Gần 3.300 lối đi tự mở qua đường sắt: Nguy cơ tai nạn tiềm ẩn
Gần 50% vụ tai nạn đường sắt liên quan đến lối đi tự mở, là hồi chuông cảnh báo về nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) tại những khu vực này. Qua 3 năm triển khai Đề án 358 của Thủ tướng Chính phủ, gần 2.000 lối đi đã được xóa bỏ, tuy nhiên vẫn còn gần 3.300 vị trí tiềm ẩn nguy hiểm. Vậy địa phương và ngành chức năng cần làm gì để xử lý dứt điểm vấn đề này?
Xung quanh nội dung này, PV đã có cuộc đối thoại với ông Trần Thiện Cảnh – Cục trưởng Cục Đường sắt.
PV: Ông có thể cho biết kết quả sau 3 năm thực hiện Đề án đảm bảo trật tự hành lang ATGT và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt?
Ông Trần Thiện Cảnh: Vấn đề ATGT đường bộ, đường sắt được TTCP phủ phê duyệt bằng QĐ 1856 năm 2007, trong 7 năm thực hiện đã dành nguồn vốn để đầu tư, cải tạo nâng cấp các đường ngang, từ đường ngang biển báo thành đường ngang cảnh báo tự động.
Đến năm 2014 – 2017 Chính phủ thay thế QĐ 1856 bằng QĐ 994 đã cơ bản giải quyết được các đường ngang cần thiết phải nâng cấp, các giao cắt giữa đường sắt và đường bộ hợp pháp, điều này giúp kéo giảm sâu TNGT đường sắt.
Đến tháng 3/2020 TTCP ban hành QĐ 358, tập trung giải quyết 3 nội dung: Giải tỏa hành lang vi phạm, xây dựng hàng rào dường gom và xóa bỏ các lối đi tự mở. Đặc biệt tai nạn đường sắt liên quan đến lối đi tự mở rất nhiều, chiếm gần 50%, để giải quyết vấn đề này TTCP đã phê quyệt xây dựng gần 400km đường gom và giao cho các địa phương cân đối nguồn vốn bố trí thực hiện.
Sau 3 năm thực hiện, đến nay mới có 12/34 địa phương triển khai, mới xây dựng được 20km đường gom, tương ứng với khoảng 5%. Tổng Công ty Đường sắt VN là đơn vị kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt đã cố gắng điều tiết kinh phí được nhà nước giao hàng năm, dù chỉ được 40% định mức nhưng cũng đã nỗ lực xóa bỏ và thu hẹp các lối đi không hợp pháp. Nhờ đó TNGT liên quan đến đường sắt đã giảm sâu.
PV: Theo lộ trình đến năm 2025 sẽ xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở, mục tiêu này liệu có khả thi và đâu là khó khăn?
Ông Trần Thiện Cảnh: Đến thời điểm này tôi đánh giá chắc chắn không thể thực hiện được; gần đây Bộ GTVT đã báo CP tiếp tục xin kéo dài thời gian thực hiện. Có một số nguyên nhân, trước hết là do nguồn kinh phí trung hạn 2021-2025 bố trí xây dựng đường gom, hàng rào dọc đường sắt, xóa bỏ được lối đi tự mở rất ít, hiện Bộ đang bố trí lồng ghéo vào các dự án cải tạo, nâng cấp đường sắt; còn về phía các địa phương gần như không bố trí được kinh phí thực hiện, nên không triển khai được.
Tôi thấy cần thiết phải có một số điều chỉnh về mặt chính sách pháp luật. Trước đây Bộ GTVT có quy định các lối đi tự mở không được cải tạo, nâng cấp thành những đường ngang hợp pháp nếu không đạt được một số tiêu chí nhất định.
Tuy nhiên, gần đây Bộ đã điều chỉnh Thông tư 25, thay thế bằng Thông tư 29, đối với các đường liên xã, liên thôn có mật độ người đi lại qua đường sắt tương đối lớn, Bộ đã đề xuất cho phép những lối đi tự mở đấy được nâng cấp thành đường ngang.
Tiếp theo đôn đốc, phối hợp với các địa phương cân đối từng khoản kinh phí để đầu tư một cách phù hợp nhất. Đồng thời phải điều chỉnh khi xây dựng kế hoạch trung hạn 2026-2030, từ trung ương tới địa phương đều cần phải quan tâm hơn nữa trong việc bố trí kinh phí để xây dựng đường gom, xóa bỏ lối đi tự mở mới giảm thiểu TNGT qua đường sắt hơn nữa.
PV: Hà Nội là địa phương có số lượng lối đi tự mở cao nhất nhưng tiến độ thực hiện vẫn còn rất chậm, ông có đề xuất gì?
Ông Trần Thiện Cảnh: Hà Nội là địa bàn có số lượng km đường sắt đi qua lớn nhất cả nước, với 5 tuyến đường sắt đi qua và cũng là địa bàn phức tạp nhất, bởi tập quán sinh sống của người dân dọc tuyến đã lâu năm.
Để thực hiện QĐ 358 chắc chắn là khó khăn nhất, mặc dù HN đã phối hợp tốt với các đơn vị đường sắt, hàng năm Cục Đường sắt đều có kiểm đếm, họp định kỳ để rà soát, tuy nhiên kinh phí dành cho việc này vẫn chưa có.
Tôi nghĩ rằng Hà Nội là một trong những đơn vị có điều kiện hơn các địa phương khác, tức là có thu đủ bù chi và nộp về ngân sách TW thì Hà Nội có thể cân đối được kinh phí cho việc này. Tôi mong muốn HN sớm sắp xếp ngân sách, dành 1 khoảnh nhất định để triển khai Kế hoạch 358 mà TTCP đã phê duyệt.
PV: Xin cảm ơn ông.