Đề xuất cấm vượt đèn vàng có phù hợp?

Thêm đánh giá

Chiều 22/5 vừa qua, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, ở phiên thảo luận dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, các đại biểu đã cho nhiều ý kiến xoay quanh các quy định mới.

Trong đó, tại quy định liên quan đến đèn tín hiệu màu vàng, lại không nhắc đến trường hợp đã vượt quá vạch dừng thì được đi tiếp khiến cho nhiều người hiểu rằng như vậy là cấm tuyệt đối việc vượt đèn vàng.

Không chỉ trong nghị trường quốc hội, thông tin này đã khiến người tham gia giao thông, các tài xế đặc biệt quan tâm.

Tài xế Trần Văn Thanh (quận Ba Đình, Hà Nội)

Tài xế Trần Văn Thanh (quận Ba Đình, Hà Nội)

Theo quy định của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, khi có tín hiệu đèn vàng, người tham gia giao thông phải dừng lại trước vạch dừng. Nếu đèn vàng nhấp nháy, lái xe được đi nhưng phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho xe lăn, người đi bộ hoặc phương tiện khác.

Trước thông tin này, tài xế Trần Văn Thanh (quận Ba Đình, Hà Nội) và một số tài xế khác băn khoăn:

“Cái mới này nếu mà trước khi đèn vàng thì nó coi như đèn đỏ luôn rồi cần gì phải đèn vàng nữa. Đèn vàng sinh ra để tín hiệu, để người đi đường biết chuẩn bị chuyển sang đèn đỏ là phải dừng lại”

“Nếu như thế đang đèn xanh mà chuyển đèn vàng đột ngột dừng cái thì xe sau sẽ húc vào mình thôi”

“Thật ra bọn tôi nhìn thấy đèn xanh, đèn đỏ, đèn vàng tín hiệu 3 giây thì chúng tôi không vượt, không để sát hoặc là đi cố. Trừ khi những cái mà tốc độ mà đang đà cao mà sát rồi mới tiện đà đi luôn”

 Về vấn đề này, theo Chuyên gia giao thông Tiến sĩ Khương Kim Tạo – nguyên phó chánh văn phòng Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia, trong đèn tín hiệu giao thông có ba màu: xanh, đỏ, vàng. Ba màu này đều có quy định rõ ràng, để khi đèn bật sáng, người tham gia giao thông có những ứng xử phù hợp, đảm bảo an toàn. Trong Công ước Viên 1968 về giao thông đường bộ đã viết rất rõ về tín hiệu đèn giao thông. Khi viết luật mới cần tham khảo công ước viên để có quyết định phù hợp.

Tiến sĩ Khương Kim Tạo chia sẻ: “Bây giờ chúng ta phải xem lại công ước viên. Đối với đèn vàng phải dừng lại trước vạch dừng. Trường hợp mà tiến sát đến vạch dừng hoặc chạy quá vạch dừng thì được đi tiếp. Chúng ta hiểu câu chữ trong công ước viên phải như thế. Trách nhiệm của chúng ta phải tuân thủ Công ước viên 1968. Bởi vì Công ước viên là công ước quốc tế, các lái xe của nước công ước viên người ta chạy sang đây người ta cũng phải có một ứng xử của người ta. Rồi mình đi sang nước khác cũng là nước thành viên công ước viên thì cũng phải ứng xử theo cái chung đó”

Đồng tình với ý kiến trên, Tiến sĩ. Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính pháp cho rằng, pháp luật Việt Nam cần tiệm cận và phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt, trong bối cảnh những người nước ngoài sinh sống, làm việc, tham giao giao thông tại Việt Nam ngày một nhiều và người Việt Nam cũng ra nước ngoài học tập, làm việc nhiều. Bên cạnh đó, chúng ta không nên đánh đồng đèn vàng và đèn đỏ:

“Quan điểm cá nhân tôi cho rằng không nên đánh đồng giữa đèn vàng và đèn đỏ. Nếu chúng ta quy định là đèn vàng thì phải dừng lại thì điều đó đồng nghĩa với việc nó giống như quy tắc với đèn đỏ. Như vậy thì ta bỏ luôn đèn vàng đi chỉ quy định đèn xanh, đèn đỏ thôi? Thế còn thì để chi tiết để đảm bảo trật tự an toàn giao thông nên có quy định cụ thể về đèn vàng.

Ví dụ như quy định phổ biến trên thế giới hiện nay thì khi mà đèn bật vàng mà phương tiện đang ở trên vạch sơn thì các phương tiện được phép đi tiếp. Nếu mà đèn bật vàng mà các phương tiện vẫn còn một khoảng cách, buộc phải đi chậm lại thì đến vạch sơn đèn bật đỏ thì phải dừng lại”

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tiến sĩ. Luật sư Đặng Văn Cường cũng cho rằng, đối với đèn tín hiệu giao thông không hiển thị số giây thì theo quy định trong dự thảo sẽ gây khó xử cho người điều khiển phương tiện, chưa kể còn tiểm ẩn nguy cơ xảy ra va chạm liên hoàn. Bởi khi đang lưu thông, nếu đèn đột chuyển vàng mà quy định phải dừng lại trước vạch dừng thì lái xe buộc phanh gấp.

Còn nếu không phanh gấp dừng lại, bánh xe quá vạch dừng thì thành trái luật, còn đứng yên cũng không được, vì luật quy định đèn vàng phải dừng trước vạch, còn nếu lùi xe lại cũng không xong, vì luật cấm lùi ở đường giao nhau.

Ngoài ra, theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2019/BGTVT quy định, tín hiệu vàng bật sáng, phải dừng lại trước vạch dừng, trường hợp đã đi quá vạch dừng hoặc đã quá gần vạch dừng nếu dừng lại thấy nguy hiểm thì được đi tiếp.

Trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường hoặc các phương tiện khác theo quy định của Luật Giao thông đường bộ.  Như vậy, tinh thần của quy chuẩn phù hợp với tinh thần của Công ước Viên.

Trước đó, tại nghị trường Quốc hội, xoay quanh vấn đề này các đại biểu cũng đưa ra ý kiến như: Đề nghị làm rõ trường hợp khi đèn tín hiệu giao thông không hiển thị thời gian mà xe đã đi vào vạch dừng; Đại biểu đề nghị cần quy định bắt buộc trong thiết kế phải hiển thị thời gian tương ứng với các màu của tín hiệu đèn giao thông (không quy định như dự thảo là có hiển thị thời gian hoặc không hiển thị thời gian)…. Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được Quốc hội xem xét và dự kiến thông qua tại kỳ họp này./.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x