Biển báo thay vì barie “khóa” đường: Cách chống ùn tắc hiệu quả, hạn chế tranh cãi
Có lẽ câu chuyện gây tranh luận sôi nổi nhất về giao thông đô thị những ngày qua là việc khu dân cư trục Thượng Định, quận Thanh Xuân (Hà Nội) đặt barie sắt vào khung giờ cao điểm ngăn xe máy vào ngõ, với mục đích tránh ùn tắc, hạn chế tai nạn, phiền toái trong sinh hoạt.
Mặc dù đã được thống nhất cao trong tổ dân phố, tuy nhiên, sự việc nổ ra tranh cãi về tính pháp lý của hành vi khóa đường này. Liệu có giải pháp nào hài hòa hơn?
Làm bảo vệ tại một chung cư mini gồm 21 căn hộ ở ngõ 144 Thượng Đình, ông Nguyễn Văn Lâm cho biết, vào giờ cao điểm sáng, lượng xe đi từ ven sông Tô Lịch xộc thẳng vào ngõ này rất lớn.
Nguyên nhân bởi các phương tiện muốn vào khu vực trung tâm sẽ phải đi vòng lên đường Trường Chinh. Do đó, nhằm tránh tắc đường và giảm quãng di chuyển, họ chọn đi vào ngõ để ra đường Nguyễn Trãi, lên cầu vượt hướng thẳng về phố Tây Sơn.
Dòng phương tiện đông đúc đi qua ngõ 144 Thượng Đình khiến việc dắt xe ra vào của các hộ dân gặp nhiều trở ngại, đặc biệt là gia tăng nguy cơ va chạm. Đó là lý do khu dân cư thống nhất làm barie sắt “khóa” lưu thông ở đầu ngõ.
Ông Lâm cho biết: “Cái đấy có từ lâu rồi, không phải bây giờ người ta mới làm. Ngõ này thì ùn tắc thật, người dân cũng có phản ánh, hộ dân từ nhà đi ra vô tình gây tai nạn thì cũng phiền phức. Tòa nhà này 21 hộ cơ, đấy xe đi như thế, xịch ra cái làm sao phanh được. Chả có cái biển nào, nên bên giao thông công chính cắm một cái biển cảnh báo cho người ta là chỗ này ùn tắc, cấm đi vào theo giờ chẳng hạn”.
Ở chiều ngược lại, khi đường Nguyễn Trãi ùn tắc, nhiều người điều khiển xe máy cũng tìm lối tắt vào ngõ 127 Nguyễn Trãi có lối thông sang ngõ 144 Thượng Đình. Tuy nhiên, không ít lần tranh cãi, thậm chí đánh nhau đã nổ ra khi đoàn xe bị chặn ở phía lối ra Thượng Đình bởi barie sắt, còn cư dân thì cũng không thể ra vào nhà mình vì ùn tắc.
Bà Vũ Thị Kim Loan cư dân sống trong ngõ 127 Nguyễn Trãi từng suýt bị tai nạn khi đi bộ bên cạnh đoàn xe máy: “Đường thì người ta có nhường đâu, còn va chạm với mình. Xe mắc vào áo, bấm còi âm ĩ cả lên. Tôi đang đi chợ về tay xách nặng hai bên, tôi bảo ‘từ từ để cô còn đi, xách vào nhà đã chứ’. Thế là họ bảo ‘con mụ này, mày đi thế à’. Tôi bảo sao đường to không đi mà cứ vào đây, chật, lại còn thiếu ý thức, ầm ĩ hết lên. Họ chửi. Rồi mấy gia đình đưa con đi học, đi làm không vào nhà được thì cãi nhau, rồi đánh nhau”.
Bà Loan bày tỏ, việc dùng barie vào khung giờ 7h-8h30 sáng “khóa” cứng lưu thông là việc chẳng đặng đừng và có hiệu quả trước mắt. Còn về lâu dài, rất cần giải pháp phân luồng giao thông hợp lý và hợp pháp từ phía cơ quan chức năng. Đơn cử như có biển báo để minh bạch thông tin với người đi đường, tránh những hiểu nhầm và xung đột lợi ích của cư dân với người tham gia giao thông.
“Nếu làm biển báo thì cũng được, nhưng chỉ sợ người ta không xem cảnh báo. Còn làm được thì tốt quá, chúng tôi ủng hộ. Chúng tôi không cấm gì, không gây khó khăn, nhưng quả thực là cực quá, có trẻ em, người già, người tai biến, đi ra ngoài này rất sợ, họ phóng nhanh lắm”, bà Loan nói.
Thường xuyên lái xe qua và thông thạo đường sá khu vực Nguyễn Trãi, Thượng Đình, anh Nguyễn Kim Hoàn, một tài xế chuyên nghiệp cũng đồng tình với ý kiến của ông Lâm và bà Loan. Cần thiết có biển cảnh báo rõ ràng để người đi đường lường trước, liệu đó có phải ngõ cụt, có thường xuyên ùn tắc để họ điều chỉnh lộ trình?
“Không nên khóa cứng. Chúng ta nên làm biển cảnh báo, người dân sẽ biết để hạn chế vào. Chứ không nên khóa làm cho người ta không đi lại được. UBND phường nên rà soát các ngõ trong giờ cao điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông, nên có bố trí lực lượng ra hướng dẫn giao thông. Hầu như Hà Nội phường nào cũng có đội tự quản ra hỗ trợ phân luồng giao thông, chúng ta nên tận dụng lực lượng đấy”.
Các chuyên gia pháp lý đã phân tích: Hành vi tự ý dựng rào chắn, barie cản trở giao thông đi lại của người dân, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT là hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Việc điều chỉnh hệ thống đường bộ tại đô thị phải do Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố quyết định.
Còn về mặt thực tiễn đời sống người dân chịu ảnh hưởng bởi dòng phương tiện “né” ùn tắc, cần một giải pháp hài hòa và phù hợp quy định pháp luật. Thực tế, ngõ 162 Khương Đình (quận Thanh Xuân) hay phố Mai Động (quận Hoàng Mai) đã triển khai kết hợp tổ tự quản hướng dẫn phân luồng với biển báo đường cụt, đề nghị các phương tiện chuyển hướng di chuyển thay thế. Và giải pháp này đã cho thấy hiệu quả./.
Xem thêm:
Nhóm học sinh đầu trần, kẹp ba dạo phố: Xử phạt cả phụ huynh và học sinh
Ngày trở lại Thái Lan của Bamboo Airways
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra tiến độ thi công cao tốc tại ĐBSCL