Sử dụng camera giám sát để ‘phạt nguội’ xe máy vi phạm đi vào đường cấm?
Sau Tết Nguyên đán, tình trạng xe máy lưu thông trên đường vành đai 2 trên cao (Hà Nội) lại tái diễn, gây nguy hiểm cho bản thân người điều khiển và các phương tiện khác. Tuyến đường này được thiết kế dành riêng cho ô tô với tốc độ tối đa cho phép lên đến 80km/h, sự xuất hiện của xe máy tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao.
Mặc dù đã lập chốt xử lý nhiều trường hợp vi phạm, tình trạng này vẫn chưa được cải thiện. Nguyên nhân được người vi phạm đưa ra chủ yếu là do sợ đi học muộn, đi làm muộn và muốn tránh đoạn ùn ứ từ Trường Chinh tới Ngã Tư Sở.
Để giải quyết vấn đề này, lực lượng CSGT đề xuất lắp đặt camera giám sát để xử phạt nguội. Giải pháp này được đánh giá cao bởi Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, Nguyên cán bộ Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội), và được cho là cần thiết để đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến đường.
Việc xe máy lưu thông trên vành đai 2 trên cao là hành vi vi phạm pháp luật và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao. Lực lượng chức năng cần tăng cường xử lý vi phạm và áp dụng các biện pháp đồng bộ để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.
PV: Thưa ông, quan điểm của ông như thế nào trước đề xuất gắn camera phạt nguội với trường hợp điều khiển xe máy cố tình đi vào đường cấm, đường dành riêng cho ô tô?
Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ: Luật giao thông đường bộ đã quy định, đường cao tốc thì chỉ dành cho xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy không được đi vào. Do là tốc độ cao, nên các phương tiện xe máy, xe đạp điện lên đó thì gây nguy hiểm cho chính họ, cũng như người điều khiển ô tô.
Khi tình huống bất ngờ thì dễ xảy ra tai nạn, mà tốc độ cao thì thường là tai nạn liên hoàn, không lường trước hậu quả.
Việc lắp đặt camera phạt nguội thì nên có, vừa đảm bảo an ninh trật tự, vừa giám sát để có căn cứ xử lý các vi phạm, không chỉ ô tô mà cả mô tô. Từ đó mới nâng cao được ý thức tự giác của người tham gia giao thông.
PV: Có ý kiến cho rằng, “phạt nguội” xe máy sẽ gặp nhiều khó khăn, bởi một tỉ lệ không nhỏ người dân vẫn đi xe máy không chính chủ?
Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ: Câu hỏi thứ hai đặt vấn đề rất khó xử lý điều đó. Thì tôi cho rằng, hiện tại, Thông tư 24 của Bộ Công an đã hướng dẫn người đi xe chính chủ để chuyển chủ sở hữu chính chủ.
Muốn làm việc này hiệu quả, cần có điều tra cơ bản, phối kết hợp công an địa phương, cảnh sát khu vực khảo sát người dân nào đang đi xe chưa chính chủ, thì hướng người ta chuyển đổi giấy tờ, để đồng bộ cùng với Đề án 06 dữ liệu về dân cư.
Ngoài ra, những phương tiện chưa sang tên đổi chủ cũng là tội phạm ẩn trong đó, chẳng hạn tường hợp đeo biển số giả, đã đục số khung, số máy, liên quan tội phạm hình sự mà chưa làm thủ tục đó. Chúng ta làm tốt thì mới đảm bảo được an ninh trật tự, ATGT và có căn cứ để xử phạt.
PV: Bên cạnh áp dụng công nghệ, theo ông, vai trò của công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý tại hiện trường nên được nhìn nhận ra sao, trong bối cảnh ý thức chấp hành của một số người còn hạn chế?
Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ: Trong khi người dân chưa tự giác chấp hành Luật giao thông đường bộ, các quy tắc an toàn khi lưu thông, cố tình đi lên đường vành đai mà cấm mô tô, xe máy, thì trong giờ cao điểm, lực lượng chức năng cũng nên có có biện pháp hướng dẫn, phân luồng.
Với trường hợp cố tình vi phạm, thì ở đường dẫn xuống đường trên cao, cũng cần tổ công tác kiên quyết xử lý.
PV: Xin cảm ơn ông.