Pháp luật không dung túng cho bất kỳ ai, bất kể quan hệ

Mạng xã hội “dậy sóng” với vụ 1 nữ tài xế điều khiển ô tô vi phạm nồng độ cồn, va chạm với xe máy ở phố Trần Cung, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Người này “nhận vơ” là cháu Bộ trưởng Bộ Công an rồi lớn tiếng đe nẹt người đối diện.

Câu chuyện gần đây lại một lần nữa dấy lên vấn đề nhức nhối: Luật pháp là bình đẳng cho tất cả, không ai được phép lợi dụng quyền thế, tiền bạc hay mối quan hệ để trốn tránh trách nhiệm.

Nhiều người khi nghe về vụ việc này hẳn sẽ cảm thấy quen thuộc với mô típ: Khi xảy ra mâu thuẫn giao thông hoặc bị xử phạt vi phạm, một số cá nhân lại sử dụng gia thế, địa vị để “dằn mặt” người khác. Họ ngang nhiên thốt ra những câu như: “Ông/bà/cô biết bố/chú/bác tôi là ai không?”, sau đó là những cuộc điện thoại “cầu viện” nhằm trốn tránh trách nhiệm.

Nữ tài xế vi phạm nồng độ cồn kịch khung trên phố Trần Cung
Nữ tài xế vi phạm nồng độ cồn kịch khung trên phố Trần Cung

Anh Hồ Văn Tiến, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội cho rằng, sở dĩ tư duy này vẫn còn ở một bộ phận người đi đường, là do họ đã quen với lề lối xin cho, dùng tiền, dùng quyền để giải quyết mọi vấn đề: “Nói chung ngoài xã hội, có quen biết, người ta vẫn có thể thế này thế nọ cả. Chỉ có điều ít được đưa lên truyền thông lắm, vì lúc đó làm gì có ai quay được. Nói thật là vậy. Còn để răn đe thì nên xử phạt hết, không tha cho một ai cả, bất kể con cháu ông nào, bà nào. Như vậy mới chấm dứt được tình trạng lái xe mà say xỉn gây hậu quả nguy hiểm cho mọi người xung quanh”

Theo chia sẻ của tài xế Lưu Thế Hải, việc lái xe khi say xỉn, vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất như trường hợp trên là vô cùng nguy hiểm. Do ảnh hưởng nặng nề của chất kích thích, nữ tài xế đã đánh mất ý thức về an toàn, dẫn đến những hậu quả khó lường.

Việc xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn trong đợt cao điểm được dư luận cả nước ủng hộ nhiệt liệt. Một ví dụ điển hình là trường hợp người phụ nữ vừa uống rượu bia, vừa lái xe gây tai nạn, lại hung hăng dọa nạt lực lượng chức năng bằng mối quan hệ.

Tài xế Lưu Thế Hải nhấn mạnh: “Pháp luật đã quy định rõ ràng. Dù uống ít hay nhiều, chất kích thích đều khiến thần kinh hưng phấn. Cảm giác ‘không say’ nhưng tinh thần hưng phấn khiến người lái xe không nhận thức được sự mất an toàn, dù thực tế nguy cơ rất cao.”

Anh Đỗ Văn Chiến, trú tại quận Hoàng Mai, chia sẻ về thực trạng đáng báo động: một số người, dù có địa vị xã hội nhất định, lại ảo tưởng về vị trí của bản thân, cho rằng họ có thể “lách luật” nếu bị xử phạt vì lái xe sau khi sử dụng rượu bia.

Anh Chiến khẳng định việc xác minh xem nữ tài xế trong câu chuyện có liên quan đến Bộ trưởng Bộ Công an hay không là hoàn toàn không cần thiết. Bởi lẽ, “Luật pháp bất vị thân”, bất kỳ ai vi phạm quy định về nồng độ cồn khi lái xe đều phải chịu xử lý nghiêm minh theo đúng quy định.

Hơn nữa, hành vi can thiệp xử lý vi phạm cho người có “họ hàng” cũng sẽ bị xử lý kỷ luật vì cản trở người thi hành công vụ.

Quan điểm của anh Chiến là xử phạt nghiêm minh theo đúng quy định, bất kể địa vị hay quan hệ. Việc nhiều người giả danh con ông nọ, cháu bà kia để bao che cho hành vi vi phạm cần được xử lý nghiêm khắc. Chỉ khi thực thi pháp luật một cách công bằng, không ngoại lệ, người dân mới ý thức được mức độ nghiêm trọng của vấn đề và không dám lợi dụng chức quyền để che đậy sai trái.

Theo các bác tài, luật pháp bất vị thân, cho dù là giả danh con cháu quan chức hay con cháu quan chức thật cũng đều bị xử lý nghiêm để răn đe
Theo các bác tài, luật pháp bất vị thân, cho dù là giả danh con cháu quan chức hay con cháu quan chức thật cũng đều bị xử lý nghiêm để răn đe

Anh Nguyễn Chiến Thắng, trú ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho rằng, trong cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn, có một chỉ đạo rất kịp thời từ Chính phủ: Đó là nghiêm cấm cán bộ, công chức can thiệp vào quá trình xử lý của lực lượng chức năng trong các hoạt động bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Thực tiễn xử lý vi phạm nồng độ cồn năm 2023 cho thấy: Cán bộ, công chức cũng không thể xin xỏ cho bản thân khi bị phát hiện vi phạm, chứ chưa nói tới việc can thiệp vi phạm của người nhà, người thân. Các trường hợp này ngoài xử lý theo quy định, Cục Cảnh sát giao thông còn gửi thông báo về cơ quan, đơn vị công tác để xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, của cơ quan.

Anh Nguyễn Chiến Thắng cho biết, quy định nghiêm cấm can thiệp, xin xỏ vi phạm có ý nghĩa vừa bảo vệ lực lượng thực thi công vụ khỏi áp lực từ các mối quan hệ, vừa bảo vệ cho chính các cán bộ, công chức, những người có quyền hành, tầm ảnh hưởng: “Quan trọng nhất vẫn là luật có tuân thủ và làm đúng hay không. Quy định bình đẳng này rất tốt, nó còn bảo vệ những người đứng đằng sau, vì người thân, gia đình đôi khi có nhiều vướng mắc, các quan chức đỡ bị mất uy tín. Mình nghĩ như thế là chuẩn rồi, không phải bàn cãi nhiều”.

Theo ý kiến của các bác tài, những người vi phạm luật giao thông đường bộ cần tuân thủ hiệu lệnh và chấp nhận xử lý từ lực lượng chức năng. Mọi hành vi xin xỏ, nhờ vả can thiệp đều trở nên vô hiệu, tuân theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Hơn nữa, hành động này còn ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân và những cá nhân, mối quan hệ mà họ nhờ vả.

Câu chuyện nữ tài xế vi phạm nồng độ cồn và nhận vơ là “cháu Bộ trưởng” là một ví dụ điển hình. Hy vọng rằng, qua sự việc này, nhận thức về việc tôn trọng pháp luật của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sẽ được nâng cao hơn.

 

 
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x