn thành dự án nhóm nghệ sĩ đã mất khoảng 3 năm lên ý tưởng. Trong quá trình thực hiện, nhóm nghệ sĩ đã nghiên cứu cấu trúc của cầu để làm sao khi hoàn thành, các tác phẩm sẽ tương tác, biến toàn bộ cây cầu thành tác phẩm nghệ thuật.

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cho biết: “Dự án này có vai trò rất quan trọng khi kết nối khu vực phố cổ và ngoài đê, như 1 mảnh ghép kết nối nữa dự án nghệ thuật công cộng trong phố cổ, kết nối lõi phố cổ, giúp cho các em có con đường đi học sáng sủa, bớt các sự hiểm nguy ngoài ý muốn. Khi có nghệ thuật tới, khi có ánh sáng tới, các điều không hay mang tính tiêu cực, các tệ nạn sẽ dần mất đi, giúp khu vực đó sạch đẹp hơn và an toàn cho người sử dụng”.

Có thể nói, lần đầu tiên một cây cầu đi bộ ở Hà Nội trở thành một không gian văn hóa nghệ thuật, góp phần thay đổi góc nhìn về cầu đi bộ, trở thành cầu nối giữa khu vực phố cổ trong đê và khu vực Phúc Tân ngoài đê. Từ đây, một không gian nghệ thuật công cộng mới sẽ nối dài với địa điểm Trung tâm văn hoá nghệ thuật số 22 Hàng Buồm, tạo thành 1 tour nghệ thuật đi bộ hấp dẫn, thu hút khách du lịch và nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho người dân.

Dự án nghệ thuật công cộng trên cầu Trần Nhật Duật hy vọng góp thêm một điểm đến văn hoá tại quận Hoàn Kiếm, giúp người dân dần quen với thói quen đi bộ khám phá các di sản văn hoá nghệ thuật trong đô thị, gắn kết cộng đồng và đảm bảo ATGT, văn minh đô thị…/.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x