Có nên xây đảo nổi giữa sông Sài Gòn?

Thêm đánh giá

 

Một số chuyên gia đánh giá đây là ý tưởng lạ, độc đáo. Tuy nhiên, không ít người lo ngại công trình sẽ phá vỡ cảnh quan giá trị nhất của dòng sông. Do đó, để thực hiện cần có sự xem xét thấu đáo nhiều yếu tố tác động.

Liên danh Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu cùng Viện Quy hoạch vùng Paris (Pháp) đang hỗ trợ Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM nghiên cứu quy hoạch, phát triển toàn diện hành lang sông Sài Gòn.

Trong đó, đơn vị tư vấn đề xuất làm các đảo vườn nổi kết hợp với cầu đi bộ trên sông Sài Gòn đoạn qua khu trung tâm, bố trí dịch vụ vui chơi, giải trí, thu hẹp không gian hai bờ quận 1 và Thủ Thiêm. 

Một số chuyên gia đánh giá đây là ý tưởng lạ, độc đáo. Tuy nhiên, không ít người lo ngại công trình sẽ phá vỡ cảnh quan giá trị nhất của dòng sông. Do đó, để thực hiện cần có sự xem xét thấu đáo nhiều yếu tố tác động. 

Theo nghiên cứu của liên danh tư vấn, dọc sông Sài Gòn đoạn chảy qua TP.HCM có nhiều vùng lãnh thổ và môi trường khác nhau, nên nhóm đề xuất chia làm 4 phân khu để phát triển dựa trên những lợi thế và đặc trưng riêng ở mỗi khu vực.

Việc xây dựng các đảo nổi giữa dòng sông thuộc phân khu thứ 4 – vùng lõi giao giữa quận 1 và Thủ Thiêm. Những đảo vườn sẽ đảm nhận vai trò là điểm “dừng chân”, kết nối các cầu đi bộ khi được thành phố bổ sung xây dựng.

Ý tưởng này nhằm tạo liên kết, thu hẹp không gian hai bờ khi mặt sông Sài Gòn ở khu vực này rộng khoảng 250m – khoảng cách lớn hơn nhiều các dòng sông đã được quy hoạch bài bản như sông Seine (Pháp) hay Singapore.

Dòng sông Sài Gòn uốn lượn tạo ra những vòng cung ngoạn mục, ôm trọn những bán đảo xanh trong lòng TP.HCM

Dòng sông Sài Gòn uốn lượn tạo ra những vòng cung ngoạn mục, ôm trọn những bán đảo xanh trong lòng TP.HCM

Liên danh tư vấn cũng gợi ý những đảo này có thể xây cố định hoặc nổi, bố trí gần bờ nơi có dòng chảy chậm, hạn chế ảnh hưởng đi lại của tàu thuyền. Trên đảo có thể tổ chức các hoạt động giải trí như quán nhạc, quán cà phê, nhà hàng nổi, hồ bơi… giúp tăng trải nghiệm vượt sông, tạo điểm nhấn du lịch, giải trí hấp dẫn cho khu trung tâm. Đề xuất này nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ phía người dân.

“Tôi thấy nếu mà xây đảo nổi và cầy đi bộ thì quá hợp lý luôn. Nhưng mà trước khi mình làm phải nghiên cứu kỹ xem có ảnh hưởng gì đến dòng chảy của con sông Sài Gòn không vì con sông đó rất là quan trọng với hệ thống thoát nước của đô thị thành phố”.

“Cái khu vực bến Bạch Đằng về cảnh quan không gian là vùng nước rất là đẹp nếu mà chúng ta xây dựng đảo nổi lên thì cảnh quan sông nước đấy nó sẽ bị tối đi, chật hẹp lại. Cái đẹp của TP.HCM chính là khoảng sông đấy nó rộng nó thoáng, nó mang ý nghĩ về không gian lớn”.

Trước đề xuất này, 1 số chuyên gia cho rằng đây là ý tưởng lạ, độc đáo. Những đảo vườn nổi đóng vai trò liên kết, tạo sự gần gũi cho không gian đôi bờ – hình thành một nghệ thuật trong kiến trúc.

Đồng thời, đảo vườn có thể kết hợp với công viên sinh thái, quảng trường phía Thủ Thiêm, trong tương lai sẽ đem tới những trải nghiệm tốt hơn cho người dân, du khách và tạo điều kiện để khai thác kinh tế trên đặc điểm sông nước của TP.

Đồng tình với đơn vị tư vấn trong việc tăng tính kết nối đôi bờ (quận 1 – Thủ Thiêm) để khai thác tiềm năng kinh tế sông Sài Gòn và thúc đẩy phát triển khu Thủ Thiêm. Tuy nhiên, theo Kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Nam Sơn việc tạo liên kết, kéo gần khoảng cách đôi bờ là nhiệm vụ quan trọng để khai thác tiềm năng kinh tế sông Sài Gòn và thúc đẩy phát triển cho Thủ Thiêm.

Vì thế, kéo gần khoảng cách đôi bờ, tạo liên kết về cả không gian và giao thông là nhiệm vụ tối quan trọng để khai thác tiềm năng kinh tế của dòng sông cũng như đẩy mạnh phát triển cho Thủ Thiêm.

Tuy nhiên, KTS Ngô Viết Nam Sơn đánh giá ý tưởng xây đảo vườn nổi trên bờ sông là không phù hợp: “Đứng từ góc độ người Pháp có thể họ lấy kinh nghiệm sông Seine họ đưa vào. Tuy nhiên TP.HCM nên hiểu điều kiện và nhu cầu của người thành phố nó khác với người Pháp. Đầu tiên mình phải thấy rằng là không gian quy hoạch kiến trúc 2 bên bờ sông Seine nhà trung bình chỉ có 5 tầng thôi nhưng khu trung tâm TP.HCM trung bình 20 tầng. Đó là điểm bất lợi thứ nhất.

Thứ 2 những tòa nhà cao tầng 2 bên khó soi bóng xuống dòng sông nó mất hiệu quả về cảnh quan. Thứ 3 là làm đảo nổi cho dù làm xanh thì cũng chỉ trồng cỏ, cây thấp chứ không trồng được cây lớn vì giữa sông…”.

Phối cảnh những đảo vườn nổi trên sông theo đề xuất của đơn vị tư vấn

Phối cảnh những đảo vườn nổi trên sông theo đề xuất của đơn vị tư vấn

Đồng quan điểm, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Nguyên (Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam) cho rằng, khi làm các đảo nổi thì lấn mặt nước, sẽ làm thay đổi áp lực nước, dòng chảy sẽ bị đổi, nguy cơ tạo ra các tác động tiêu cực như xói mòn, sạt lở, gây cản trở giao thông thủy.

Còn về mảng xanh thì số cây trồng trên đảo không mang lại hiệu quả đáng kể cho việc cải thiện môi trường so với việc để mặt nước trống, thoáng..

“Khi làm những cái đảo nổi như thế thì nó sẽ làm hẹp cái dòng chảy của dòng sông mà khi dòng sông dòng chảy bị hẹp lại thì cường độ nước nó sẽ mạnh lên và khi nó mạnh lên thì cái tác động về mặt xói mòn các bờ nó sẽ nhiều hơn.

Quy luật sông nào cũng thế thôi khi mà có khúc quanh, khúc cuốn thì nó luôn xảy ra tình trạng bên lở bên bồi. Về môi trường, các đảo nổi đó sẽ có những cái kinh doanh như nhà hàng khu giải trí….những thải nước xuống dòng kênh và dòng sông sẽ bị ảnh hưởng ô nhiễm”.

Các chuyên gia cũng đề xuất việc kết nối đôi bờ sông là phải giải quyết nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt là hệ thống giao thông công cộng. Do đó, quy hoạch sông Sài Gòn không thể chỉ nhìn vào con sông không mà phải xem hai bên bờ sông.

Điều này phụ thuộc chủ trương phát triển giao thông thủy của TP. Nếu giới hạn không cho tàu lớn thì có thể vừa xây đường hầm vượt sông, vừa làm cầu bởi kết nối giao thông 2 bên càng nhiều càng tốt. Còn nếu chủ trương “mở” sông để đẩy mạnh giao thông thủy thì có thể hạn chế một vài cây cầu khu vực trung tâm. Khi đó, không gian sông Sài Gòn sẽ thông thoáng hoàn toàn.

Dưới góc độ chuyên gia quy hoạch đô thị, KTS Ngô Viết Nam Sơn đề xuất làm hầm kết nối ga ngầm trước UBND TP sang Thủ Thiêm để tăng tính kết nối bờ Đông – bờ Tây

“Mình đang làm tuyến metro số 1, có trạm metro ngầm trước UBND  TP, tôi nghĩ rằng TP nên xem xét một không gian ngầm từ trạm metro ngầm trước UBND  TP nối thẳng qua Thủ Thiêm. Thậm chí mình có tuyến xe buýt điện, người ta xuống cái ga này người ta lên xe buýt người ta chạy thẳng qua Thủ Thiêm.

Như vậy có nghĩa là kinh phí trước đây dự kiến làm cho tuyến ngầm Tôn Đức Thắng thì nên dùng kinh phí đó làm tuyến ngầm từ Nguyễn Huệ chạy qua Thủ Thiêm nó ý nghĩa nhiều hơn. Nó gia tăng tính kết nối trực tiếp giữa 2 bờ”.

Có thể thấy, ý tưởng tăng tính kết nối giữa khu trung tâm hiện hữu và phía bờ Thủ Thiêm của đơn vị tư vấn là rất cần thiết. Song, TP cần có những tính toán và phân tích kỹ lưỡng hơn. Đặc biệt là không nên xâm phạm đến môi trường sông Sài Gòn hình thành tự nhiên từ xưa đến nay. 

Đoạn sông Sài Gòn được đề xuất làm cầu đi bộ gắn với các đảo nổi (Ảnh: Báo Tiền Phong)

Đoạn sông Sài Gòn được đề xuất làm cầu đi bộ gắn với các đảo nổi (Ảnh: Báo Tiền Phong)

Làm đảo nổi có cần đổi não?

Đã từ lâu sông Sài Gòn được xem như một tài sản vô giá của hàng triệu người dân tại TP.HCM. Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong giao thương, luân chuyển hàng hoá, vận chuyển hành khách, mà dòng sông này còn trở thành một bản sắc riêng có cho đô thị Sài Gòn Gia Định hơn 300 năm tuổi.

Việc nghiên cứu, xây dựng đồ án quy hoạch tổng thể 2 bên bờ sông Sài Gòn mà TP.HCM đang triển khai với sự góp ý, hiến kế của nhiều tổ chức cá nhân là hết sức cần thiết để phát huy tối đa tiềm năng của dòng sông này. Trong số đó có thể kể đến ý tưởng táo bạo là làm các đảo nổi kết nối khu trung tâm với Thủ Thiêm.

Hẳn các nhà tư vấn đến từ Pháp có lý do để đưa ra đề xuất này, song cũng cần phải nói thêm rằng sông Sài Gòn hoàn toàn khác với sông Seine và văn hoá bản địa của người Việt Nam cũng không giống với người Pháp.

Nói như vậy để thấy là các ý kiến chưa thuận tình của các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước dành cho đề xuất này là có cơ sở.

Quy hoạch không phải là câu chuyện của một sớm một chiều mà là vấn đề của thập kỷ thậm chí là thế kỷ. Việc đưa ra một ý tưởng táo bạo trong đồ án quy hoạch sông Sài Gòn lần này có thể sẽ chưa phù hợp với thực tế hiện nay nhưng biết đâu chừng đó lại là sự thành công của nhiều năm sau nữa khi hình thái xã hội Việt Nam có nhiều chuyển biến.

Tiếp thu ý kiến, đề xuất của liên danh tư vấn hay quan điểm phản biện của cácc nhà khoa học, các chuyên gia là việc mà lãnh đạo TP.HCM cùng các đơn vị tham mưu sẽ phải lưu tâm nhiều hơn.

Vượt lên trên tất cả chính là một tư duy mới, một tầm nhìn khoáng đạt hơn từ những người làm quản lý đô thị để có thể đánh thức “con rồng xanh” đang ngủ yên trong lòng sông Sài Gòn.

Nói một cách khác là cần “đổi não” toàn diện trong nghiên cứu, xây dựng và triển khai quy hoạch chứ không chỉ dừng ở việc có làm “đảo nổi” hay không?

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x